Các phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Để làm rõ những khuất tất trong công tác thu phí tại dự án đầu tư nâng cấp đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ mà dư luận đang quan tâm thời gian vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lập đoàn thanh tra để kiểm tra, giám sát đột xuất công tác thu phí tại dự án này.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam xung quanh kết quả kiểm tra và hướng giải quyết công tác thu phí tại dự án này.
- Xin ông cho biết những phương thức giám sát công tác thu phí tại dự án cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ mà Tổng cục vừa thực hiện gần đây?
- Ông Nguyễn Xuân Cường: Từ 18 giờ ngày 10/7/2016 đến 18 giờ ngày 20/7/2016, đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam gồm 55 cán bộ chia làm các ca đã tiến hành kiểm tra, giám sát đột xuất công tác thu phí tại dự án cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.
Cách làm cụ thể là Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bố trí cán bộ trực tiếp giám sát tất cả cửa kiểm soát vé để nắm chính xác được số tiền thực thu của 32 cửa ra từng ca thu phí. Sau mỗi ca, số tiền thu được bao nhiêu đều đã được tiến hành lập biên bản có chữ ký của các bên liên quan.
Cùng với công việc này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cử cán bộ giám sát trực tiếp tại phòng hậu kiểm để kiểm tra tất cả số liệu thu phí được truyền trực tiếp về trung tâm điều hành thu phí của Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ.
Cuối mỗi ca, đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã chốt số liệu thu phí thực tế được ghi nhận trên hệ thống máy móc. Số liệu này cũng được các bên liên quan ký xác nhận sau mỗi ca thu phí.
Qua đợt kiểm tra lần này, sau khi đối chứng, số thu phí thực tế tại 32 cửa thu phí và số liệu thu phí truyền trực tiếp về Trung tâm điều hành thu phí của dự án là gần như trùng khớp. Hệ thống máy móc phục vụ công tác thu phí tại trạm này trong 10 ngày mà đoàn kiểm tra của Tổng cục thực hiện đều hoạt động bình thường.
Như vậy, qua 10 ngày kiểm tra thu phí đột xuất tại dự án này, có thể khẳng định các số liệu thu phí tại dự án Pháp Vân-Cầu Giẽ đã đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác thu phí, số thu đúng thực tế.
Kết quả thu phí vé lượt 10 ngày tại dự án Pháp Vân-Cầu Giẽ mà Tổng cục Đường bộ ghi nhận được là hơn 17,5 tỷ đồng, chia bình quân, mỗi ngày trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ thu vé lượt đạt trung trung bình 1,75 tỷ đồng.
Như vậy, khi so sánh số liệu thu phí vé lượt 10 ngày mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiến hành giám sát với số liệu báo cáo của nhà đầu tư (trong quý 1, 2) thì có sự chênh lệch. Cụ thể như, so sánh tỷ lệ vé lượt thu được trong 10 ngày được kiểm tra đột xuất thì số lượng tiền thu phí vé lượt được chia bình quân 10 ngày này so với số thu vé lượt của tháng 6/2016 tăng 19,49%, so với quý 2/2016 tăng khoảng 18,74%, còn nếu so sánh với quý 1/2016 thì tỷ lệ thu phí lượt tăng tới hơn 66%.
Với kết quả kiểm tra trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải căn cứ vào kết quả kiểm tra, giám sát của Tổng cục để xây dựng lại phương án tài chính điều chỉnh hợp đồng của dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ.
- Với nhiệm vụ được giao giám sát các trạm thu phí BOT trên toàn quốc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có đề xuất giải pháp nào để tăng cường việc giám sát công tác thu phí một cách chặt chẽ, hiệu quả?
- Ông Nguyễn Xuân Cường: Phải thừa nhận, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao nhiệm vụ giám sát việc thu phí của tất cả các trạm thu phí BOT trên toàn quốc hiện nay là hết sức khó khăn. Tính đến thời điểm 1/8/2016, cả nước có 48 trạm thu phí cho 43 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đang trong giai đoạn kinh doanh, khai thác.
Nếu tính đến năm 2020 sẽ có thêm 30 trạm thu phí BOT nữa vào hoạt động, nâng tổng số trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ là 78 trạm. Đây thực sự là thách thức rất lớn cho công tác quản lý nhà nước của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Với hiện trạng này, nếu không thay đổi cách thu phí hiện nay thì bản thân Tổng cục Đường bộ Việt Nam không đủ nhân lực, vật lực để kiểm soát công tác thu phí tại các trạm thu phí trên toàn quốc.
