Đồng Tháp: Nâng công suất, bổ sung mỏ cát phục vụ dự án giao thông

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 03/06/2022 09:35

Hiện nay, trữ lượng cát tại Đồng Tháp vẫn còn, tỉnh đang tính toán để tăng trữ lượng, nâng công suất... để phục vụ các dự án trên địa bàn.

Vật liệu cát cho cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn đang gặp khó

Vật liệu cát cho cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn đang gặp khó

Ngày 2/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác của Bộ GTVT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp về việc hỗ trợ vật liệu cát phục vụ thi công một số dự án tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết: Qua nghiên cứu đánh giá, để có đủ vật liệu xây dựng cho các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, phần cát xây dựng cần 0,8 triệu m3, cát đắp nền đường 18,46 triệu m3. Khảo sát các mỏ cát trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cho thấy, trữ lượng dự kiến còn lại là 32,8 triệu m3, khả năng khai thác theo giấy phép là 3,13 triệu m3/năm.

Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị  UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét ưu tiên cung cấp khoảng 13 triệu m3 cát (trong các năm 2023, 2024) từ các mỏ. Để kịp thời có trữ lượng cát, tỉnh cần tăng công suất khai thác và triển khai các thủ tục để khai thác các mỏ mới đã có trong quy hoạch.

“Ban rất mong UBND tỉnh xem xét các nguồn còn lại, hoặc nâng công suất các mỏ hiện hữu. Toàn bộ vùng ĐBSCL chỉ mới có 90km cao tốc, chiếm 7% so với số km cao tốc cả nước. Vì vậy, việc triển khai cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110km cùng với cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ là cơ hội để ĐBSCL phát triển, cất cánh. Do đó, rất mong UBND tỉnh chia sẻ, hỗ trợ nguồn vật liệu cho dự án”, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị.

Ông Thi cũng cho biết thêm: Một số thủ tục cần tháo gỡ đảm bảo nguồn cung cho dự án như: Nâng công suất mỏ đang khai thác lên 150% công suất trong giấy phép, đảm bảo các thủ tục theo quy định. Đối với các mỏ cát nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ hướng dẫn thực hiện trình tự thủ tục mở mỏ mới và được phép triển khai ngay trong giai đoạn chuẩn bị dự án để rút ngắn tiến độ triển khai.

Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT cho biết, nhu cầu cát của địa phương trong giai đoạn 2022-2025 là 44,68 triệu m3, đã bao gồm 2 công trình trọng điểm của Trung ương qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp là cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh. Các dự án tỉnh lộ đều đi qua khu vực đất yếu và một số tuyến là xây dựng mới nên cần khối lượng cát rất nhiều.

Ông Huỳnh Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện UBND tỉnh cấp phép khai thác với tổng khối lượng 5,466 triệu m3/năm và 3 dự án nạo vét khoảng 0,7 triệu m3, với sản lượng khoảng 6,616 triệu m3.

“Với tổng khối lượng khai thác và nạo vét nêu trên, hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã ưu tiên cung ứng cho công trình cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là 1,27 triệu m3”, ông Nguyên cho biết thêm.

Đối với các công trình trọng điểm quốc gia ngoài tỉnh, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết rất khó đáp ứng do vật liệu rất khan hiếm để cung cấp.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp

Trước những chia sẻ của địa phương, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, điều may mắn là trữ lượng cát của tỉnh Đồng Tháp vẫn còn nhiều. Do đó tỉnh Đồng Tháp có giải pháp sớm và có kết quả để Ban QLDA Mỹ Thuận cùng các đơn vị thực hiện các bước triển khai dự án một cách nhanh chóng. 

“Vấn đề quan trọng nhất đó là nguồn vốn, nay đã được giải quyết và Chính phủ đã bố trí cho dự án. Do vậy cần phải có sự vào cuộc quyết liệt và ủng hộ từ các địa phương trong việc chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu. Nếu không giải quyết được vấn đề này, thậm chí chúng ta phải dừng dự án hoặc thực hiện dự án một phần”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

“Chúng ta đã thấy khu vực ĐBSCL hệ thống hạ tầng giao thông được xem là điểm nghẽn, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải. Thời gian qua, Chính phủ đã hết sức quan tâm, quyết liệt chỉ đạo tập trung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực ĐBSCL. Việc thực hiện cao tốc Bắc - Nam và tuyến trục dọc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có vai trò quan trọng, hoàn thành hệ thống đường cao tốc, kết nối liên vùng. Tuy nhiên, khi các dự án lớn triển khai cùng lúc thì nhu cầu vật liệu là rất lớn, đòi hỏi các địa phương phối hợp cùng Chính phủ, Bộ GTVT, tạo điều kiện về nguồn vật liệu. Bởi không có nguyên vật liệu thì không thể triển khai dự án", Thứ trưởng nói và đề nghị địa phương nâng công suất khai thác các mỏ cát hiện hữu lên tối đa, rà soát quy hoạch các mỏ cát mới, cấp phép khai thác.

2CEE4603-F245-4DA7-88BB-1C105F4DAB47

Ông Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ làm việc với các sở ngành có liên quan để bàn bạc tìm giải pháp. Tỉnh giao Sở TN&MT rà soát và có các giải pháp căn cơ như tăng công suất, tăng trữ lượng tại các mỏ. Đặc biệt là việc đẩy nhanh các thủ tục có liên quan trong việc cấp phép khai thác. "Tôi đã yêu cầu rà soát việc thực hiện quy hoạch trữ lượng 33 triệu m3 cát trong giai đoạn sắp tới để có phương án bố trí nguồn cát hợp lý", ông Quang cho hay.

Ý kiến của bạn

Bình luận