CSGT có 'châm chước' xe cán bộ cao cấp khi xử lý tai nạn?

Ý kiến phản biện 06/03/2016 06:05

Trong dự thảo đang được Bộ Công an lấy ý kiến đóng góp, CSGT được phép giải quyết "ưu tiên" trong trường hợp TNGT có liên quan tới cán bộ cấp cao.

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông. Dự thảo gồm 4 chương và 31 điều, quy định về nguyên tắc, trình tự và những tình huống cụ thể khi giải quyết tai nạn giao thông.

Trong đó, điều 22 dự thảo hướng dẫn cảnh sát xử lý tình huống tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Cụ thể, nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tham gia giao thông thì lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi. CSGT sẽ định thời gian để người điều khiển phương tiện sau đó đến trụ sở giải quyết.

Bien_xanh
Một ôtô biển xanh gây tai nạn trưa 4/3 ở tỉnh Hưng Yên.

Trong trường hợp phương tiện của cán bộ cao cấp đó không đủ điều kiện tham gia giao thông thì phải giải quyết cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đến địa điểm an toàn hoặc đến nơi cần thiết theo yêu cầu của cán bộ đó.

Nếu cán bộ đó trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì trước khi giải quyết cho đi phải lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản; định thời gian yêu cầu cán bộ đó đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết.

Nêu quan điểm về các ý kiến lo ngại CGST có thể "ưu ái" khi giải quyết tai nạn liên quan xe của lãnh đạo cao cấp, luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty Luật Bảo An (Hà Nội) cho rằng, cần nhìn nhận tinh thần của điều 22 trong dự thảo nhằm đến 2 mục tiêu. Đó là, vẫn có cơ sở giải quyết vụ việc nhưng đồng thời cũng hạn chế tối đa những tác động bất lợi do quá trình giải quyết vụ việc đối với hoạt động công vụ của cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Theo luật sư Vinh, điểm a, khoản 1 điều này quy định, nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tham gia giao thông thì lập biên bản… rồi giải quyết cho đi là chưa hợp lý.

Các xe gặp tai nạn ít nhiều để lại các dấu vết trên phương tiện. Việc CSGT chỉ “đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có)” rồi cho đi, nhưng sau đó vì các lý do như mưa bão, bùn đất…, khiến mất dấu vết sẽ gây khó khăn cho công tác giám định, thiếu căn cứ giải quyết - luật sư Vinh nêu quan điểm.

Theo luật sư, điều luật cần quy định, nếu cơ quan giải quyết vụ việc không thể bố trí phương tiện khác thay thế, mà công vụ của cán bộ đó đang cần phải thực thi mới giải quyết cho đi.

Trường hợp này, pháp luật cũng cần quy định người điều khiển phương tiện phải cam kết bằng văn bản không được làm bất cứ việc gì một cách chủ ý, dẫn đến thay đổi hiện trạng, dấu vết trên phương tiện, để đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ việc sau này.

Điều luật cũng cần cân nhắc có nên quy định cán bộ cao cấp đó phải đang thi hành công vụ hay không thì mới được áp dụng cơ chế “ưu tiên” thay vì chỉ “liên quan” như trong dự thảo. Việc quy định rõ vấn đề này sẽ giúp người điều khiển phương tiên có trách nhiệm hơn và quá trình giải quyết vụ việc trong nhiều trường hợp cũng sẽ đơn giản, thuận tiện - vị luật sư nói.

Bộ Công an nói gì về “giải quyết cho đi”

Trả lời PV về nội dung dự thảo, thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) khẳng định, hiện chưa có bộ quy định đối tượng nào là cán bộ cao cấp, nhưng tạm hiểu là các trường hợp như: Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ…

Trong thông tư cũng không thể giải thích được ai là cán bộ cao cấp và đây chỉ là quy trình để CSGT triển khai và thực hiện - tướng Quân cho biết.

Vẫn trên tờ báo này, vị phó cục trưởng cho rằng việc nhiều người hiểu cán bộ cao cấp gặp tai nạn cho đi ngay là không đầy đủ, còn “ưu ái” thì lại càng không đúng.

Quy định này là trong trường hợp cán bộ cấp cao đang thực hiện công vụ, do tính chất đặc biệt của công vụ nên cần phải có cách xử lý phù hợp, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo quy trình điều tra xử lý tai nạn theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Đối với các cán bộ cấp cao, ngoài việc xử lý phù hợp còn có yêu cầu bảo vệ, thậm chí khi thấy xe hỏng, CSGT phải sắp xếp phương tiện khác đưa đến nơi an toàn. Nhưng sau đó, lái xe vẫn phải quay trở lại để giải quyết và tất cả các trường hợp đều phải xử lý bình đẳng trước pháp luật - ông Quân nói.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CSGT, cho phép cảnh sát được huy động, trưng dụng phương tiện trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn bỏ trốn, cứu hộ, cứu nạn...

Việc huy động được thực hiện dưới hình thức đề nghị hoặc yêu cầu. Cảnh sát được trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, việc này phải được thực hiện theo quyết định của người thẩm quyền và theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật Công an nhân dân và Luật trưng mua, trưng dụng tài sản quy định. 

Cán bộ làm nhiệm vụ nếu lợi dụng việc huy động, trưng dụng phương tiện để nhằm mục đích vụ lợi, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý kỷ luật.

Ý kiến của bạn

Bình luận