TS. ĐỖ HỮU ĐẠO
Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng
KS. NGUYỄN THANH TÙNG
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng dân dụng và Công nghiệp tỉnh Hậu Giang
Bản đồ hành chính tỉnh Hậu Giang |
Bài báo trình bày việc phân tích đánh giá sức chịu tải cho cọc bê tông cốt thép thi công theo phương pháp ép tĩnh, ứng dụng xử lý nền đất yếu cho móng công trình xây dựng khu vực TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Số liệu nghiên cứu được thu thập từ 10 công trình thực tế trên địa bàn thành phố với 28 cọc có tiết diện 250*250 mm đến 350*350 mm và cọc tròn đường kính D400 mm, chiều dài cọc từ 15 - 32 m. Việc đánh giá dựa trên điều kiện địa chất của khu vực kết hợp với kết quả thí nghiệm nén tĩnh cọc theo TCVN 9393:2012; đồng thời sử dụng phương pháp phân tích PCA (Principle Component Analysis) để phân tích ảnh hưởng của một số tham số về kích thước hình học, cơ học vật liệu cọc, độ lún và thời gian thí nghiệm đến sức chịu tải cho cọc. Kết quả có ý nghĩa tham khảo cho việc sử dụng cọc bê tông cốt thép xử lý nền đất yếu cho các công trình hạ tầng khu vực TP. Vị Thanh, đặc biệt trong giai đoạn phát triển hạ tầng khi thành phố này đạt được tiêu chí đô thị loại II
Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến là khu vực có sự phân bố nền đất yếu rộng khắp trên các tỉnh, thành phố trong khu vực này với chiều dày từ 15 m đến trên 30 m. Tùy thuộc vào đặc điểm địa chất của từng dự án, công trình, tải trọng mà có những biện pháp xử lý nền đất yếu khác nhau như: dùng cọc cát, bấc thấm, cọc tre, cừ tràm, vải địa kỹ thuật… Giải pháp cọc bê tông cốt thép là phù hợp cho móng công trình dân dụng và xử lý đất yếu các đường đầu cầu như làm sàn giảm tải rất phù hợp để giảm lún. Trong bài báo này sẽ trình bày về kết quả nghiên cứu đánh giá sức chịu tải cho cọc bê tông cốt thép từ các công trình xây dựng của TP. Vị Thanh trực thuộc tỉnh Hậu Giang. Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu xây dựng các khu dân cư mới, các cụm công nghiệp, các công trình mới trên địa bàn TP. Vị Thanh ngày càng nhiều. Do vậy, việc đánh giá khả năng chịu tải cọc bê tông cốt thép dùng cho công trình xây dựng trên nền đất yếu cho thành phố này từ kết quả thí nghiệm nén tĩnh ngoài hiện trường cần thiết. Hiện nay, việc sử dụng các phương pháp hiện đại trong giải quyết các bài toán địa kỹ thuật hoặc đánh giá sức chịu tải của cọc đang rất phát triển. Một số nghiên cứu sử dụng phương pháp mạng nơ-ron để phân tích về sức chịu tải của cọc như E. Momeni và nnc (2014) [4], Akande KO, Owolabi TO, Olatunji SO (2015) [3], A Benali và nnc (2018) [1], Hossein Moayedi, Sajad Hayati (2018) [5]. Tuan Anh Pham và nnc (2020) [9] ứng dụng phương pháp này đánh giá sức chịu tải của cọc bê tông cốt thép tại tỉnh Hà Nam (Việt Nam). Một số nghiên cứu khác sử dụng kết hợp phương pháp PCA và mạng nơ-ron phân tích ảnh hưởng của chỉ số SPT đến sức chịu tải của cọc như Iyad Alkroosh, Hamid Nikraz (2012) [6], A. Benali và nnc (2013) [2]. Bài báo sẽ dùng phương pháp phân tích PCA (Principle Component Analysis) để phân tích ảnh hưởng của một số tham số kích thước hình học, cơ học vật liệu cọc, độ lún và thời gian thí nghiệm nén tĩnh đến sức chịu tải cho cọc. Trên cơ sở đó xây dựng một số phương trình hồi quy để xác định các hàm ảnh hưởng của các tham số trên đến sức chịu tải của cọc. Kết quả góp phần thêm vào dữ liệu nghiên cứu về đánh giá sức chịu tải của cọc bê tông cốt thép xử lý nền đất yếu.
Nội dung xem tại đây
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.