Hệ thống thoát nước lạc hậu, rác thải tràn ngập khiến nước không thoát kịp
TS. Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, lượng mưa chiều tối ngày 26/9 quá lớn đổ xuống Thành phố khiến các cống thoát nước vốn cũ, lạc hậu không thể thoát nước kịp. Một phần do tình trạng người dân xả rác xuống các hệ thống thoát nước nên khi mưa lớn, lượng rác này sẽ cản trở dòng chảy khiến tình trạng ngập càng dễ xảy ra hơn.
Hiện nay, các tuyến đường trong nội đô TP. Hồ Chí Minh đều đã xây dựng từ lâu, các tuyến đường nhánh nhỏ lại cắt nhau chằng chịt. Hệ thống thoát nước tại các tuyến đường đều chưa được xuyên suốt. Trong khi đó, hệ thống thoát nước ngầm lớn nhất trung tâm vẫn sử dụng hệ thống cũ từ thời Pháp xây dựng. Các hệ thống thoát nước xung quanh lại rời rạc và chưa có một hồ chứa nước đủ rộng để chứa nước mỗi khi mưa lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến TP. Hồ Chí Minh càng chống ngập lại càng ngập.
Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch phổ biến nhưng xử lý còn chậm. Trong chuyến khảo sát các tuyến kênh thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất mới đây của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã phát hiện hàng loạt công trình nhà dân xây lấn chiếm bờ kênh. Các dòng kênh nằm xung quanh khu vực sân bay tồn tại một lượng lớn rác thải và vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, chắn ngang dòng chảy, bít kín cửa thoát nước khiến nước tù đọng, bốc mùi khó chịu.
Tình trạng úng ngập mỗi khi mưa lớn tại TP.HCM đã trở nên quá quen thuộc |
Nền đất TP. Hồ Chí Minh đang yếu và bị sụt lún dần theo thời gian
Theo TS. Võ Kim Cương - nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân khiến những năm gần đây TP. Hồ Chí Minh dường như “chìm trong biển nước” mỗi khi mưa lớn là do nền đất Thành phố đang bị sụt lún theo thời gian.
Theo ông Cương, mỗi năm nền đất có thể bị lún một vài centimet, nhưng hàng chục năm thì sụt lún này có thể lên hàng mét. Bằng chứng là trước đây, tiêu chuẩn trong xây dựng khi thiết kế các con đường, bao giờ người ta cũng sẽ thiết kế các mặt đường cao hơn các mực nước cao nhất là 50cm. Bây giờ, nước lại chảy ngược ra đường, chứng tỏ mực nước cao hơn mặt đường. Điều này sẽ có 2 trường hợp hoặc là mực nước cao hơn, hoặc là mặt đường bị lún xuống.
Cũng theo TS. Cương, khả năng mực nước cao hơn do biến đổi khí hậu thì chúng ta đã biết và có những con số thống kê cụ thể. Tuy nhiên, nguyên nhân mặt đường và nền đất bị lún xuống thì lâu nay chưa có cuộc khảo sát, điều tra cụ thể nào. “Từ những điều này, tôi nghĩ cần có những cuộc khảo sát, điều tra để có thể đánh giá được mặt đường sụt lún như thế nào?”, TS. Cương nhấn mạnh.
Ngoài những cách khắc phục tình trạng ngập úng đang có xu hướng tăng như hiện nay, TS. Võ Kim Cương cũng cho biết thêm: “Chúng ta có thể thấy rõ là tình trạng thông thoáng của các hệ thống thoát nước sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong việc gây ra ngập úng. Nhưng nếu chúng ta chỉ đứng trên nền đất thì không thể nào biết được dưới các tuyến thoát nước có thông thoáng hay không, hay có bị tắc nghẽn gì không. Như ta thấy, hiện nay lượng rác thải sinh hoạt rất lớn, đặc biệt là những loại rác nổi như nilon, xốp... Nếu chúng kết lại sẽ rất dễ gây ra tắc cống. Vì vậy, lực lượng chức năng cần thường xuyên tăng cường khảo sát, kiểm tra xem có những trường hợp này hay không”.
Các công trình, dự án chống ngập chậm triển khai
Hiện nay, tất cả các dự án chống ngập tại TP. Hồ Chí Minh đều thuộc tổng dự án 1547. Việc triển khai dự án theo yêu cầu chuẩn bị đầu tư xây dựng hệ thống đê bao và cống kiểm soát triều phù hợp với quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng hiện nay, khu vực mới chỉ mới xây dựng được 01 trong 10 cống kiểm soát triều (Nhiêu Lộc - Thị Nghè) và hơn 40% hệ thống đê bao (60km đê bao trong tổng số 149km).
Nhiều dự án đã được triển khai để xóa các điểm ngập còn lại (giai đoạn 2016 - 2020) nhưng tiến độ chậm do vướng thủ tục, như: Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, cải tạo rạch Ông Búp, kênh tiêu Liên Xã... hoặc thi công chậm như: Xa lộ Hà Nội (chân cầu Rạch Chiếc), Nguyễn Văn Quá (quận 12)... Chẳng hạn, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với tổng số vốn hơn 5.100 tỷ đồng nhằm giúp thoát nước, giảm ngập úng cho 700ha tại nhiều khu vực ở các quận Bình Thạnh, Gò Vấp được giao cho một công ty tư nhân đầu tư từ năm 2015 hiện vẫn đang dậm chân tại chỗ. Mới đây, báo cáo của UBND Thành phố, các sở, ngành cho biết vẫn chưa có động tĩnh gì từ phía nhà đầu tư chốt lại thời điểm khởi động, hoàn thành dự án cải tạo tuyến rạch huyết mạch vùng nội thành thành phố này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.