Dự án kênh đào Funan Techo Campuchia tác động tiêu cực đến đời sống và hệ sinh thái ĐBSCL

Xã hội 23/04/2024 15:28

Các đại biểu và chuyên gia cho rằng, Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia sẽ tác động tiêu cực đến các hoạt động sinh kế, sản xuất của người dân địa phương và các hệ sinh thái tự nhiên.

Dự án kênh đào Funan Techo Campuchia tác động tiêu cực đến đời sống và hệ sinh thái ĐBSCL- Ảnh 1.

Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tham vấn các chuyên gia về Dự án kênh đào Funan Techo của Camphuchia

Ngày 23/4, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phối hợp với Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế tổ chức cuộc họp tham vấn về Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia tại TP. Cần Thơ.

Theo Ban tổ chức, mục tiêu của cuộc họp nhằm thảo luận và xin ý kiến của các đại biểu về đề xuất Dự án kênh đào Funan Techo nối sông Bassac ra cảng Kẹp của Campuchia; nội dung đánh giá tác động của Dự án này do Ủy hội sông Mê Công quốc tế tiến hành, các lĩnh vực tác động mà Việt Nam quan tâm; các yêu cầu về kết quả đánh giá tác động và các biện pháp giảm thiểu, giám sát tác động.

Tại cuộc họp tham vấn, các đại biểu cũng đã nêu các quan ngại về Dự án kênh đào Funan Techo, nhất là các tác động đến tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm: Các tác động của Dự án kênh đào Funan Techo đến tài nguyên nước vùng ĐBSCL, đặc biệt trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn; việc thực hiện dự án sẽ chuyển nước từ sông Bassac, là phân lưu của sông Mê Công ra cảng Kẹp nằm ngoài lưu vực sẽ gây suy giảm đáng kể tài nguyên nước tới vùng ĐBSCL, gây tác động tiêu cực đến các hoạt động sinh kế, sản xuất của người dân địa phương và các hệ sinh thái tự nhiên.

Dự án kênh đào Funan Techo Campuchia tác động tiêu cực đến đời sống và hệ sinh thái ĐBSCL- Ảnh 2.

Dự án kênh đào Funan Techo Campuchia

Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Linh, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế trong việc tiến hành nghiên cứu độc lập tác động của dự án. Đồng thời, ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp tham vấn này và sẽ chuyển tải các ý kiến đến Ủy hội sông Mê Công quốc tế và phía Campuchia.

Theo bà Linh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Campuchia và các quốc gia thành viên Ủy hội để thúc đẩy tiến độ thực hiện nghiên cứu về tác động của Dự án; đồng thời, đề xuất các biện pháp giảm thiểu, giám sát tác động và tiếp tục tổ chức các hoạt động tham vấn tại các quốc gia.

Nêu ý kiến tại hội nghị, PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Giảng viên Cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng: "Dự án kênh đào Funan Techo khi vận hành chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến vùng ĐBSCL. Vùng ĐBSCL Việt Nam sẽ gia tăng tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, canh tác, sản xuất; mặn xâm nhập sâu và nhiều hơn; các hệ sinh thái cũng sẽ bị đảo lộn... Việc xây dựng kênh đào này làm cho mùa khô của ĐBSCL ở Việt Nam đã thiếu nước lại càng thêm trầm trọng hơn, ảnh hưởng đa dạng sinh học. Ngược lại, về mùa mưa nó là một con đê chắn lũ về ĐBSCL, nước ít hơn, phù sa ít hơn, tất cả các công trình đã làm cho khu tứ giác Long Xuyên không còn ý nghĩa gì nữa…".

Dự án kênh đào Funan Techo Campuchia tác động tiêu cực đến đời sống và hệ sinh thái ĐBSCL- Ảnh 3.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn nêu ý kiến tác động của Dự án Kênh đào Funan Techo đến đời sống của người dân và hệ sinh thái tự nhiên

"Đoạn một của Kênh Funan Techo kết nối sông Mê Công - sông Tiền đến sông Bacsac - sông Hậu, sau đó mới tiếp tục đào ra hướng Vịnh Thái Lan. Nước bạn Camphuchia lấy lý do phát triển giao thông, nhưng rất có thể sẽ sử dụng nguồn nước rất lớn. Trong cơ cấu lượng nước sông Mê Công, sông Tiền chiếm 90%, sông Hậu chiếm 10%, vì thế lượng nước từ sông Hậu không đủ nên mới có đoạn kênh đào nối thông với sông Tiền. Điều này sẽ dẫn đến việc chia lại nguồn nước giữa hai dòng sông nói trên trước khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Tùy lượng nước đổ về sông Hậu nhiều hay ít khi vào tỉnh An Giang sẽ có những tác động gây nên sạt lở và vai trò điều tiết nước của sông Vàm Nao - nối sông Tiền và sông Hậu bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều vấn đề liên quan", PGS.TS. Lê Anh Tuấn quan ngại.

Theo Ủy hội sông Mekong Việt Nam, dự kiến kênh đào Funan Techo sẽ được Campuchia khởi công trong năm nay và đưa vào hoạt động năm 2028. Kênh đào dài 180km, rộng 100m, xây dựng 3 âu thuyền, phục vụ tàu tải trọng 1.000 DWT. Kênh nối Phnom Penh với các cảng của Campuchia trên vịnh Thái Lan.

Dự án kênh đào này ước kinh phí đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD. Cụ thể, điểm đầu nối với dòng Bassac (sông Tiền khi vào Việt Nam), gần cảng ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia), đi qua các tỉnh Kandal, tỉnh Takeo, tỉnh Kampot và kết nối với các cảng ở tỉnh Kep của Campuchia đổ ra vịnh Thái Lan.


Ý kiến của bạn

Bình luận