Đề xuất mua hàng chục xe bơm công suất lớn đắt ngang ngửa với xe siêu sang Rolls Royce Phantom, đại diện Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM nói đó là giải pháp mang tính đột phá, còn các chuyên gia thì lo ngại, có người còn ví giải pháp này là “ném tiền tỷ qua cửa sổ”.
Đắt có xắt ra miếng?
Trao đổi với Tiền Phong chiều 14/3, đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (gọi tắt là Trung tâm chống ngập) cho biết sử dụng xe bơm lưu động phục vụ chống ngập mới là đề xuất ban đầu, nếu được UBND TPHCM phê duyệt, dự án sẽ được triển khai từ nay đến năm 2019.
Mục tiêu của dự án là sử dụng xe bơm hút công suất lớn để thoát nước ra kênh rạch, không để xảy ra tình trạng ngập nặng tại một số khu vực khi có mưa lớn kéo dài. Trung tâm chống ngập đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách và huy động một số nguồn khác mua 63 xe, gồm: 28 xe công suất 20 m3/phút, 23 xe công suất 30 m3/phút, 12 xe công suất 60 m3/phút và một bãi xe, nhà điều hành. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng hơn 1.400 tỷ đồng. Giá mỗi xe bơm hút khoảng 20 tỷ đồng (gần 1 triệu USD/xe)
Theo tính toán của Trung tâm chống ngập, nếu được triển khai, dự án sẽ xoá ngập cho lưu vực khoảng 336,3 ha ở phía Bắc và khu vực trung tâm TPHCM. Đồng thời kịp thời ứng cứu, giảm ngập cho khoảng 30 tuyến đường thuộc các quận 6, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức. Với công suất từ 20 - 60 m3/phút, các xe có thể nhanh chóng hạ thấp mực nước tại các điểm ngập xuống còn khoảng 8 cm, giúp người dân lưu thông dễ dàng qua các điểm ngập, không còn lo phương tiện bị chết máy, gây ùn ứ giao thông.
“Không chỉ tắc nghẽn do tình trạng vứt rác bừa bãi, hệ thống cống thoát nước mới được đầu tư cải tạo khoảng 50% với chiều dài khoảng 3.000 km và thiết kế đã có dấu hiệu lạc hậu, cụ thể là chỉ đáp ứng những trận mưa có vũ lượng cao nhất 96 mm. Trong khi đó, gần đây TPHCM liên tiếp xảy ra nhiều cơn mưa có vũ lượng vượt 100 mm. Những khu vực chưa có cống, hoặc có rồi nhưng cống nhỏ, nghẹt, nước thoát không kịp ra kênh rạch và máy bơm cố định không phát huy hiệu quả thì rất cần những xe cơ động, trực tiếp bơm hút nước từ các điểm ngập ra kênh rạch, xem như là hệ thống cống thoát nước di động. Tôi cho rằng đây là giải pháp đột phá trong tình hình hiện nay” - đại diện Trung tâm chống ngập nói.
Tình trạng ngập ngày càng trầm trọng ở TPHCM khiến cơ quan chức năng đề xuất chống ngập bằng xe bơm hút.
Ném tiền qua cửa sổ?
Trao đổi với Tiền Phong tối 14/3, một số chuyên gia chống ngập hoài nghi hiệu quả của dự án. Cụ thể là khi đường ngập nặng, các phương tiện chết máy gây ùn tắc giao thông nên xe bơm hút khó tiếp cận điểm ngập để làm nhiệm vụ. Ngoài ra, với công suất bơm hút lên tới 20-60m3/phút thì hệ thống ống hút phải lớn, đường kính trên 300mm, nếu vắt qua nhiều tuyến đường sẽ gây cản trở giao thông. Vì vậy, trước khi quyết định, UBND TPHCM cần tổ chức phản biện với sự tham gia của các nhà khoa học.
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, xe bơm lưu động thực ra chỉ phát huy hiệu quả “cứu ngập” chứ không “giảm ngập”. Những cơn mưa lớn, kéo dài như vừa qua, các trạm bơm cố định không phát huy hiệu quả do bể thu nước quá nhỏ. Vì thế, việc mua thêm 63 xe bơm nước chống ngập là không hiệu quả. Mưa lớn thì hút nước không kịp còn mưa nhỏ thì không cần sử dụng. Ngoài ra, nếu ngập do mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao thì không có nơi để chứa nước, bơm hút ra kênh, rạch thì nước lại chảy ngược, tràn vào. “Thay vì mua xe, TPHCM cần cải tạo lại hệ thống cống, làm thêm hồ điều tiết chứa nước, nạo vét kênh rạch, khơi thông dòng chảy, hạn chế tình trạng lấn chiếm kênh, rạch cản trở khả năng thoát nước tự nhiên” – TS Phạm Sanh nói.
Nhiều chuyên gia chống ngập băn khoăn mùa mưa TPHCM chỉ kéo dài khoảng 6 tháng với khoảng 60 ngày có mưa lớn gây ngập, thời gian còn lại, toàn bộ số xe bơm hút sẽ “đắp chiếu” nhưng phải chi khấu hao, trả lương tài xế, chi bảo dưỡng, … gây lãng phí. Đó là chưa kể TPHCM đang triển khai hàng loạt dự án chống ngập cấp bách (nạo vét cống) và căn cơ, cụ thể là làm hệ thống đê bao sông Sài Gòn, cống ngăn triều theo Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Khi các dự án hoàn thành, các siêu xe nói trên phải xếp xó.
Ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TPHCM cho rằng, chi phí 1.400 tỷ đồng nhưng hiệu quả chưa rõ thì cần phải tổ chức phản biện, làm thí điểm, nếu thực sự mang lại hiệu quả thì mới triển khai đại trà để tránh lãng phí.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.