Lễ ra quân hưởng ứng ngày môi trường thế giới trong lĩnh vực đường thủy nội địa tại cảng Thạnh Phước. |
Ngày 3/6, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực III tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng ngày môi trường thế giới trong lĩnh vực đường thủy nội địa” tại cảng Thạnh Phước, tỉnh Bình Dương.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, thời gian qua vận tải đường thủy nội địa đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội với những ưu thế như: giá cước vận tải thấp, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; tiết kiệm nhiên liệu, phát thải thấp và có tính xã hội hóa cao. Năm 2018, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thuỷ lên tới 180 triệu tấn hàng hóa, chiếm 18% thị phần vận tải hàng hoá toàn ngành GTVT.
Hiện nay nhiều cảng, bến chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. |
Tuy nhiên, cùng với lợi ích kinh tế đem lại, hoạt động vận tải thủy cũng gây tác động tiêu cực tới môi trường. Công tác bảo vệ môi trường đường thủy nội địa còn nhiều bất cập. Qua công tác kiểm tra hoạt động vận tải thủy trong những năm qua, cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp có hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, tuy nhiên không bao gồm hạng mục công trình cảng, bến thủy nội địa. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động của cảng, bến hoặc thực hiện chưa đúng theo nội dung đã cam kết. Việc thu gom, lưu giữ chất thải thông thường và chất thải nguy hại chưa đúng theo quy định; hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn của nhiều cảng, bến bị xuống cấp, dẫn đến chất thải tràn xuống sông. Nhiều cảng, bến chưa bố trí thùng rác tại khu vực bến để thu gom rác thải tại bến và tiếp nhận rác từ phương tiện; Hầu hết doanh nghiệp chưa thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; Các phương tiện thủy không có biện pháp thu gom, lưu giữ chất thải. Các loại chất thải phát sinh trên phương tiện đều được xả thẳng ra môi trường không qua xử lý.
Những khó khăn trên đã, đang và sẽ là những thách thức lớn đối với vận tải thủy nội địa Việt Nam, nếu không có chính sách đầu tư và quan tâm thỏa đáng đến công tác bảo vệ môi trường, sẽ góp phần làm môi trường sông nước ngày càng suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. |
Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động vận tải thủy nội địa, Cục ĐTNĐ Việt Nam yêu cầu các chủ cảng, bến thủy nội địa tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định; Bố trí chi phí cho công tác bảo vệ môi trường, tiến hành xử lý chất thải, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được duyệt; Tổ chức quản lý, giám sát và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thi công xây dựng dự án theo quy định của pháp luật xây dựng và bảo vệ môi trường; Xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định; Bố trí nhân sự quản lý, thực hiện công tác bảo vệ môi trường cảng, bến; Thu gom, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện quan trắc định kỳ nước thải trước và sau khi xử lý; lưu giữ số liệu quan trắc để phục vụ kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý nước thải…
Đối với chủ tàu biển, phương tiện thủy hoạt động trên ĐTNĐ phải che chắn, không để rơi hàng hóa, phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường; Rác thải, chất gây ô nhiễm của phương tiện thủy, tàu biển phải được thu gom, lưu giữ tại phương tiện, tàu biển để chuyển lên hệ thống thiết bị tiếp nhận tại cảng, bến hoặc chuyển cho tổ chức có chức năng xử lý theo quy định; không xả ra môi trường hoặc cầu cảng; Phương tiện thủy phải trang bị thiết bị xử lý nước thải, các loại chất lỏng độc hại, hoặc các két chứa trước khi chuyển lên bờ để xử lý; Không xả khí thải hoặc các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi vào bầu khí quyển vượt quá tiêu chuẩn cho phép; nạo ống khói hoặc xả khói đen trong khu vực cảng...
Cảng vụ ĐTNĐ các khu vực chủ động, phối hợp với các cơ quan như thanh tra môi trường, cảnh sát môi trường tổ chức kiểm tra, tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường của cảng, bến thủy nội địa. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn các doanh nghiệp cảng, bến, thủy nội địa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Các đại biểu phát động trồng cây hưởng ứng ngày môi trường thế giới. |
Tại buổi lễ các cơ quan chức năng và chủ doanh nghiệp cảng, bến thủy nội địa đã trao đổi về tình hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí; Công tác tăng cường bảo vệ môi trường; Công tác quản lý môi trường đường thủy của Bộ GTVT…
Ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết: “Việc tập huấn, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay. Thời gian gần đây Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã thường xuyên lồng ghép các nội dung tuyên truyền, phổ biến về môi trường qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội nghị, hội thảo chuyên ngành để truyền tải các thông điệp bảo vệ môi trường tới người dân và các doanh nghiệp".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.