Tuyến xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất - công viên 23-9 (TP.HCM) mới đưa vào hoạt động ngày càng thu hút nhiều hành khách - Ảnh: Quang Định |
Nạn kẹt xe tại TP.HCM ngày càng trầm trọng nên xe buýt đưa hành khách đến nơi làm việc, học hành luôn trễ giờ. Vì vậy, phải quyết liệt đầu tư vào vào những chuyến xe buýt nhanh BRT...
Quay lưng vì xe buýt không đúng giờ
Tại buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Cần đổi mới xe buýt ra sao khi nhiều người từ giã xe buýt vì xe chạy không đúng giờ?”, ông Đậu An Phúc - giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM - cho biết từ chính sách hỗ trợ của TP, giai đoạn năm 2002-2013, xe buýt phát triển rất mạnh. Số lượng người dân đi xe buýt trong giai đoạn này tăng lên rất tốt.
Tuy nhiên, giai đoạn 2013-2015, số người đi xe buýt sụt giảm dần vì phương tiện cá nhân tăng quá nhanh. Tuy nhiên, ông Phúc cũng thừa nhận có nguyên nhân do xe buýt chạy không đúng giờ và do nhân viên xe buýt có thái độ tiêu cực, tài xế phóng nhanh vượt ẩu khiến không ít người quay lưng với xe buýt.
Theo ông Phúc, để thu hút người dân tiếp tục lựa chọn xe buýt, ngành vận tải hành khách công cộng phải thay đổi toàn diện. Ông Phúc cho biết TP đang triển khai đề án đầu tư đổi mới 1.680 xe buýt mới và đầu tư xe buýt CNG (sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên) thân thiện với môi trường. Đến nay, TP đã có bốn tuyến xe buýt CNG. Sau khi xem đoạn clip thể hiện người đi xe buýt than phiền xe buýt phục vụ chưa tốt được chiếu tại buổi tọa đàm, ông Phúc cho biết đơn vị ghi nhận những bất cập mà người dân đi xe buýt phản ảnh để chấn chỉnh, thay đổi.
Theo ông Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, để tăng lượng hành khách sử dụng xe buýt, nên có những khảo sát, điều tra xã hội học dành cho cả nhóm những người chưa hoặc ít đi xe buýt để xem họ cần gì và cần thay đổi gì. Ngoài ra, Nhà nước nên thay việc trợ giá cho xe buýt bằng đấu giá, đấu thầu để các doanh nghiệp vận tải năng động, tăng tính cạnh tranh và ngành vận tải hành khách mới không ngừng tự đổi mới, hoàn thiện.
Phải chăng xe buýt chạy chậm, không đúng giờ là do sử dụng xe buýt quá to so với đường sá, nên chăng sử dụng loại xe nhỏ 12 chỗ ngồi? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Phạm Đình Đức - trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP - cho biết theo quy định chỉ được sử dụng xe từ 17 chỗ ngồi trở lên. Tuy nhiên, những xe buýt nhỏ 12 chỗ phù hợp với những tuyến đường nhỏ nên Sở GTVT TP vẫn kiến nghị để xe buýt loại này tiếp tục hoạt động cho đến khi hết hạn sử dụng.
“Đột phá” với xe buýt BRT
Ông Đậu An Phúc cho rằng vấn đề cần đặt ra là làm sao để xe buýt phát triển và để hành khách lựa chọn. “Đó là sự chính xác về thời gian để mọi người đi làm việc, học hành đúng giờ. Muốn vậy, xe buýt phải có làn đường riêng và xe buýt nhanh BRT là một trong những giải pháp mà các nước tiến bộ trên thế giới đã áp dụng từ rất lâu. Và hiện nay, tuyến xe buýt BRT số 1 đang được triển khai” - ông Phúc nói.
Ông Trần Quang Thắng, viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP, cũng cho rằng hướng đưa xe buýt BRT vào sử dụng là phù hợp trong thời gian tới do tính chất nhanh, giá phải chăng, linh hoạt, an toàn mà xe này mang lại.
Đồng tình với ý kiến của ông Thắng, PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng đầu tư tuyến xe buýt BRT là ưu việt vì có làn đường dành riêng, xe chạy tốc độ cao, bảo đảm xe buýt chạy đúng giờ, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân đi lại.
