Dự thảo Luật Đường bộ có gì mới - Kỳ 4: “Số hóa” hồ sơ từng con đường, cây cầu

Tác giả: Hoàng Long

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 21/05/2024 07:05

Dự thảo Luật Đường bộ đã mở ra nhiều cơ hội để ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số giúp ngành Đường bộ áp dụng mạnh mẽ, hiệu quả trong quản lý, vận hành, khai thác, duy tu và bảo trì, đồng thời số hóa kho dữ liệu phục vụ hoạt động của ngành lâu dài, chính xác và tiện lợi.

Dự thảo Luật Đường bộ có gì mới - Kỳ 4: “Số hóa” hồ sơ từng con đường, cây cầu- Ảnh 1.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác kiểm tra, sửa chữa cầu

Đi tắt đón đầu

Trong Dự thảo Luật Đường bộ xây dựng riêng một Điều quy định về giao thông thông minh (Điều 40) quy định: "Giao thông thông minh là việc ứng dụng các công nghệ điện tử, thông tin, truyền thông, khoa học quản lý mới, hiện đại nhằm tối ưu hiệu suất quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ; bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả, kịp thời, tiện lợi và thân thiện môi trường". Đi kèm đó là xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh để thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu giao thông phục vụ quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; hỗ trợ hoạt động vận tải, thanh toán điện tử giao thông; cung cấp các dịch vụ giao thông thông minh, hoạt động thường xuyên, liên tục, được kết nối, chia sẻ dữ liệu với trung tâm chỉ huy giao thông và các cơ quan có liên quan.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, thời gian qua Cục đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là Chương trình quốc gia về chuyển đổi số với việc số hóa dữ liệu đường bộ.

Cụ thể, Cục ĐBVN đã tập trung xây dựng nền tảng số với việc hoàn thành nâng cấp cơ sở dữ liệu hệ thống quản lý tình trạng mặt đường của 55.345 km làn/24.598 km quốc lộ và đường cao tốc; hoàn thiện mô-đun hỗ trợ lập kế hoạch bảo trì cầu, tích hợp với hệ thống quản lý tài sản đường bộ, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý cầu quốc lộ và cao tốc với 7.700 cầu, tích hợp với hệ thống quản lý tài sản đường bộ; gắn định vị GPS cho toàn bộ hệ thống phà đang hoạt động để phục quản lý, điều hành...

Với việc số hóa dữ liệu cầu, đường, tài sản đường bộ thì hồ sơ "bệnh án" của từng cây cầu, con đường được cập nhật từ khi thiết kế, thi công, vận hành, sửa chữa... Ví dụ, khi cần tra cứu về cầu Thăng Long, các trường dữ liệu như: Thời gian thi công, hồ sơ thiết kế, công nghệ thi công, thời điểm hoàn thành đưa vào sử dụng, các lần sửa chữa, được sửa chữa như thế nào? hiện trạng ra sao? các lần sửa chữa lớn, đơn vị thiết kế, thi công, giám sát... đều có thể tìm thấy trên hệ thống quản lý điều hành của Cục để các cơ quan chức năng có dữ liệu, lập kế hoạch bảo trì, sửa chữa.

Dự thảo Luật Đường bộ có gì mới - Kỳ 4: “Số hóa” hồ sơ từng con đường, cây cầu- Ảnh 2.

Trung tâm Điều hành dữ liệu đường bộ

"Số hóa" thông tin phục vụ quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác đường cao tốc

Đường cao tốc là loại hình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại nhất. Để có cơ sở phục vụ công tác quản lý đầu tư, xây dựng và vận hành, Dự thảo Luật đường bộ xây dựng Chương 3 quy định về đường bộ cao tốc, trong đó tập trung vào các quy định quản lý điều hành đường cao tốc. Đây là điểm mới của Luật khi thực tế chúng ta đang khai thác và chuẩn bị đưa vào khai thác trục cao tốc Bắc - Nam với tinh thần ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý vận hành. Do đó, những thông tin phục vụ quản lý, sử dụng vận hành, khai thác đường cao tốc được đơn vị quản lý đường, doanh nghiệp khai thác tuyến thông qua trung tâm điều hành thông báo, cung cấp cho người tham gia giao thông.

Để cụ thể hóa điều này, Điều 49 quy định: "Ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường cao tốc nhằm cung cấp thông tin cần thiết cho người tham gia giao thông; phát hiện, cảnh báo và xử lý sự cố trên đường cao tốc; theo dõi phương tiện, thu thập, quản lý khai thác dữ liệu giao thông".

Ngoài ra, thông tin về tình hình giao thông trên cao tốc, vị trí xảy ra sự cố, sửa chữa, bảo hành công trình, thời tiết, thiên tai ảnh hưởng đến giao thông được đơn vị quản lý thông báo và vị trí TNGT, sự cố giao thông sẽ được CSGT cung cấp thông tin về cho trung tâm điều hành tuyến cao tốc tổ chức phân làn, thông báo cho người tham gia giao thông được biết về tình hình trên tuyến để lựa chọn thời gian, tuyến đường phù hợp (Điều 53).

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục ĐBVN cho biết, đối với hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tài sản đường bộ, các đơn vị đã thu thập đủ 32 loại tài sản đường bộ khác trên tổng số 24.598 km quốc lộ và cao tốc; tích hợp thông tin với hệ thống quản lý mặt đường, quản lý cầu cũng như tình trạng của 6.600 cầu trên các tuyến đường địa phương. Đây được đánh giá là hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về tài sản đường bộ, là công cụ quản lý, tổng hợp báo cáo và hỗ trợ công tác lập kế hoạch bảo trì hàng năm và trung hạn của Cục và Bộ GTVT.

Cũng theo ông Cường, để hiện thực cho việc chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành, khai thác, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Dự thảo Luật Đường bộ đưa ra cơ sở dữ liệu đường bộ được thiết kế, xây dựng, vận hành theo khung kiến trúc tổng thể quốc gia số, bao gồm: Cơ sở dữ liệu về quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ; Cơ sở dữ liệu về tình hình đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; Cơ sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng đường bộ đã đưa vào khai thác gồm cơ sở dữ liệu về quy mô, tình trạng đường, cầu, hầm, bến phà đường bộ, tải trọng, khổ giới hạn đường bộ, bảo trì đường bộ, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm soát tải trọng xe, bến xe, các kho vật tư dự phòng phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và các cơ sở dữ liệu khác về kết cấu hạ tầng đường bộ; Cơ sở dữ liệu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ; Cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải bằng xe ô tô...

Đặc biệt, với việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030 thì cơ sở dữ liệu đường bộ được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu về trật tự, ATGT đường bộ và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan phục vụ cho quản lý, khai thác cũng như tra cứu, xử lý vi phạm trật tự ATGT.