Đề xuất loạt giải pháp để phát triển vận tải hành khách công cộng

Tác giả: Thắng Khang

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 28/07/2022 16:00

Để vận tải hành khách công cộng phát triển cần nâng cao chất lượng phục vụ, đầu tư phương tiện, hạ tầng giao thông, giá vé, có làn đường riêng…

 

Để vận tải hành khách công cộng phát triển cần phải nâng cao chất lượng phục vụ, đầu tư phương tiện, cải thiện hạ tầng giao thông…

Để vận tải hành khách công cộng phát triển cần phải nâng cao chất lượng phục vụ, đầu tư phương tiện, cải thiện hạ tầng giao thông…

Tái cấu trúc mạng lưới

Ngày 28/7 tại TP.HCM, Báo Giao thông tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng”  với sự tham dự của lãnh đạo Vụ vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông (Bộ GTVT), lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, Hà Nội, Tiền Giang, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM, đại điện Metro Hà Nội, TP.HCM và các chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng...

Trong hơn 20 năm qua, các đô thị Việt Nam đã xác định phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm ùn tắc giao thông và cung ứng dịch vụ công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại ở các đô thị. Hiện nay tại các đô thị ở Việt Nam, phương thức VTHKCC chủ yếu là bằng xe buýt, đối với Hà Nội đã có thêm hai phương thức vận tải khối lượng lớn là xe buýt nhanh BRT và đường sắt đô thị.

Hội thảo giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng hiệu quả do Báo Giao thông tổ chức.

Hội thảo giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng hiệu quả do Báo Giao thông tổ chức.

Ông Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho biết: “Toàn quốc có 56/63 tỉnh thành có hệ thống VTHKCC bằng xe buýt. Năm 2019, xe buýt toàn quốc vận chuyển khoảng 1,06 tỷ lượt hành khách, trong đó Hà Nội và TP.HCM chiếm đến 76% tổng khối lượng với 803,4 triệu lượt khách. Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ chiếm 4%; nhóm các tỉnh có đô thị loại I cấp tỉnh chiếm 11% và các địa phương còn lại chiếm 9%”.

Theo ông Mười, VTHKCC bằng xe buýt hiện nay còn nhiều vấn đề như: Mức độ bao phủ mạng lưới trên toàn quốc thấp, trùng lặp tuyến cao dẫn đến hoạt động chưa hiệu quả. Không chỉ vậy, tuổi đời phương tiện VTHKCC bằng xe buýt khá cao gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ bằng xe buýt; Hệ thống VTHKCC bằng xe buýt chưa được quan tâm đầu tư đúng mức (thiếu điểm dừng, nhà chờ, hệ thống biển báo thông tin không đầy đủ, thiếu bãi đỗ xe buýt…) gây khó khăn cho việc tiếp cận của hành khách.

Ông Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) nêu giải pháp phát triển loại hình VTHHCC.

Ông Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) nêu giải pháp phát triển loại hình VTHHCC.

Từ những nhận định trên, ông Mười đưa ra các giải pháp để phát triển VTHKCC. Cụ thể, tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân song song với phát triển VTHKCC. Đồng thời, tăng cường số lượng, chất lượng dịch vụ VTHKCC trên các hành lang giao thông chính. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ VTHKCC. 

Ngoài ra, cần có các chính sách ưu tiên cho phát triển VTHKCC. Chủ trương phát triển VTHKCC phải được cụ thể hóa bằng các chính sách ưu tiên, ưu đãi gián tiếp và trực tiếp. Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và bảo đảm cạnh tranh có kiểm soát. Đặc biệt, kiểm soát các hoạt động sử dụng đất và phát triển đô thị liên quan tới các hành lang vận tải chính, xử lý nghiêm các sai phạm về quy hoạch đô thị, xây dựng trên hành lang.

Nêu ý kiến tại toạ đàm, ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách TP.HCM cho rằng, cần có một cuộc đại phẫu thuật để tìm ra nguyên nhân người đi xe buýt ngày càng ít. Giải pháp đặt ra là cần tái cấu trúc mạng lưới VTHKCC ở TP.HCM, bao gồm tuyến trục, tuyến chính và thu gom. Từ đó, chỉ ra những điểm yếu của hệ thống VTHKCC, có một cuộc cách mạng toàn diện thì mới có thể thành công.