Theo ông Mai, những người đi xe máy hiện nay gồm nhiều thành phần, trong đó nhiều nhất là người có thu nhập từ trung bình trở xuống, thứ hai là học sinh, sinh viên. Họ là những người không có xe hơi nên khi xe buýt BRT mà tiện lợi, họ sẽ bỏ xe máy ngay. Nếu đưa vào sử dụng, hệ thống BRT kéo giảm kẹt xe. Lúc đó, hệ thống xe buýt thường cũng rất tiện lợi vì đường sá thông thoáng và người dân sẽ chọn cả xe buýt thường nên tăng được số lượng hành khách đi xe buýt.
Phải làm nhiều tuyến BRT
Theo ông Phạm Xuân Mai, không thể chỉ làm một vài tuyến xe buýt nhanh BRT mà phải làm một mạng lưới BRT. Một mạng lưới giao thông như TP.HCM phải có 25 tuyến và có thể vận chuyển được 2,8 triệu hành khách một ngày, tương đương với 17,5% nhu cầu đi lại của người dân trong một ngày. Nếu cộng chung lượng khách đi xe buýt BRT và xe buýt thường TP sẽ đáp ứng 32,5% nhu cầu đi lại của người dân TP và hiệu quả là kéo giảm ùn tắc giao thông.
Ông Phạm Văn Tài, phó tổng giám đốc thường trực Thacogroup, cho biết nên đặt BRT trong một giải pháp tổng thể đối với vấn đề giao thông của TP.HCM cũng như cả nước để đánh giá được vai trò và tác động của BRT nhằm thay đổi tình hình giao thông tại TP vì không thể tồn tại mãi cảnh kẹt xe.
Theo ông Tài, Thacogroup đã đầu tư tại khu phức hợp Chu Lai từ năm 2003, bao gồm rất nhiều nhà máy sản xuất xe buýt. Hiện đơn vị này đang sản xuất xe BRT cho Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Xe buýt BRT mà Thacogroup sản xuất cho Hà Nội có hộp số tự động. Cấu hình xe tùy theo nhà đầu tư lựa chọn sẽ có loại 80 chỗ, 60 chỗ hay nhỏ hơn.
Theo ông Tài, Thacogroup mong muốn góp sức mình cùng với TP để phát triển hệ thống xe buýt BRT. Ông Tài cũng đề nghị phải thử nghiệm một vài tuyến mới biết xe buýt BRT ấy có phù hợp và hiệu quả hay không. “Hệ thống xe buýt nhanh sẽ rất văn minh, hiện đại. Hành khách lên xe tự quẹt thẻ xe buýt thông minh. Hệ thống đèn giao thông sẽ tự nhận diện xe buýt tới để chuyển đèn tín hiệu xanh giúp xe buýt đi nhanh hơn” - ông Tài nói.
Đầu tư xây dựng một tuyến BRT mất khoảng 12-18 tháng là rất nhanh so với đầu tư tuyến metro mất hơn 10 năm. Ông Phạm Xuân Mai nhấn mạnh: “Đây là giải pháp đột phá và không còn con đường nào để lựa chọn. Nếu không làm lần này thì không biết bao giờ sẽ làm. Do đó cần phải làm và làm đồng bộ chứ không phải một vài tuyến”.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư tuyến BRT, ông Trần Quang Thắng cho rằng Nhà nước cần sớm ban hành luật PPP (hợp tác công - tư) vì khi có luật này sẽ huy động được vốn của xã hội. Còn ông Đậu An Phúc nhìn nhận: “Quan trọng là sự đồng thuận của lãnh đạo TP. Như một vị lãnh đạo đã nói: TP.HCM là TP đặc biệt nên cần có giải pháp đặc biệt, cơ chế đặc biệt và quyết tâm đặc biệt. Coi dự án tuyến xe buýt nhanh BRT là đặc biệt thì sẽ làm được”.
Có chính sách rõ ràng để doanh nghiệp tham gia Ông Phạm Văn Tài cho rằng TP nên ưu tiên xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng) vì khu vực này dễ bị kẹt xe. Và nên chuyển từ hình thức vay vốn nước ngoài đầu tư sang huy động vốn đầu tư trong nước để triển khai xây dựng tuyến BRT được nhanh hơn. Ông Tài cho biết phía Công ty Thaco tham gia nhiều gói thầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và cũng mong muốn tham gia với TP.HCM, nhưng TP phải có những chính sách rõ ràng, cụ thể để các doanh nghiệp tham gia. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.