Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh |
Chuyển biến tích cực
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2016 là năm cả nước diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng tác động đến công tác bảo đảm TTATGT như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tuy nhiên, tình hình TTATGT trên phạm vi cả nước có nhiều chuyển biến tích cực; TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Cụ thể, toàn quốc xảy ra 21.589 vụ, làm chết 8.685 người, bị thương 19.280 người; so với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.261 vụ (-5,52%), giảm 43 người chết (-0,49%), giảm 1.792 người bị thương (-8,5%). Trong đó, đường bộ xảy ra 21.094 vụ, làm chết 8.417 người, bị thương 19.035 người; so với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.378 vụ (-6,13%), giảm 25 người chết (-0,30%), giảm 1.935 người bị thương (-9,23%). Đường sắt xảy ra 360 vụ, làm chết 191 người, bị thương 229 người; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 99 vụ (37,93%), giảm 23 người chết (-10,75%), tăng 143 người bị thương (166,28%).
TNGT đường thủy nội địa xảy ra 114 vụ, làm chết 72 người, bị thương 16 người; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 20 vụ (21,28%), tăng 01 người chết (1,41%), tăng 3 người bị thương (23,08%). Hàng hải xảy ra xảy ra 21 vụ tai nạn, làm 5 người chết, không có người bị thương, so với cùng kỳ 2015 giảm 2 vụ (-8,70%), tăng 4 người chết (400%), giảm 3 người bị thương (-100%). Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn hàng không trong năm 2016 được thực hiện tốt hơn so với năm 2015, tổng số sự cố giảm 9% so với năm 2015 (82/90 sự cố); không để xảy ra sự cố nghiêm trọng (sự cố mức B). Hầu hết các chỉ số an toàn trên 1.000 chuyến bay trong năm 2016 đều giảm so với năm 2015. Tuy nhiên, chỉ số sự cố xảy ra do con người trong năm 2016 tăng 9% so với năm 2015 (26/22 sự cố), trong đó có 8 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao (mức C). Về phương tiện, số lượng máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam tính đến ngày 15/11/2016 là 145 chiếc, tăng 15 chiếc so với cùng kỳ năm 2015.
Mặc dù tổng thể TNGT giảm cả 3 tiêu chí nhưng ở một số địa phương TNGT lại gia tăng. Cụ thể, 20 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 9 tỉnh tăng trên 10% là: Quảng Ngãi, Hòa Bình, Cao Bằng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hà Giang, Hải Dương, Tiền Giang, Cà Mau.
Nhiều điểm nhấn
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, trong công tác đảm bảo TTATGT năm 2016, điểm nhấn chính là sự hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan đến TTATGT. Toàn bộ các đơn vị đã tích cực triển khai Nghị định 86, đặc biệt là những quy định liên quan đến vận tải, xây dựng và đưa vào cuộc sống Nghị định 46 với nhiều chế tài xử lý vi phạm được bổ sung và tăng mức phạt. Trong đó, tăng mức xử phạt với một số hành vi như chở quá tải trọng xe, không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng, chuyển hướng không giảm tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm chưa được quy định trong nghị định hiện hành như không thắt dây an toàn, sử dụng điện thoại khi đang lái xe, vi phạm nồng độ cồn, chiếm dụng phần đường xe chạy; dừng, đón, trả hành khách quá thời gian quy định… Ngoài ra, những kế hoạch thực hiện theo chỉ đạo, thực hiện các chuyên đề như kiểm tra nồng độ cồn, những chỉ thị về đảm bảo TTATGT trong giai đoạn mới… được thực hiện toàn diện và sâu rộng.
“Tuy nhiên, năm nay cũng có những sự cố xảy ra như hạ tầng giao thông bị ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết, đặc biệt là các tuyến quốc lộ đi qua khu vực miền núi, khu vực miền Trung và thậm chí ở cả miền Nam. Thời tiết cực đoan khiến sạt lở ở khu vực miền núi, ngập lụt trong khu vực miền Trung, hạn mặn gây nứt, lở, hỏng các tuyến đường ở đồng bằng sông Cửu Long gây mất ATGT. Đồng thời, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng vượt năng lực của kết cấu hạ tầng ở các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh. Đặc biệt giai đoạn đầu năm, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại nhiều người và tài sản như vụ sập cầu Ghềnh, tàu đâm cầu An Thái và một số vụ tai nạn xe khách”, ông Hùng cho biết.
