Đặt hàng VNR quản lý, bảo trì toàn bộ đường sắt quốc gia đến hết năm 2030

Tác giả: Tùng Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 06/08/2024 10:04

Theo Quyết định số 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đặt hàng Tổng Công ty đường sắt VN (VNR) toàn bộ việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đến hết năm 2030; sau năm 2030 đánh giá thực trạng, hiệu quả để quyết định giao tài sản.

Đặt hàng VNR quản lý, bảo trì toàn bộ đường sắt quốc gia đến hết năm 2030- Ảnh 1.

VNR hiện đang được Nhà nước giao quản lý hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km, 297 khu ga và tiếp nhận mới 6 khu ga (gồm 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam), gồm 5 tuyến chính và hệ thống cầu, hầm, thông tin tín hiệu đường sắt

Đến hết năm 2030, giao VNR quản lý theo cơ chế đặt hàng toàn bộ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 5/8/2024 phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, quản lý. Theo đó, phương án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, quản lý được chia thành 2 giai đoạn: đến năm 2030 và sau năm 2030. 

Cụ thể, giai đoạn đến hết năm 2030: giao Tổng công ty đường sắt VN (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Giai đoạn sau năm 2030, Bộ GTVT tổ chức đánh giá thực trạng, hiệu quả việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, quản lý giai đoạn trước để quyết định giao tài sản theo quy định của pháp luật.

Đối với giai đoạn đến hết năm 2030, nguyên tắc thực hiện công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý là thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đường sắt, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Bộ GTVT giao dự toán ngân sách và tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan.

Về cơ chế thực hiện, Bộ GTVT tổ chức đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với VNR. VNR tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về việc thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bảo đảm hoạt động GTVT đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, theo đúng quy định pháp luật.

Việc triển khai thực hiện hợp đồng đặt hàng theo quy định của pháp luật; trường hợp các quy định của pháp luật còn có những bất cập, không phù hợp với thực tế trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đặt hàng VNR quản lý, bảo trì toàn bộ đường sắt quốc gia đến hết năm 2030- Ảnh 2.

Sau năm 2030, Bộ GTVT sẽ đánh giá thực trạng, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng của giai đoạn trước để quyết định việc giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định pháp luật

Doanh nghiệp vận tải nộp phí sử dụng hạ tầng

Quyết định cũng nêu rõ, VNR cung cấp dịch vụ điều hành GTVT đường sắt trên tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được giao quản lý và các nội dung khác liên quan theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định pháp luật.

Về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, VNR tổ chức khai thác tài sản và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tương tự, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, quản lý cũng thực hiện theo pháp luật và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Quyết định cũng quy định rõ trình tự, thủ tục bàn giao, tiếp nhận để quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, quản lý giai đoạn đến hết năm 2030.

Cụ thể, VNR chủ trì rà soát, phân loại danh mục, khối lượng, giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đang quản lý, sử dụng để lập hồ sơ đề nghị giao quản lý tài sản, trình Bộ GTVT; chủ trì xây dựng giá quy ước để hạch toán tài đối với những tài sản chưa có nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ sách, trình Bộ GTVT phê duyệt; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản tính đến thời điểm thực hiện thủ tục bàn giao theo quy định của pháp luật.

Bộ GTVT tổ chức kiểm tra hồ sơ đề nghị giao quản lý tài sản và thực hiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, quản lý theo quy định của pháp luật; chỉ đạo tổ chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật.

Ý kiến của bạn

Bình luận