Nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, thống nhất
Dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc Dự án đầu tư xây dựng cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 (giai đoạn 2), có tổng chiều dài 65,7km, điểm đầu tại xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), điểm cuối tại xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Đoạn qua Quảng Trị dài 32,5km, đi qua 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ.
Nói về công tác GPMB ở huyện Cam Lộ, ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua 3 xã của huyện, có tổng chiều dài 6,38km. Tổng diện tích đất bị thu hồi 62,5ha, có 387 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó 131 trường hợp thuộc diện TĐC.
Đến nay, huyện đã thực hiện 8 đợt chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền hơn 103 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng. Bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh 5,19km/6,38km trên toàn tuyến, đạt tỉ lệ 81,3%. Hiện, chiều dài còn lại (1,19km) đang được địa phương tiếp tục kiểm tra, tháo gỡ.
Theo ông Linh, mặc dù địa phương đã vào cuộc quyết liệt nhưng hiện nay công tác GPMB, xây dựng các khu TĐC vẫn còn chậm so với kế hoạch, kéo theo công tác giải ngân thấp.
Khối lượng GPMB còn lại dù ít nhưng là những hạng mục khó khăn liên quan đến việc di dời nhà ở, đất ở, mộ, lăng, các phần hỗ trợ tâm linh. Người dân kiến nghị đơn giá bồi thường, hỗ trợ một số hạng mục còn thấp (hỗ trợ mộ tự cải táng, đơn giá hỗ trợ tài sản xây dựng tài sản trái phép trên đất nông nghiệp,...) nên một số người dân chưa đồng ý để nhận kinh phí bồi thường hỗ trợ.
“Sắp đến chúng tôi sẽ tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc để vận động bà con, giải quyết những vướng mắc, phấn đấu đến tháng 12/2023 bàn giao toàn bộ mặt bằng và giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Bên cạnh đó, lựa chọn nhà thầu sớm thi công, hoàn thành các khu TĐC cho người dân”, ông Linh nói.
Còn tại huyện Gio Linh, ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND cho biết, đến thời điểm hiện tại địa phương đã bàn giao 8,14/11,9km mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Hơn 3,5km còn lại hiện đang bị vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ GPMB cho người dân di dời, TĐC. Cụ thể, trên toàn tuyến đoạn qua huyện Gio Linh có 48 trường hợp thuộc diện TĐC tại chỗ. Trong đó, xã Linh Trường 18 trường hợp, xã Hải Thái 21 và xã Gio An 9 trường hợp.
Theo ông Hóa, khó khăn lớn nhất trong công tác GPMB trên địa bàn là những hộ dân có nhà ở trên đất nông nghiệp. Người dân cho rằng giá bồi thường, hỗ trợ 50% đơn giá tài sản, vật kiến trúc là quá thấp, không đủ chi phí để xây nhà mới, an cư lập nghiệp nên chưa đồng thuận, bàn giao mặt bằng.
Một số hộ dân khác có diện tích đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ, nên bị hạn chế xây dựng công trình, hiện trạng thửa đất còn lại không đủ chiều sâu để làm nhà ở hoặc đất có độ dốc lớn, không có đường đi, vị trí đất quá thấp so với mặt đường cao tốc. Do đó, nguyện vọng của bà con ở đây là muốn được di dời, theo diện TĐC.
“Để sớm giải quyết vướng mắc, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, chúng tôi đề nghị Ban chỉ đạo GPMB cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, UBND tỉnh Quảng Trị quan tâm, xem xét, sớm có giải pháp, chủ trương giải quyết cụ thể”, ông Hóa nói.
Tập trung gỡ khó, bàn giao mặt bằng
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị (Phó trưởng Ban chỉ đạo GPMB cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ) cho biết, hiện nay tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành công tác bồi thường, chi trả tiền bồi thường GPMB 24,83km/32,53km, đạt 76,33% (Cam Lộ 5,19/6,38km, Gio Linh 8,14/11,9km, Vĩnh Linh 11,5/14,25km). Bàn giao mặt bằng sạch cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh được 22,3/32,53km, đạt 68,6%. Còn 7,7km chưa bàn giao, trong đó khoảng 6,5km liên quan đến các hộ dân vào khu tái định cư.
Tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án phải TĐC khoảng 351 hộ (Vĩnh Linh 88 hộ; Gio Linh 132 hộ; Cam Lộ 131 hộ), đã di dời 22/351 hộ tại vị trí khởi công dự án. Hiện tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành thành phê duyệt 9 dự án khu TĐC và đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu để thi công.
Về nguồn vật liệu phục vụ thi công, UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận khai thác 5 mỏ cát, 5 mỏ đá và giao 5 mỏ đất cho 2 nhà thầu thi công (Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh và Công ty Cổ phần Giao thông Xây dựng số 1) để phục vụ thi công dự án.
Theo ông Sơn, công tác GPMB hiện đang còn gặp phải một số vướng mắc, khó khăn như: Vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án cao tốc; giải pháp thiết kế cầu vượt QL9 và QL9 (tránh Bắc), cầu vượt ngang tại huyện Gio Linh; tiến độ xây dựng khu TĐC; diện tích đất nằm trong hành lang đường bộ; công tác rà soát đường dân sinh, hầm chui, cống thoát nước, di dời hạ tầng kỹ thuật; thủ tục thanh lý tài sản trên đất của Tập đoàn cao su Việt Nam; công tác GPMB tại vị trí nhà máy Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị; việc quản lý đất đai còn nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng người dân làm nhà trên đất nông nghiệp,...
Ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết, mặc dù khối lượng công việc còn lại không nhiều nhưng tính chất, mức độ khó khăn hơn trước. Để sớm hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, các sở, ban, ngành, địa phương cần quyết tâm cao hơn nữa, tập trung tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, ủng hộ.
Các đơn vị liên quan cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ theo phương châm hướng dẫn, hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tổ chức làm việc với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh để tham mưu, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến cầu vượt, đường gom, cầu chui.
Ông Tùng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị tập trung, sớm xử lý những tồn tại, vướng mắc với Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị để sớm bàn giao mặt bằng xây dựng các khu tái định cư, giao cho chủ đầu tư.
Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư, giải quyết các vấn đề liên quan đất đất ở, diện tích đất nằm trong hành lang đường bộ, trên đất nông nghiệp một cách phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho người dân.
Ông Tùng còn đề nghị Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tham mưu Bộ GTVT một số nội dung về mặt kỹ thuật phù hợp với thực tiễn, kịp thời kiến nghị, đề xuất với tỉnh nếu gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.