Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), cơ quan phát triển Pháp (AFD) vừa đề xuất Dự án chương trình hỗ trợ kỹ thuật vì sự phát triển bền vững của TP. Hà Nội. Chương trình tập trung vào việc nghiên cứu phát triển mạng lưới giao thông công cộng để nâng cao lưu lượng hành khách sử dụng các tuyến đường sắt đô thị (metro) tại Hà Nội.
Mục tiêu cụ thể khác là thúc đẩy giao thông không động cơ và tăng việc sử dụng metro; tận dụng sự hấp dẫn ngày càng tăng do có metro để cải thiện chất lượng giao thông một khu vực và tạo mô hình mẫu cấp thành phố, có tiềm năng cải thiện cảnh quan và đô thị trên các trục đường tuyến metro đi qua.
Theo đó, chương trình đề xuất nghiên cứu gồm 4 nội dung:
Thứ nhất, xây dựng một tuyến giao thông công cộng chất lượng cao dài 17km theo hành trình: tuyến Khu đô thị Times City - Ngã Tư Sở - Khi đô thị Ciputra Võ Chí Công.
Thứ hai, cải thiện chất lượng dịch vụ các tuyến buýt “gom”: tuyến buýt 03A (Bx. Giáp Bát - Bx.Gia Lâm) bằng việc kéo dài, mở rộng của tuyến metro số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) về hướng Đông và Nam; Tuyến buýt 20A (Cầu Giấy - Sơn Tây): kéo dài của tuyến metro 3 về phía Tây; buýt điện EB5 (Long Biên - Khu đô thị Smart City) kết nối tuyến metro số 3.
Việc cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ cho các tuyến buýt hiện tại nhằm nâng cao hiệu quả “gom” khách về các tuyến metro và tạo hình mẫu áp dụng nâng cao chất lượng dịch vụ cho toàn bộ mạng lưới xe buýt. Trong đó, có hạng mục xử lý các “điểm đen” giao thông bằng các làn riêng theo từng đoạn, đồng thời cải thiện các điểm dừng, chờ buýt, tăng cường khả năng tiếp cận và thông tin đến hành khách.
Thứ ba, xây dựng các khu vực kết nối đa phương thức (các điểm trung chuyển) để tạo các điểm kết nối các ga metro tuyến Nhổn - ga Hà Nội: ga Nhổn, Chùa Hà, Cầu Giấy, Ga Hà Nội; Láng, Lê Văn Lương (BRT); tăng cường tiếp cận với 12 nhà ga của tuyến metro 2A (Cát Linh - Hà Đông).
Giải pháp này nhằm thu hút nhiều hành khách sử dụng metro hơn bằng cách tăng khả năng tiếp cận đến các nhà ga metro bằng xe buýt, xe hai bánh…
Thứ tư, các hợp phần xây dựng gồm: bãi đỗ xe có mái che để trông giữ xe 2 bánh (trong đó ưu tiên xe 2 bánh điện và xe đạp). Cải thiện kết nối với các tuyến xe buýt (điểm đón, trả khách thuận lợi, ga đường bộ); cải thiện chất lượng hạ tầng cho người đi bộ tiếp cận các nhà ga. Cung cấp chỉ dẫn thông tin đầy đủ, rõ ràng, tiện nghi cho hành khách về kết nối với các tuyến, phương tiện khác và khu vực quản lý xe dịch vụ 2 bánh (xe ôm; hoặc có thể xe taxi).
Thứ năm, tổ chức khu vực gom các hình thức giao thông không động cơ để sử dụng metro (và cải thiện chất lượng đô thị) tại Cầu Giấy. Vị trí này phù hợp nhất do có không gian công cộng rộng, có các di sản và cảnh quan nên mang lại tiềm năng lớn cho mục tiêu trên.
Được biết, hiện Hà Nội có tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, với chiều dài gần 13,1km, được đưa vào khai thác vận hành từ 6/11/2021. Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đang được xây dựng, với mục tiêu cuối năm 2022 đưa vào khai thác đoạn 8,5km trên cao, đoạn Nhổn - Cầu Giấy.
Chương trình hỗ trợ kỹ thuật “Hà Nội, đô thị bền vững” được triển khai vào tháng 1/2020 với tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Mục tiêu của chương trình là nhằm cải thiện giao thông đa phương thức và kết nối của mạng lưới tàu điện (metro) với các dịch vụ hiện nay của hệ thống giao thông công cộng. Mục đích cuối cùng của chương trình này là nhằm tăng tính hấp dẫn và tần suất sử dụng mạng lưới giao thông cộng cộng thông qua các dự án trọng điểm: xây dựng tuyến giao thông công cộng có làn riêng mới, kết nối với các tuyến giao thông cộng cộng xương sống hiện có…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.