Từ thực trạng, khó khăn kể trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề ra hướng để giải quyết vấn đề này. Thứ nhất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh công tác thu phí bằng hình thức không dừng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá nếu triển khai nhanh hình thức thu phí này sẽ giải quyết đồng thời nhiều vấn đề như tăng tính rất minh bạch trong công tác thu phí, đồng thời hình thức thu phí này sẽ đem lại sự thông thoáng, thuận tiện cho người tham gia giao thông khi qua các trạm thu phí.
Thứ hai, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng sẽ rà soát sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy định về công tác tổ chức thu phí cho phù hợp, tăng thêm các chế tài xử lý khi các nhà đầu tư vi phạm.
Thứ ba, qua 10 ngày kiểm tra, khảo sát thu phí thực tế tại dự án Pháp Vân-Cầu Giẽ, trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ đề xuất kiểm tra, khảo sát tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc để từ đó có cơ sở tính toán, điều chỉnh phương án tài chính của mỗi dự án. Bởi số liệu ban đầu để xây dựng phương án tài chính cho mỗi dự án là do đơn vị tư vấn đưa ra, tuy nhiên khi tiến hành thu phí thì đã có sự chênh lệch so với số liệu trên thực tế, từ đó cần phải có điều chỉnh lại phương án tài chính theo số liệu thu thực tế của mỗi dự án.
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về đề xuất khoán doanh thu cho mỗi trạm thu phí sau khi đã tính toán cụ thể các số liệu. Cơ sở của việc khoán số thu sẽ căn cứ vào số liệu khảo sát về số thu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và dự báo tăng trưởng lưu lượng xe hàng năm (căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế); thời gian khoán sẽ là 5 năm một lần. Sau 5 năm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổng hợp số thu thực tế để làm cơ sở khoán cho giai đoạn tiếp theo.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định nếu thực hiện được cơ chế khoán thu phí thì bên cạnh việc đem lại sự minh bạch trong công tác thu phí, việc này cũng giúp các nhà đầu tư có được tính chủ động cao hơn. Đây thực sự là giải pháp văn minh, giúp hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Mặt khác, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng nếu chưa áp dụng được hình thức thu phí không dừng một cách đại trà trên toàn quốc thì việc thực hiện giải pháp khoán doanh số thu phí là rất thiết thực, giúp cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân yên tâm trong việc tính sát con số thu thực tế việc thu phí của các nhà đầu tư.
- Nhiều người cho rằng hệ thống máy móc phục vụ cho công tác hậu kiểm công tác thu phí tại mỗi trạm thu phí có thể bị tác động thay đổi số liệu. Ông nhận xét về ý kiến này như thế nào?
- Ông Nguyễn Xuân Cường: Để khẳng định hệ thống máy móc phục vụ công tác hậu kiểm đặt tại các trạm thu phí có bị tác động làm thay đổi số liệu hay không cũng chưa có căn cứ để khẳng định được. Vấn đề này cần phải đi sâu hơn nữa vì nó mang tính kỹ thuật. Ngoài ra, để kết luận vấn đề này thì phải có cơ quan chuyên môn vì nó liên quan đến công tác điều tra chứ Tổng cục không có chuyên môn để thực hiện điều này.
Qua thực tế 10 ngày kiểm tra, hệ thống máy móc lắp tại trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ phục vụ công tác thu phí và hậu kiểm đều hoạt động bình thường. Tuy nhiên, để khẳng định những thời gian khác máy móc có bị tác động để làm thay đổi số liệu hay không thì đây lại là một câu chuyện khác.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng để giải quyết tất cả các vấn đề bất cập trong công tác thu phí hiện nay, song song với 2 giải pháp là thu phí không dừng và khoán doanh số thu phí thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và hiện Bộ đang nghiên cứu phê duyệt hệ thống phần mềm giám sát trực tuyến (online) số liệu thu phí của các trạm thu phí, khi đó số liệu thu phí được truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam hàng ngày.
Phần mềm giám sát này có thể là giải pháp hữu hiệu giám sát được chặt chẽ số liệu thu phí của các trạm thu phí một cách công khai, minh bạch hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.