Đề cập việc thực hiện đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ ngày 1/6/2017, những người đủ điều kiện để cấp bằng lái theo chứng nhận của Bộ Y tế thì Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp nhận để đào tạo, thi sát hạch theo hướng dẫn của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Viện, đối với người khuyết tật có nhiều đặc thù, nếu triển khai đồng bộ trên tất cả các cơ sở đào tạo thì sẽ lãng phí và khó chuyên sâu. Do vậy, Sở GTVT Hà Nội đang tập hợp để các cơ sở đào tạo đăng ký tham gia việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu một số trung tâm có đủ điều kiện để tập trung đầu tư.
Ông Viện nói: "Về mặt nguyên tắc các cơ sở đào tạo đều được phép tiếp nhận đối với người khuyết tật đủ điều kiện theo quy định cua Bộ GTVT cũng như của Bộ Y tế đối với người điều khiển phương tiện. Nhưng để có thể chuyên sâu hơn, chúng tôi dự kiến sẽ lựa chọn một số trung tâm đào tạo, sát hạch có thể tập trung hơn để chúng ta có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, hướng dẫn giúp cho người khuyết tật trong quá trình đào tạo và sát hạch phù hợp".
Đón nhận thông tin này, ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tỏ ra vui mừng và cho biết, cả nước hiện có gần 7 triệu người khuyết tật. Cùng với vị thế của người khuyết tật ngày càng được nâng lên, nên việc tham gia giao thông của người khuyết tật càng có nhiều đòi hỏi lớn. Theo ông Liêu, cùng với việc bảo đảm quyền người khuyết tật trong việc tham gia giao thông bằng phương tiện, cơ sở hạ tầng dành riêng cho họ, cần có những chính sách để bản thân người khuyết tật có thể tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Đình Liêu nói: "Người khuyết tật sử dụng phương tiện tự chế tham gia giao thông không chỉ giải quyết vấn đề sinh hoạt mà chủ yếu góp phần vào cải thiện cuộc sống cho riêng mình. Trong luật quy định người khuyết tật sử dụng phương tiện ở những điều kiện nhất định về sức khỏe, kiến thức, đáp ứng được điều kiện đó nó cũng bình thường thôi. Tôi cho rằng người khuyết tật vẫn có thể lái xe, có thể đi được, nhưng phải đáp ứng đủ yêu cầu ngành giao thông quy định".
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho biết, ở nhiều nước trên thế giới không hạn chế việc cấp lái xe cho người khuyết tật, mà quan trọng hơn là việc xem xét những người khuyết tật đó có đáp ứng được những yêu cầu về thần kinh, cảm nhận, vận động. Nếu đáp ứng đầy đủ những yêu cầu này, người khuyết tật hoàn toàn có thể được cấp giấy phép lái xe ô tô.
Tuy nhiên, theo ông Tạo, ở một số nước, người khuyết tật chỉ được cấp giấy phép lái xe cho chính phương tiện họ thi sát hạch để sử dụng. Chẳng hạn, với trường hợp người cụt 2 chân, thì tất cả cái gì liên quan đến 2 tay có thể thực thi một chiếc xe an toàn, chính xác, tham gia và vượt qua những cuộc thi về sát hạch lái xe thì được cấp giấy phép lái xe, nếu muốn dùng xe khác thì phải dùng xe khác để sát hạch lại.
Ông Tạo cho biết thêm: "Những vấn đề liên quan đến hệ vận động, vấn đề sức khỏe vật lý, thiếu hụt chân, tay… thì người ta có thể có những thiết bị thay thế khả năng đó, hỗ trợ cho người đó bù đắp cho những thiếu hụt của người ta, miễn là sau khi có sự bù đắp đó thì người ta trở thành lái xe thực sự an toàn thì khi đó sẽ cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật. Nhưng người khuyết tật chỉ được phép sử dụng chính chiếc ô tô để thi thôi chứ không được cầm vô lăng của bất kỳ ô tô nào khác".
Đồng tình những ý kiến nêu trên, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, hiện đơn vị này vẫn để ngỏ 2 khả năng, một là nếu người khuyết tật lái được xe chung thì vẫn đào tạo theo tiêu chuẩn chung. Nếu người khuyết tật có phương tiện riêng phù hợp với đặc điểm khuyết tật của họ và họ có phương tiện phù hợp, được đăng kiểm và cho phép hoạt động thì Sở GTVT Hà Nội có thể tiếp nhận, đào tạo và cấp giấy phép lái xe trên chính phương tiện đó.
Việc cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật là chủ trương nhân văn và hiện được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Nhưng để phù hợp với điều kiện hạ tầng và tập quán của người Việt Nam, việc cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật cần lưu ý những vấn đề gì. Những nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong chuyên mục Tiêu điểm tiếp theo.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.