Đã 60 tuổi nhưng hàng đêm bà Trần Thị Ngọc Anh vẫn xách đồ nghề ra góc đường Hàm Nghi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP HCM) để vá xe kiếm sống, nuôi cháu ngoại ăn học.
Tại góc đường Hàm Nghi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP HCM), những ai về khuya đi qua đều thấy một người phụ nữ cao tuổi cặm cụi vá xe mỗi đêm trong ánh đèn pin le lói.
Bà tên là Trần Thị Ngọc Anh, năm nay 60 tuổi, ngụ tại Vĩnh Hội, đường 10-1D. Người ta thường gọi bà bằng cái tên giản đơn "bà Gái".
Bà không nhớ quê gốc mình ở đâu, chỉ biết từ khi sinh ra bà đã sống ở Sài Gòn cùng ba mẹ và các anh chị em. Gia đình nghèo, không có điều kiện, bà Anh chỉ đi học đến lớp 4 rồi đi làm phụ ba mẹ.
Trải qua bao nhiêu công việc cuối cùng bà chọn nghề sửa xe đạp để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình.
Bà lấy chồng từ rất sớm, có được 3 người con. Hàng ngày hai ông bà nương tựa vào nhau sống bằng nghề vá xe ven đường nuôi con. Nhưng rồi không may, cách đây 3 năm ông mất, một mình bà phải gồng mình lên để nuôi đứa cháu ngoại. "Các con của tôi tuy đã trưởng thành nhưng hoàn cảnh sống đều khó khăn, chúng nó lo được thân là tôi vui rồi", bà tâm sự.
Hai bà cháu hiện tại sống trong căn nhà tình thương được các nhà hảo tâm xây cho cách đây không lâu. Mọi sinh hoạt chỉ diễn ra trong căn phòng 5 m2. Đi làm về khuya, nên 11h hôm sau hai bà cháu mới ngủ dậy, ăn bữa trưa thay cho bữa sáng.
Bé Trần Quang Tuấn năm nay lên lớp 7. Tuấn và bà đều thích nuôi chó. Cách đây một năm, bà xin được cả hai con về nuôi làm bạn. Bà Anh bảo: "Thằng này tính nó lành mà nhát người lắm. Ai dữ là nó không chơi liền, nên có mấy con chó nó cũng vui lên nhiều lắm".
Năm nào Tuấn cũng được học sinh tiên tiến, mỗi tờ giấy khen là niềm tự hào của bà ngoại. Do hoàn cảnh khó khăn, hầu như tháng nào em cũng đóng tiền học trễ dù đã được nhà trường hỗ trợ phần nào chi phí.
Hàng ngày bà luôn dành thời gian để ngồi nói chuyện với cháu trước khi đi làm. Ở với bà từ lúc mới sinh, Tuấn bảo, giờ bố mẹ có về đón cháu đi, cũng chẳng bao giờ đi vì chỉ yêu bà ngoại thôi.
Tuấn mua đá để bà mang đi làm. Ngày nào trước khi đi làm cậu bé đều chuẩn bị đồ nghề đầy đủ cho bà ngoại.
Chiếc xe đạp nhỏ chở đầy đồ nghề, rất khó khăn cho bà mỗi khi dắt xe đi làm, nhất là lúc trời mưa.
Mỗi lần xuống dốc, bà đều thả trôi và phanh bằng chân cho đỡ nặng nề, nhưng việc này cũng đã có lần làm bà bị ngã.
Trước khi làm, thủ tục đầu tiên là bà đốt thuốc cho thần thổ công thổ địa. Có lúc chán, bà Anh cũng hút hết gần nửa bao thuốc lá.
Bà rất thích được nói chuyện với khách nên vừa làm vừa nói chuyện. Có lúc làm xong cả bà và khách vẫn cười với nhau lâu quên cả nghiệm thu.
“Lớn tuổi rồi, không còn sức khỏe nên tôi chủ yếu vá xe và bơm hơi chứ không sửa máy móc. Mỗi lần vá từ 15.000-20.000 đồng một miếng, bơm thì chỉ 2.000 đồng. Nhiều lúc, khách đi về đêm bể bánh hoặc hết xăng không đủ tiền trả tôi vẫn sẵn lòng giúp bằng cách cho nợ" - bà Anh chia sẻ.
Dù tuổi đã cao, nhưng bà bảo "ông Trời cho tôi mắt sáng và bàn tay khỏe mạnh để tiếp tục mưu sinh nuôi cháu khôn lớn".
Nhưng đôi chân của bà bị bệnh khớp ngày càng nặng. Hàng ngày người phụ nữ cao tuổi vẫn phải xoa dầu gió xanh nhưng cũng không đỡ nhiều.
Một vài người khách quen đi làm về khuya, ghé lại ngồi tâm sự với bà dăm ba câu chuyện. Bạn Phương (20 tuổi) cho biết: "Thỉnh thoảng em lại qua ngồi với bà mỗi khi đi đâu về muộn. Dù bằng tuổi với bà em mà bà Anh cứ phải lang thang ngoài đường đêm hôm sương gió".
Cứ 18h giờ bà xách đồ nghề từ nhà đi, tới 2 giờ đêm lại dọn đồ về. Hôm nào đông khách bà kiếm được hơn 100.000 đồng, lúc vắng khách thì đôi ba chục tiêu tạm. Bà tự nhận mình là "con quỷ sống về đêm".
Có lúc bà ngủ gật khi vắng khách. Bà bảo, đây là công việc nuôi sống mình thuở nghèo khó đến giờ nên đến chết mới bỏ. Hơn nữa nó là việc lương thiện, giúp bà gặp gỡ nhiều người vì mỗi tối ở nhà rất buồn.
Điều bà Anh lo lắng nhất là sự khôn lớn của cháu ngoại. "Chẳng biết rồi vài năm nữa mình chết thì ai chăm nó, có còn đi học không, rồi lớn lên làm gì mà sống".
Mỗi khi buồn ngủ, bà lại ra rửa mặt hoặc uống một cốc cafe đen.
Công việc của bà kết thúc cũng là lúc nửa đêm về sáng. Trên cây cầu, bà lặng lẽ dắt chiếc xe lên dốc cho đỡ nặng. Hôm nay vắng khách, bà chỉ vá được có 2 lốp.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.