Đèo Cả bắt đầu thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang

Tác giả: Minh Trang

saosaosaosaosao
Đường bộ 21/10/2023 15:20

Tại dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã được chủ đầu tư đánh giá năng lực và giao thực hiện gói thầu số 24 - Thi công các cầu trên toàn tuyến với giá trị hơn 700 tỷ đồng, thời gian thi công 27 tháng.

Đèo Cả bắt đầu thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng lãnh đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương tặng quà cho các đơn vị tham gia thi công dự án

Hôm nay ( 21/10), UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức khởi công xây dựng dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1). Đây là dự án trọng điểm quốc gia, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo địa phương, các nhà thầu và nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

Theo UBND tỉnh Tuyên Quang, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang là mắt xích quan trọng trong hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025), trở thành trục giao thông kết nối nhanh, tháo gỡ điểm nghẽn giao thông liên vùng. Dự án có tổng chiều dài 165 km, trong đó giai đoạn 1 là 77 km thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần trách nhiệm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đơn vị có liên quan và người dân đã phối hợp chặt chẽ để khởi công dự án.

Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo các cấp và các nhà thầu thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB), bám sát thực địa, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để dự án đảm bảo hiệu quả.

Đội ngũ cán bộ kỹ sư, công nhân và máy móc của Tập đoàn Đèo Cả sẵn sàng tổ chức thi công ngay sau khi khởi công dự án

Tại dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã được chủ đầu tư đánh giá năng lực và giao thực hiện gói thầu số 24 - Thi công các cầu trên toàn tuyến với giá trị hơn 700 tỷ đồng, thời gian thi công 27 tháng.

Theo ông Ngọ Trường Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, năng lực, kinh nghiệm tổ chức thi công được Tập đoàn Đèo Cả trả lời qua các dự án hoàn thành, các cuộc "giải cứu" cho các dự án khó khăn trong thời gian qua.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, sự nhất quán quan điểm khi đến địa phương nào Đèo Cả sẽ đồng hành với Đảng bộ, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp là nhà thầu, nhà cung ứng trên địa bàn để cùng phát triển, tạo ra chuỗi giá trị thực phục vụ xã hội.

Tập đoàn Đèo Cả sẽ huy động nguồn lực nhân sự có năng lực kinh nghiệm, máy móc thiết bị hiện đại để tổ chức triển khai phần việc được giao đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ và hiệu quả.

Để dự án triển khai thành công, Tập đoàn Đèo Cả đã có các kiến nghị cụ thể. Ông Ngọ Trường Nam nhấn mạnh: "Các bài học trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến GPMB, mỏ vật liệu, quản lý hợp đồng, thanh toán, quyết toán. Mặc dù hành lang pháp lý như nhau nhưng thực tế chúng tôi gặp tình trạng mỗi nơi hiểu và làm một kiểu, dẫn đến việc có những lúc bị ảnh hưởng thi công hoặc thi công có sản lượng nhưng không giải ngân được, đặc biệt là các địa phương ít có điều kiện quản lý các dự án lớn như Bộ GTVT. Việc này, Chính phủ và Bộ GTVT thời gian qua đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ, tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ các bên liên quan tham gia dự án để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai".

Đối với UBND tỉnh Tuyên Quang và chủ đầu tư dự án, ông Ngọ Trường Nam nói: "Chúng tôi xác định đây là gói thầu quy mô vừa phải nhưng điều kiện thi công sẽ khó khăn vì khối lượng công việc gồm 22 cầu trải dài trên phạm vi gần 70 km, đan xen với phạm vi các gói thầu khác. Do đó, chúng tôi cần sự chia sẻ, phối hợp nhịp nhàng giữa các bên là chính quyền địa phương các cấp, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu tham gia dự án".

Bên cạnh đó, đại diện Đèo Cả cho biết thêm, việc thi công cũng sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân quanh khu vực dự án, các tương tác liên quan đến địa phương còn mới mẻ, do vậy, Đèo Cả cũng rất mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ của lãnh đạo, người dân địa phương để hoàn thành công việc chung phục vụ cộng đồng xã hội.

Cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tạo ra động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh tại Tuyên Quang, đồng thời thu hút các nhà đầu tư, mở rộng cơ hội để các doanh nghiệp xây dựng trong nước phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, xóa bỏ khoảng cách vùng miền.
Ý kiến của bạn

Bình luận