"Sở GTVT TP.HCM cần phải trình lên thành phố một kế sách để nâng cấp VTHKCC trên mọi khía cạnh, từ hạ tầng đến giá vé… Chính quyền thành phố nên nghiên cứu chính sách trợ giá dài, có thể đến 10 hoặc 20 năm cho VTHKCC, không nên theo kiểu “ăn đong từng bữa” như hiện nay", ông  Tính nói.

Ông Lê Trung Tính phát biểu tại hội thảo

Ông Lê Trung Tính phát biểu tại hội thảo

Phải có làn ưu tiên cho xe buýt

Tương tự TS Lương Hoài Nam - Chuyên gia giao thông cho biết: "Khi nào TP.HCM chưa có làn đường dành riêng (ưu tiên), chưa có trung tâm trung chuyển cho xe buýt thì thực sự xe buýt không thể phát triển được.

"Tuy nhiên, nếu có làn đường dành riêng mà không có xe buýt chạy thì cũng không được, người dân sẽ có phản ánh. Về trợ giá, một thành phố lớn như TP.HCM với hơn 10 triệu dân, có hơn 1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt không phải là nhiều mà là quá ít. Trợ giá ở các nước khác nhiều hơn rất nhiều. Vấn đề của giao thông công cộng nói chung và xe buýt nói riêng ở TP.HCM giống như một đứa con không chịu lớn mà càng ngày càng teo tóp đi", vị chuyên gia cho hay.

Để xe buýt không biến mất khỏi TP.HCM, ông Nam đề nghị chính quyền TP.HCM phải giải được bài toán tương lai của xe buýt. Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là tụ điểm giao thông lớn nhất với cả trăm triệu khách tuy nhiên hiện nay đường vào Tân Sơn Nhất đều tắc. Sở GTVT đang muốn tăng cường kết nối xe buýt vào sân bay nhưng mặt bằng sân bay có hạn và quan trọng hơn là rất ít người đi xe buýt ra sân bay.

"Thực ra, người ta không đi với kiểu xe buýt như hiện nay vì xe buýt không đúng giờ, vì vậy cần phải đầu tư, đổi mới tổng thể mới có thể phát triển được VTHKCC", ông Nam cho hay.

Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM phát biểu tại hội thảo

Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM phát biểu tại hội thảo

Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Sở GTVT TP.HCM đã có Đề án phát triển VTHKCC kết hợp với việc kiểm soát xe cá nhân, trong đó có 27 nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án nhỏ.

Theo ông Hưng, để khắc phục vấn đề trùng tuyến, sử dụng nhiên liệu sạch không thể giải quyết trong một sớm một chiều. "Có đại biểu cho rằng, phải lập lại quy hoạch nhưng thực tế chúng tôi vẫn vừa phải đảm bảo công việc hiện tại, vừa làm những nhiệm vụ mang tính chiến lược. Sắp tới chúng ta sẽ hướng tới sử dụng xe buýt điện nhưng điều này còn liên quan đến hạ tầng, trạm sạc, điểm sạc, loại hình sạc, nhà sản xuất xe buýt điện, giá thành. Chúng tôi nói ra không phải để bàn lùi nhưng tiến lên thì cũng phải tính toán thế nào cho phù hợp", ông Hưng cho hay.

Về làn đường riêng cho xe buýt, theo ông Hưng, trước đây đường Trần Hưng Đạo có làn xe buýt riêng, nhưng sau đó thì bỏ. "Hiện nay khi nghiên cứu làn đường riêng tại đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu thì không khả thi vì gây bức xúc cho người dân. Trong khi đó, việc có cho phép một số loại xe khác chạy vào đó hay không cũng cần tính toán lại và cá nhân tôi thấy chưa khả thi. Quyết làm thì vẫn làm được, nhưng không tránh khỏi dư luận. Tôi đồng ý đã làm phải quyết tâm cao, chấp nhận dư luận nhưng mình cũng phải nhìn vào thực tế", Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận