Ông Nguyễn Ngọc Lãnh cùng các cựu TNXP trong CLB nuôi ong |
Đến với xã Phúc Tân - một xã miền núi, cách thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên 40 km về phía Tây, khi hỏi cựu TNXP Nguyễn Đình Thảo thì không ai là không biết đến. Với ý chí và nghị lực của một cựu TNXP “không có việc gì khó”, hết chiến tranh, không cam chịu cảnh đói nghèo, người cựu TNXP này đã xây dựng mô hình kinh tế đa dạng như nuôi ong mật, ao thả cá, cây cảnh, trồng keo, chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò trên diện tích 1 ha, đồng thời triển khai canh tác trồng chè, lúa, hoa màu trên diện tích 2 ha, tạo việc làm cho nhiều nông dân, lao động nghèo trong xã.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Thảo còn rất tích cực tham gia công tác xã hội. 5 năm liền ông tự nguyện làm giáo viên dạy lớp vỡ lòng, không nhận chế độ đãi ngộ của Nhà nước. 16 năm liền, ông trải qua nhiều vị trí, công tác đoàn thể. Đặc biệt, ông Thảo còn đóng góp làm nhà tình nghĩa cho 4 cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thường xuyên ủng hộ vật chất và tinh thần cho phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, khuyến học...
Về với xã miền núi Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nhiều người không khỏi thích thú với mô hình nuôi ong lấy mật của cựu TNXP Nguyễn Ngọc Lãnh cùng các cựu TNXP khác trong Câu lạc bộ (CLB) nuôi ong lấy mật.
Năm 2000, ông Lãnh tham gia Dự án Phân cấp giảm nghèo huyện Quảng Ninh. Ông cùng 6 thành viên khác ở Trường Xuân được dự án tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi ong lấy mật. Tháng 11/2000, UBND xã Trường Xuân có quyết định thành lập CLB nuôi ong lấy mật do ông làm chủ nhiệm. Vừa nuôi ong, ông và các thành viên khác vừa tuyên truyền, vận động thêm các hộ gia đình khác cùng tham gia. Cứ hai tháng một lần, CLB sinh hoạt để đúc rút kinh nghiệm, trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kỹ thuật làm tổ, tách đàn, làm khay, kỹ thuật lấy khay ra khỏi tổ, quy trình vắt mật... và giúp nhau trong quá trình nuôi ong. Đến nay, CLB có 70 thành viên, trong đó có 15 hội viên cựu TNXP, nuôi trên 960 đàn ong.
Trong CLB, thành viên nuôi ít cũng được 10 đàn, thành viên nuôi nhiều nhất được 70 đàn mỗi hộ. Mỗi năm, CLB thu về từ 3,2 tấn đến 3,5 tấn mật ong. Bình quân mỗi năm, mỗi đàn lấy được 6 lít mật, mỗi lít bán được 470.000 đồng. Gia đình nuôi ít nhất mỗi năm thu trên 28 triệu đồng, những hộ nuôi 70 đàn thu về từ mật ong trên 197 triệu đồng, chưa kể bán đàn ong giống (mỗi đàn mỗi năm tách thêm 3 đàn khác, bán được 3 triệu đồng).
Cựu TNXP Nguyễn Ngọc Lãnh - Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Nghề nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, không vất vả như các việc chân tay khác. Mỗi ngày, người nuôi chỉ cần 2 đến 3 giờ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong. Tuy nhiên cái khó ở chỗ, trong quá trình chăm sóc đòi hỏi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của con ong như cách di chuyển, ăn, xây tổ, cách chia đàn, cách lấy khay ra vắt mật và bỏ khay vào. Có như vậy, con ong mới gắn bó với gia chủ và không bỏ đi. Nuôi ong là một nghề tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và giúp họ tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo”.
Có thể thấy, khi đất nước lâm nguy, những chàng trai, cô gái tuổi vừa đôi mươi sẵn sàng lên đường làm công tác hậu cần, giao liên, san đường xẻ núi, góp công sức nhỏ bé của mình trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, thống nhất nước nhà. Khi hòa bình lập lại, họ trở về với cuộc sống đời thường và luôn giữ vững phẩm chất tươi sáng của TNXP, trở thành những tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.