Tăng cường xử phạt để nâng cao văn hóa giao thông
Là một trong những giải pháp kéo giảm TNGT, theo ông Khuất Việt Hùng, việc tăng cường các giải pháp nâng cao văn hóa giao thông sẽ là một trong những chủ đề “nóng” của năm ATGT 2017.
Nhiều ý kiến từ phía chuyên gia giao thông cũng như những người trực tiếp tham gia giao thông cho rằng, bên cạnh việc củng cố, cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đảm bảo an toàn, tạo môi trường thực thi văn hóa giao thông nhằm kéo giảm TNGT thì cần tập trung xử phạt những hành vi được cho là “vô văn hóa” khi tham gia giao thông có mức độ nguy hiểm cao. Trong khi đó, những lỗi nhỏ thì nên dừng ở mức nhắc nhở, tuyên truyền để gây dựng hình ảnh đẹp và lòng tin của người vi phạm, tránh những trường hợp bức xúc và chống đối.
Phản biện về việc chỉ áp dụng hình thức nhắc nhở, xử phạt các vi phạm “nhỏ”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh: “Không có lỗi nào là nhỏ, lỗi nào là lớn nên không thể bỏ qua bất kỳ một sai phạm nào. Một lỗi đơn giản tưởng chừng là nhỏ nhưng nếu xảy ra tai nạn thì sao? Nếu quên không bật đèn xi nhan khi rẽ, người sau đâm vào thì sao? Nếu không có gương nên phải ngoái cổ nhìn lại đằng sau dẫn đến đâm vào người đằng trước gây chết người thì lỗi đó có nhỏ hay không?”.
Chính vì vậy, việc tăng cường xử phạt và phải xử lý nghiêm chính là yếu tố nòng cốt nhất giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật TTATGT, từ đó văn hóa giao thông sẽ được kiện toàn, TNGT sẽ tiếp tục được kéo giảm.
Về phía lực lượng chức năng bảo đảm TTATGT cần tiếp tục chấn chỉnh và hoàn thiện. Cụ thể là cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trong nội bộ CSGT, TTGT… để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, phòng chống tham nhũng…
Về phía người dân, thực trạng đáng buồn hiện nay là ở những thành phố lớn, người dân có nắm được quy định pháp luật cũng như quy tắc ATGT nhưng vi phạm vẫn rất phổ biến. Chính vì vậy, việc quan trọng nhất là tăng cường phát hiện hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định.
Vì sao số người tử vong do TNGT giảm không tương đồng với hai tiêu chí còn lại? Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, nếu chúng ta xác định làm công tác đảm bảo TTATGT thì mục tiêu kéo giảm TNGT không bao giờ được phép đưa mục tiêu thấp, luôn luôn phải xác định mục tiêu hướng đến giảm thiểu và không có TNGT thì càng tốt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mặc dù chúng ta xác định mục tiêu TNGT giảm cả 3 tiêu chí ở tất cả các địa phương nhưng thực tiễn cho thấy TNGT giảm về số vụ, số người bị thương, còn số người chết có giảm nhưng chưa đạt được mục tiêu, giảm không tương đồng. Điều này chứng tỏ rằng các vụ tai nạn xảy ra đều ở mức độ nghiêm trọng. Bên cạnh những nguyên nhân vẫn thường được bàn đến như ý thức người tham gia giao thông, năng lực, hiệu lực của công tác tuần tra kiểm soát, hạn chế trong cấp cứu sau tai nạn… thì còn có một số nguyên nhân lý giải cho vấn đề này. Thứ nhất, việc gia tăng mức độ sử dụng ô tô, xe con cá nhân lưu thông trên các tuyến đường hỗn hợp, lưu thông chung với xe máy thì mức độ nguy hiểm của các vụ TNGT càng cao và đa số là tử vong. Vừa qua, Ủy ban ghi nhận tại Hà Giang có số vụ TNGT trên địa bàn liên quan đến ô tô là 59% và ở Tuyên Quang là 49/87 vụ TNGT, trong đó đa số là TNGT liên quan giữa ô tô và xe máy. Thứ hai, khi cơ giới hóa càng cao và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên các trục chính đã xuất hiện những “điểm đen” mới. Những “điểm đen” này đa số là những điểm kết nối từ đường phụ với đường chính. Khi đường chính có chất lượng tốt, tốc độ giao thông được nâng cao thì tại nút giao giữa nếu chúng ta không lắp biển báo điều chỉnh tốc độ thì sẽ dẫn đến nhiều tai nạn thảm khốc. Đây là một trong những nguyên nhân của hiện tượng số vụ TNGT giảm, số người bị thương giảm nhưng số người chết mức độ giảm còn thấp. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.