Đại tá Lê Đình Toàn, thẩm tra kế hoạch công tác đảm bảo TTATGT của Phòng CSGT tỉnh Kon Tum. |
Trong thời gian qua, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn, tình hình TNGT trên toàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Để hiểu rõ hiệu quả công tác, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, phóng viên Tạp chí GTVT đã có buổi trao đổi với Đại tá Lê Đình Toàn, Trưởng phòng CSGT xung quanh những vấn đề trên.
P/V: Thời gian qua, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, tình trạng mất ATGT trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt, vậy để đạt được kết quả này lực lượng CSGT đã có những giải pháp cụ thể nào thưa ông?
Trước tiên, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, UBATGTQG, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Bộ Công an, Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan truyền thông, xác định đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Lực lượng CSGT phối kết hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt, tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm.
Qua đó, các ban, ngành tại địa phương đã nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về vận tải đường bộ, liên tục rà soát và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho sát, đúng và phù hợp tình hình quản lý vận tải hiện nay, theo đó giao trách nhiệm cho các đơn vị có kho hàng, bến bãi, nhà ga, các doanh nghiệp, chủ xe, quản lý chặt chẽ việc xếp hàng hóa lên xe ô tô ngay tại gốc, xếp hàng hóa đảm bảo đúng trọng tải mới cho xe xuất phát. Đồng thời các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay từ nơi xếp hàng hóa, không để tình trạng xe chở quá trọng tải lưu thông trên đường. Kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân những người đứng đầu chủ doanh nghiệp vận tải, người quản lý kho hàng, bến bãi... nếu để xe xếp hàng quá trọng tải lưu thông trên đường.
Đại tá Lê Đình Toàn, trao đổi công tác kiểm soát tải trọng phương tiên với can bộ chuyên môn |
Bên cạnh đó, sự phối hợp thống nhất hiệu quả giữa các lực lượng chức năng, các cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, và tổ chức các cuộc tọa đàm đối thoại với các doanh nghiệp vận tải, lái xe, chủ hàng, tạo dư luận xã hội đồng thuận, lên án các hành vi vi phạm vận chuyển hàng hóa quá trọng tải.
Cùng với đó, các lực lượng chức năng đã chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị từ khâu khảo sát, tuyến đường, địa bàn, bến bãi, kho hàng, địa điểm dừng xe kiểm tra, xử lý nghiêm các xe trốn, tránh, vượt qua vị trí kiểm tra, các xe quá tải đều buộc phải hạ tải, không để tình trạng một số xe vẫn chở quá trọng tải tồn tại lưu thông nhằm tạo sự công bằng trong kinh doanh vận tải.
Đặc biệt là đội ngũ cán bộ chiến sỹ, nhân viên vận hành cân kiểm tra tải trọng xe được tập huấn kỹ về nghiệp vụ, đảm bảo kết quả cân chính xác. Thiết bị cân điện tử hoạt động tốt, đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra các lực lượng chức năng, trước khi triển khai thực hiện đã được kiểm tra kỹ công tác chuẩn bị, cán bộ tham gia thực hiện kế hoạch theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật, quy trình công tác. Nắm chắc tình hình, bố trí lực lượng tuần tra lưu động kiểm soát các tuyến đường lân cận trong địa bàn có nhiều xe chạy hoặc chạy thành đoàn, bố trí điểm dừng để giải quyết kịp thời không để xảy ra ùn tắc giao thông. Có những phương án giải quyết các tình huống phát sinh như; cản trở, chống lại người thi hành công vụ, xe chạy theo đoàn gây ùn tắc giao thông...
CSGT kiểm tra giấy tờ trước khi kiểm tra tải trọng xe tại trạm cân Sao Mai tỉnh Kon Tum. |
P/V: Là lực lượng chuyên trách trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện và được coi là lực lượng lòng cốt trong công tác đảm bảo ATGT. Thời gian tới, lực lượng CSGT Kon Tum sẽ thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
Trước tiên phải làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, qua đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc đảm bảo TTATGT nói chung, kiểm soát tải trọng xe nói riêng trên địa bàn tỉnh, tiếp tục phát huy là một trong những lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong công tác này, bên cạnh đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm, hiệp đồng tác chiến với các cơ quan, ban, ngành liên quan công tác đảm bảo TTATGT, quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện nhằm hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ công tác kiểm soát tải trọng, nhất là giải quyết chế độ cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác này.
Trong hoạt động kiểm soát tải trọng xe cần tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Trung ương và của địa phương, đồng thời căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu đề ra, áp dụng các biện pháp, hình thức kiểm soát tải trọng xe sao cho phù hợp và có hiệu quả nhất, chú trọng kết hợp giữa công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để các công ty, doanh nghiệp vận tải, lái xe, chủ hàng, chủ xe nâng cao ý thức trách nhiệm và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng xe.
Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các biện pháp trọng tâm, thiết yếu kiểm soát tải trọng xe đã triển khai thực hiện trong thời gian qua, đề xuất tăng cường lực lượng, trang thiết bị phục vụ công tác. Bên cạnh việc kiểm soát tải trọng trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, cũng cần tiến hành các tuyến khác, tổ chức kiểm soát ngay tại nơi tập kết, kho hàng, bến, bãi đối với các loại nông sản, gỗ, vật liệu xây dựng và phải đảm bảo chấp hành đúng tải trọng theo quy định mới cho lưu thông.
CSGT kiểm tra giấy tờ trước khi kiểm tra tải trọng xe tại trạm cân Sao Mai tỉnh Kon Tum. |
Qua đó, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về tải trọng xe, thường xuyên cập nhật các quy định mới trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài địa phương để các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời nắm được và chấp hành.
Bên cạnh công tác phối hợp với các ban ngành liên quan, khi đã đảm bảo các điều kiện cần thiết về lực lượng, trang thiết bị, lực lượng CSGT tổ chức thực hiện việc kiểm soát tải trọng độc lập theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ Công an.
P/V: Hiện nay công tác kiểm soát tải trọng phương tiện còn những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
Theo tôi, bên cạnh nhưng thuận lợi trong quá trình kiểm soát tải trọng phương tiện thì thực tế công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Thứ nhất, việc khảo sát để bố trí địa điểm đặt Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động gặp khó khăn vì các tuyến đường trên địa bàn tỉnh có địa hình nhiều đồi, dốc, quanh co khúc khuỷu, một số tuyến đường đang trong quá trình nâng cấp, hoàn thiện, việc hạ tải những trường hợp phương tiện vi phạm còn gặp khó khăn (bến bãi, phương tiện phục vụ việc hạ tải thiếu thốn), do đó việc hạ tải chủ yếu do chủ phương tiện thực hiện dẫn đến thời gian hạ tải kéo dài, chi phí hạ tải lớn.
Thứ hai, một bộ phận lái xe, chủ hàng, chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải còn tìm cách đối phó với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm tra tải trọng xe, một số xe chở hàng từ địa phương khác đến hoặc đi qua tỉnh Kon Tum vẫn còn tình trạng chở quá tải mặc dù đã được địa phương đó kiểm tra, xử lý.
Thứ ba, lực lượng, trang thiết bị kiểm soát tải trọng xe còn thiếu nên hiện nay chủ yếu mới được thực hiện trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, đối với các tuyến còn lại chưa thực hiện được.
P/V: Thực trạng và nguyên nhân xảy ra TNGT trên địa bàn tỉnh vừa qua? Ông có đề xuất gì nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát tải trọng phương tiện?
Về tình hình TNGT thời gian vừa qua đã được kiềm chế. Trong 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông. Trong đó có 02 vụ ít nghiêm trọng, 42 vụ nghiêm trọng và 04 vụ rất nghiêm trọng, làm 50 người chết, 39 người bị thương. Thiệt hại về tài sản: 11 xe ô tô, 41 xe mô tô, 01 xe máy cày và 01 xe máy kéo.
So với cùng kỳ năm 2015 thì số vụ, số người chết, số người bị thương đã giảm. Cụ thể giảm 13 vụ, giảm 03 người chết, giảm 05 người bị thương. Nguyên nhân của các vụ TNGT chủ yếu là do ý thức của bộ phận người dân chưa cao, điển hình như đi không đúng phần đường với 07 vụ, sử dụng rượu bia 03 vụ, không chú ý quan sát 01 vụ, đậu đỗ xe sai quy định 01 vụ…và các nguyên nhân khác.
Hiện nay, công tác kiểm soát tải trọng xe là một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đưa vào chương trình công tác năm để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm soát tải trọng xe tại địa phương vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế. Do đó để nâng cao hiệu quả công tác này, Phòng CSGT Kon Tum đã tham mưu Công an tỉnh có một số kiến nghị, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an, thường xuyên quan tâm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm kịp thời đề ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện thuộc thẩm quyền giải quyết của lực lượng Công an.
Tăng cường bổ sung biên chế cho lực lượng CSGT đảm bảo đủ số lượng thực hiện nhiệm vụ, đồng thời giải quyết kinh phí mua sắm các trang thiết bị cần thiết để tổ chức độc lập kiểm soát tải trọng phương tiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSGT.
Đầu tư xây dựng các bến, bãi, phương tiện phục vụ việc hạ tải nhằm chủ động trong công tác xử lý vi phạm, giải quyết phương tiện hàng hóa vi phạm, không gây ùn tắc, bức xúc đối với lái xe và chủ hàng. Cùng với đó, các cơ quan truyền thông tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng xe, cũng như công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng trong công tác này, góp phần hạn chế và xử lý dứt điểm các vi phạm về tải trọng xe tại địa phương và trên phạm vi cả nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.