Đề xuất giải pháp giảm ùn tắc: Bớt Sĩ thêm Điện

Ý kiến phản biện 08/02/2017 05:51

Sĩ là bớt sĩ diện và thêm Điện là tăng cường làm việc qua điện tử thì sẽ giảm tắc đường.

 

Đề xuất giải pháp giảm ùn tắc
Đường Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội tắc cứng dịp cuối năm 2016. Ảnh: Đoàn Bổng

Vấn đề tắc nghẽn giao thông đang trở nên trầm trọng tại 2 TP Hà Nội và TP.HCM, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế. 

VietNamNet giới thiệu những đề xuất của tác giả An Lê:

1. Xe riêng: Ở tổng công ty tôi, các chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên HĐQT, TGĐ, phó TGĐ đều đi ô tô, các trưởng phó ban cũng tậu xe, đến trưởng phó phòng cũng vào cuộc, rồi đến chuyên viên cũng chịu không nổi, vay mượn thêm, làm một chiếc cho... thành người. 

Tội gì không mua, thuế cứ năm sau cao hơn năm trước, đi cả chục năm rồi vẫn bán được cả chục nghìn đô. Xe hơi bây giờ không chỉ còn là phương tiện đi lại mà còn là biểu hiện giới giàu sang quý phái. Mỗi người một xe, nhiều khi trên một chiếc bán tải to đùng thì không hạ tầng nào chịu nổi.

Tôi đề xuất thành lập một tổng công ty xe công: quản lý tất cả các xe ô tô của các cơ quan nhà nước: bộ, tổng cục, cục, vụ, viện, các trường đào tạo, trường cán bộ trực thuộc, các trung tâm, sở, tập đoàn, tổng công ty, công ty, thanh tra, tòa án, viện kiểm sát, ngân hàng, tòa soạn báo, tạp chí, bệnh viện, bảo hiểm… (vì suy cho cùng đều là xe nhà nước cả).

Hàng ngày, mỗi xe sẽ chở nhiều cán bộ nhà ở gần nhau cùng đến nơi làm việc gần nhau đi và về, trường hợp công tác sẽ bố trí xe riêng. Chi phí sẽ do các cơ quan trên chia nhau theo số người được vận chuyển và cự ly vận chuyển.

Tôi đảm bảo chi phí xe công sẽ giảm 70-80% vì đâu còn cảnh dùng "xe chùa" chở chồng đi đánh golf, chở vợ đi shopping spa, chở con đi chơi nữa.

2. Tất cả công việc của các cơ quan trên sẽ được giải quyết tối đa qua điện tử. 

Người dân cần xin giấy phép thì scan màu toàn bộ hồ sơ gửi cho một đầu mối giải quyết, đầu mối đó sẽ xin ý kiến của các bộ, ngành, sở … liên quan bằng phương pháp điện tử. Người dân sẽ không phải ôm đống giấy tờ chạy hết bộ này đến bộ khác, sở này đến sở khác.

Tất cả các cuộc họp hội họp, giao ban, hội thảo (trừ trường hợp đặc biệt)… đều thực hiện qua truyền hình. Trừ trường hợp đặc biệt, các lãnh đạo có thể 9h sáng đến, 6h chiều về, chỉ đạo công việc chủ yếu qua bio portal và email.

3. Tất cả giao lộ đều làm đường tránh trên cao. Những con đường lưu lượng lớn như Trường Chinh, Giải Phóng, Tam Trinh, Láng, Kim Mã làm thêm đường trên cao, kết cấu bằng thép hình chữ T lấy chân ở giữa đường, mỗi làn 3-4m, chỉ dành cho xe máy đi xuyên thành phố từ trung tâm ra ngoài thành phố (ví dụ đến đường CT2 mới xuống).

4. Những đường mà lượng người đi theo 1 chiều vào một buổi cao (ví dụ sáng đổ vào thành phố, chiều đổ ra ngoại thành) sẽ chia làm 3 phần đường: sáng đi vào bằng 2 phần, chiều đi ra bằng 2 phần.

Phải có đèn rẽ trái, các đường chia làm 3 làn: đi bên trái rẽ trái, đi giữa đi thẳng, đi bên phải rẽ phải, mở rộng đường bên phải để luôn luôn có thể rẽ phải. Phá tất cả vòng xoay chỉ gây tắc đường.

5. Nhà cao tầng cứ mỗi 8-10 tầng bắt buộc phải có 1 tầng ngầm đậu xe, nhà 40 tầng sẽ phải có 5 tầng ngầm đậu xe. Nếu bây giờ không có thì chủ tòa nhà phải xây bãi đậu xe nổi nhiều tầng bằng thép ở các khu đất còn trống.

Phần thụt lùi vào tính từ lề đường vào đến tòa nhà phải tỷ lệ với chiều cao tòa nhà, nhà càng cao thì càng cách xa mặt đường, ví dụ nhà 20 tầng sẽ phải để lề đường trước mặt khoảng 20 mét.

6. Tuyệt đối cấm ô tô đậu ở lòng lề đường, xe chỉ được dừng để nhận và trả khách.

7. Tuyệt đối cấm lấy vỉa hè làm nơi buôn bán, đậu xe cho khách vào ăn (kể cả xe máy). Nếu không cấm được thì phá bỏ vỉa hè lấy diện tích đó làm đường luôn, vì thực tế hiện nay vỉa hè để buôn bán và đậu xe.

8. Về vận tải công cộng: Công việc của một người vợ Việt Nam là sáng đưa con đến trường rồi đi làm, chiều đón con rồi rẽ qua chợ mua đồ ăn sau đó đưa con đi học thêm, rồi về nhà nấu ăn, xong đón con đi học về nên sẽ rất khó để đi xe buýt; xe buýt chỉ dành cho sinh viên và người ngoại tỉnh vào làm việc.

Đối với những TP đông dân chật hẹp như TP.HCM, Hà Nội, Jakarta, Bangkok, New Delhi thì phương tiện vận tải công cộng tốt nhất là những chiếc xe nhỏ gọn, dễ luồn lách, muốn dừng lúc nào cũng được như: Tuk Tuk, Lambretta, Daihatsu (chở được 10 người) ở Sài Gòn trước kia.

9. Hà Nội và TP.HCM nên xây Trung tâm hành chính TP và Trung tâm hành chính TƯ cũng như Trung tâm văn phòng đại diện bộ phía Nam tại Thủ Thiêm chẳng hạn. Kèm theo đó là xây nhà công vụ cho những người làm ở đó, gần đó.

Ý kiến của bạn

Bình luận