Đầu máy xe lửa tại ga Đà Lạt. (Nguồn: Panoramio.com) |
Theo lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, đoạn đường sắt từ ga Đà Lạt-Trại Mát dài 6,7km hiện tại đang khai thác chạy tàu phục vụ khách du lịch tham quan chùa Linh Ứng và các khu vực lân cận ga Trại Mát.
Tuy nhiên, trên đoạn tuyến này kết cấu hạ tầng phục vụ chạy tàu đã xuống cấp hư hỏng do không được thường xuyên duy tu và đầu tư nâng cấp. Cơ sở nhà xưởng, đầu máy toa xe và các Depo (nhà ga) vẫn còn nhưng chỉ là những khung nhà bê tông mái thép, không có máy móc thiết bị phục vụ. Mức độ khai thác hiện nay (đoạn Đà Lạt-Trại Mát) là không đáng kể, chỉ mang tính chất phục vụ tham quan du lịch.
Báo cáo của Cục Đường sắt cũng cho thấy, bình quân hàng năm, Nhà nước vẫn phải đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng để phục vụ công tác quản lý, bảo trì tuyến đường sắt này; kinh phí Nhà nước thu được từ phí sử dụng và cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt là rất ít (khoảng 238 triệu đồng). Như vậy, hàng năm Nhà nước phải bù lỗ cho tuyến đường này khoảng 983 triệu đồng.
Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong việc nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn còn hạn chế, quỹ đất và các công trình tiện ích cũng như tiềm năng phát triển về du lịch của đường sắt Đà Lạt-Trại Mát chưa được khai thác hiệu quả.
Nhằm nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất hiện tại của đoạn tuyến về kết cấu hạ tầng, phương tiện thiết bị, quỹ đất và các công trình tiện ích liên quan, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất dự án thí điểm nhượng quyền khai thác đoạn đường sắt Đà Lạt-Trại Mát.
Theo đó, toàn bộ kết cấu hạ tầng đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt-Trại Mát sẽ có kinh phí đầu tư gần 110 tỷ đồng. Thời gian thi công trong vòng 15 tháng, thời gian cho thuê dự kiến 30 năm. Khi hết thời hạn, nhà đầu tư bàn giao nguyên trạng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ đầu tư toàn bộ kinh phí để xây dựng, quản lý, khai thác vận hành và bảo trì tuyến đường. Trên cơ sở đoạn đường sắt Đà Lạt-Trại Mát hiện có đề xuất các giải pháp đầu tư đồng bộ kết hợp giữa vận tải đường sắt cùng phát triển du lịch và các dịch vụ tiện ích dọc hành lang tuyến nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng của đường sắt Đà Lạt-Trại Mát; cải tạo nâng cấp ga Đà Lạt, tính toán đảm bảo dự kiến khu vực đất cần thiết để phục vụ chạy tàu đáp ứng cho cả tương lai lâu dài khi khôi phục toàn tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt.
Đề cập đến phương án hoàn vốn, Cục Đường sắt cho rằng, nhà đầu tư sẽ hoàn vốn bằng kinh doanh vận tải đường sắt, khai thác quỹ đất không liên quan trực tiếp đến chạy tàu và dịch vụ du lịch. Thời gian hoàn vốn là 13 năm 3 tháng.
Cụ thể, nhà đầu tư khai thác tối đa đất dành cho đường sắt thành tổ hợp nhà hàng, khách sạn hoặc các dịch vụ phục vụ nghỉ dưỡng kết hợp đảm bảo đúng quy định của pháp luật và khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép./.
Tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 1932 do Tổng công ty đường sắt Việt Nam quản lý và khai thác. Tuy nhiên do chiến tranh, tuyến đường sắt đã bị bỏ hoang từ năm 1972. Đến năm 1991 ngành đường sắt đã khôi phục và đưa vào khai thác đoạn Đà Lạt-Trại Mát chủ yếu phục vụ nhu cầu du lịch.
Hàng ngày, trung bình có khoảng 2-3 chuyến tàu vận chuyển hành khách du lịch từ ga Đà Lạt tới Trại Mát để tham quan du lịch các đền chùa khu Trại Mát và ngược lại. Cao điểm vào các ngày lễ, Tết, nghỉ hè có thể khai thác từ 4-5 chuyến tàu/ngày.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.