Dự án đầu tư nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 được quyết định đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tổng chiều dài dự án nạo vét khoảng 9,85 km, với chuẩn tắc luồng đạt tiêu chuẩn kênh cấp II, xây dựng đường dân sinh dọc bờ Nam kênh Chợ Gạo có chiều dài 9,72 km, tổng mức đầu tư 1.335 tỷ đồng, thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Theo Ban Quản lý các dự án (QLCDA) đường thủy, khó khăn lớn nhất mà dự án đang gặp phải là công tác di dời khu hành chính UBND huyện Chợ Gạo do phải thực hiện phương án quy hoạch để có cơ sở phê duyệt xây dựng tại vị trí mới và bổ sung danh mục đầu tư công trình trong danh mục đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của tỉnh. Đồng thời, công tác chi trả bị ảnh hưởng do một số hộ dân chưa đồng ý đơn giá bồi thường; chưa hoàn thành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (hệ thống đường điện, cáp viễn thông, đường cấp nước sạch…).
Bên cạnh đó, liên quan đến chi phí GPMB và tái định cư, địa phương đề nghị bổ sung khoảng 127 tỷ đồng chi phí GPMB do tăng đơn giá hỗ trợ, bồi thường so với thời điểm điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 2.
Việc đầu tư nâng cấp, ổn định tuyến kênh Chợ Gạo sẽ khắc phục được vấn đề quá tải và ùn tắc tàu thuyền, đáp ứng lượng hàng và đội tàu qua kênh, giúp xử lý các đoạn sạt lở bờ xung yếu, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã kiểm tra hiện trường dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2) tại tỉnh Tiền Giang.
Sau khi nghe Ban QLCDA đường thủy, các nhà thầu báo cáo tình hình GPMB, bồi thường, tái định cư, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho rằng, trong quá trình thực hiện, các ban, ngành chức năng của tỉnh đã rất quan tâm, tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong công tác GPMB. Tuy nhiên đến nay, theo báo cáo của Ban, dự án mới được giao khoảng 70% phần diện tích mặt bằng, các gói thầu CG2-XL02 và CG2-XL03 vẫn chưa có điều kiện mặt bằng tốt để triển khai thi công. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, UBND huyện Chợ Gạo phối hợp với Ban QLCDA đường thủy đẩy nhanh thủ tục, khẩn trương chi trả đền bù, GPMB, xây dựng các khu tái định cư để hoàn thành bàn giao mặt bằng cho các gói thầu trong tháng 4/2022.
Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLCDA đường thủy phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết các tồn tại, vướng mắc để hoàn thành công tác GPMB trong tháng 4/2022, lưu ý hoàn thành thủ tục điều chỉnh chi phí GPMB phát sinh, báo cáo Bộ GTVT.
Thứ trưởng yêu cầu nhà thầu thi công khẩn trương lập và tư vấn giám sát, Ban QLCDA đường thủy phê duyệt tiến độ thi công chi tiết phù hợp với điều kiện mặt bằng, tận dụng tối đa điều kiện thời tiết, kèm theo nhu cầu nhân vật lực, máy móc thiết bị thi công làm cơ sở kiểm soát tiến độ.
Đặc biệt, Ban phải ưu tiên công tác điều tiết, đảm bảo ATGT, phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu thi công, làm việc với các doanh nghiệp đường thủy tại khu vực để xây dựng phương án đảm bảo vừa thi công vừa khai thác luồng, hạn chế tối đa việc đóng luồng, giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần chú trọng việc kiểm soát chặt chẽ công tác bãi đổ chất nạo vét, đảm bảo ổn định kết cấu đê, không để chất nạo vét, nước… tràn, chảy ra gây ảnh hưởng đến môi trường.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.