Để cát biển về đến công trường - Kỳ 2: Hành trình từ cát biến thành vật liệu đắp nền đường

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 13/08/2024 06:44

Để đưa cát từ biển về đến công trường là cả một hành trình dài, với sự vào cuộc và quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan. Mỗi hạt cát về đến dự án được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, tuân thủ các quy định, đặc biệt là không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Gian nan cấp phép khai thác

Ngay sau khi kết quả thí điểm cát biển được công bố, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi văn bản đến các địa phương, trong đó có tỉnh Sóc Trăng - nơi dự kiến sẽ được khai thác cát biển. Tuy nhiên, theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ về giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng thì UBND cấp tỉnh quản lý nằm trong phạm vi vùng biển 6 hải lý. Trong khi đó, khu vực mỏ cát biển B1 lại nằm cách đất liền 11 hải lý (khoảng 20 km), ngoài thẩm quyền của tỉnh. Hiện nay, chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao hoặc ủy quyền cho UBND tỉnh Sóc Trăng cấp phép khai thác loại cát biển này. Do đó, tỉnh không thể cấp bản xác nhận cho Ban QLDA Mỹ Thuận giao nhà thầu khai thác.

Để cát biển về đến được công trường: Bài 2 – Theo sát từng hành trình- Ảnh 1.

Khu vực khai thác cát biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Ngay sau đó, ngày 12/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3766 gửi UBND tỉnh Sóc Trăng về việc quản lý, cấp phép khai thác cát biển phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội, trong đó nhấn mạnh cát biển phục vụ cho mục đích san lấp mặt bằng hiện đang được xem là khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác của UBND cấp tỉnh theo quy định tại Điều 82 Luật Khoáng sản, không phụ thuộc phạm vi trong hay ngoài 6 hải lý.

Sau khi tỉnh Sóc Trăng được giao quyền cấp phép khai thác cát biển, tỉnh này đã thành lập Hội đồng xét duyệt hồ sơ và các thủ tục liên quan. Đến ngày 29/6, Ban QLDA Mỹ Thuận phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức khởi công khai thác mỏ cát biển trên vùng biển Sóc Trăng để làm vật liệu thi công dự án cao tốc. Từ đó, các nhà thầu đã nhanh chóng đưa thiết bị, nhân công đến khu vực được cấp phép để khai thác cát biển. Công đoạn này bao gồm: Khai thác cát biển bằng tàu xói hút, vận chuyển cát trên biển, vận chuyển cát trên sông, sau đó tiến hành bơm chuyển từ tàu lớn sang tàu nhỏ (đi vào sông, kênh, rạch nhỏ) hoặc tiến hành bơm cát từ phương tiện thủy (tàu hoặc sà lan) lên nền đường hoặc bãi tập kết.

Để cát biển về đến được công trường: Bài 2 – Theo sát từng hành trình- Ảnh 2.

Những khu vực tuyến chính cao tốc Hậu Giang - Cà Mau được đắp nền đường bằng cát biển

Chặng đường đưa cát biển về dự án

Sau hơn 1 tháng kể từ khi cát biển được khai thác, PV Tạp chí GTVT đã có mặt tại cao tốc Hậu Giang - Cà Mau để ghi nhận tình hình thi công. Tại dự án, nhiều đoạn tuyến đã được nhà thầu bơm cát vào để gia tải. Thay vì những đoạn được đắp đất bao, cỏ mọc hai bên tuyến, thì nay những dải cát dài đã được đưa đến dự án, hình thành nên tuyến đường trải dài từ Bạc Liêu đến Cà Mau.

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), cát biển sau khi khai thác sẽ được đưa vào cảng Trần Đề hoặc cảng Định An để chuyển qua các sà lan nhỏ, đưa về công trình. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển từ Sóc Trăng về đến dự án kéo dài từ 1 đến 2 ngày, do đó Ban QLDA Mỹ Thuận đã chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát… đảm bảo công tác khai thác và vận chuyển cát biển theo đúng quy định của pháp luật.

Để cát biển về đến được công trường: Bài 2 – Theo sát từng hành trình- Ảnh 3.

Những sà lan chở cát biển được đưa về công trường

Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết thêm, khu vực vùng biển được giao ở tỉnh Sóc Trăng có diện tích 99,95 ha, độ sâu được phép sử dụng đến 7,5 m, độ cao 5 m tính từ mặt nước biển. Thời hạn được giao khu vực biển này đến hết ngày 21/12. Thời gian các đơn vị liên quan được khai thác khoáng sản từ 7h đến 17h hàng ngày (không khai thác vào ban đêm).

Dự kiến, Bộ GTVT sẽ mở rộng phạm vi thí điểm đắp nền bằng cát biển trên tuyến chính, thí điểm từ Km81+000 đến hết phạm vi tuyến chính tại Km126+223, thuộc địa bàn huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu; huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng cát biển

Để tìm hiểu quá trình vận chuyển khai thác này, PV đã đến khu vực thi công của vị trí cầu Kênh Chuối, cầu Kênh Xáng - Huyện Sử thuộc địa bàn tỉnh Cà Mau để ghi nhận tình hình thi công nền đường bằng cát biển.

Để cát biển về đến được công trường: Bài 2 – Theo sát từng hành trình- Ảnh 4.

Toàn cảnh khu vực được bơm cát biển

Ông Phạm Văn Dự, Chỉ huy trưởng nhà thầu VNCN, gói thầu XL02 cao tốc Hậu Giang - Cà Mau cho biết, nhà thầu đã xây dựng hệ thống bơm vận chuyển cát vào công trường với 5 đường vận chuyển.

"Khi cát được đưa về các vị trí tập kết, chúng tôi sẽ phân bố cát cho các vị trí trên công trình phù hợp với tiến độ từng hạng mục, nhất là các vị trí có nền đất yếu cần thời gian gia tải và chờ lún kéo dài. Đối với các vị trí thi công nằm gần luồng sông lớn, chúng tôi sẽ đưa các sà lan lớn tới gần các vị trí cầu để phân bố cát. Còn những khu vực có luồng sông nhỏ thì phải bố trí các hệ thống bơm hút để sang cát vào sà lan nhỏ hơn, từ đó có thể đưa cát vào những vị trí cần thiết", ông Dự nói.

Về kiểm soát chất lượng cát, mỗi khi có sà lan cát về vị trí tập kết thì các đơn vị liên quan gồm chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát, chính quyền địa phương sẽ kiểm tra đo độ mặn. Cách thức kiểm tra gồm các bước như: So sánh độ mặn của nước trên sà lan cát và so sánh với nước trên sông của sà lan đang đậu xem có chênh lệch vượt mức quy định không. Nếu nguồn cát đủ tiêu chuẩn thì sẽ cho tiến hành bơm cát vào công trình. 

Để cát biển về đến được công trường: Bài 2 – Theo sát từng hành trình- Ảnh 5.

Công tác sang mạn, hút cát giữa các sà lan có tải trọng lớn nhỏ khác nhau, phù hợp với từng khu vực thi công

Trong quá trình thực hiện, nhà thầu lấy thêm mẫu cát ở mỗi đầu bơm để so sánh với mẫu trên sà lan để kiểm tra lần cuối về độ mặn chênh lệch. "Song hành với đó, chúng tôi còn kiểm tra độ mặn ở các vuông tôm, vuông nuôi thủy, hải sản ở hai bên của tuyến để có số liệu so sánh. Trong thời gian qua, lượng cát biển đưa về công trình khoảng 10 nghìn khối. Phía nhà thầu đánh giá hàm lượng mặn nhỏ hơn so với luồng sông và vuông nuôi thủy, hải sản xung quanh tuyến. Vì vậy, nhà thầu nhận định cát biển có thể đáp ứng các yêu cầu để thay thế cát sông, phục vụ các đoạn trên cao tốc mà các đơn vị đang thi công, từ đó sớm hoàn thành công trình.

Được biết, tại quá trình thử nghiệm cát biển trước đó trên tuyến đường tỉnh thuộc địa bàn tỉnh Bạc Liêu, các đơn vị cũng đã tiến hành đo độ mặn của nước mặt trong các vuông tôm của người dân dao động từ 3,56 - 3,97%o; tại các ruộng lúa là 8,11 - 8,29%o, của nước sông tại vị trí cầu Ngã Ba Tàu là 6,61%o và của nước xả tại bãi chứa cát sau khi bơm từ tàu vận chuyển là 9,21%o. Độ mặn của nước trong đất tại khu vực vuông tôm là 2,37 - 2,64%o.

Để cát biển về đến được công trường: Bài 2 – Theo sát từng hành trình- Ảnh 6.

Nhà thầu tập trung máy móc, nhân công tại các vị trí có cát để tăng tốc thi công

Theo quan sát của PV, khu vực ruộng lúa của người dân xung quanh tuyến vẫn phát triển bình thường, bên cạnh đó, công tác nuôi trồng thủy, hải sản của người dân vẫn diễn ra ổn định.

Từ khi cát được về đến công trường, các nhà thầu thi công đều đã tập trung thiết bị, nhân lực để tăng tốc thi công, đảm bảo tiến độ dự án, đưa tuyến cao tốc trọng điểm của khu vực ĐBSCL về đích đúng hẹn.

Tính đến thời điểm hiện nay, dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau đã giải ngân được 4.139/11.982 tỷ đồng, đạt 35% giá trị hợp đồng. Các hạng mục chính đang tập trung thi công gồm nền đường và thi công cầu trên tuyến. Trong đó, tuyến chính đắp cát đến cao độ cắm bấc thấm đạt 37,14/60,24 km, cắm bấc thấm đạt 25,39/60,24 km, đang đắp gia tải giai đoạn 1 là 11,96 km và dự kiến đến ngày 31/12/2024 hoàn thành đắp gia tải toàn bộ tuyến chính.

Đối với phần cầu trên tuyến, đơn vị đã triển khai thi công 78/86 cầu (móng cọc, mố trụ cầu, đúc và lao lắp dầm), trong đó tập trung thi công hoàn thành sớm các vị trí cầu lớn để thông xe trên bản mặt cầu và hoàn thành toàn bộ các cầu trên tuyến chính trước ngày 31/12/2024.Như vậy, với việc tháo gỡ khó khăn nguồn cát, dự án có thể đảm bảo tiến độ và về đích theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 31/12/2025.