Dự thảo Luật Đường bộ có gì mới - Kỳ 3: Nhiều quy định đột phá về quản lý và vận hành an toàn

Tác giả: Long Hoàng

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 21/05/2024 07:03

Trong Dự thảo Luật Đường bộ đã bổ sung nhiều quy định mới để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác đường bộ, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành, khai thác nhằm bảo đảm giao thông an toàn.

Dự thảo Luật Đường bộ có gì mới - Kỳ 3: Nhiều quy định đột phá về quản lý  và vận hành an toàn- Ảnh 1.

Trung tâm Điều hành ITS của dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

An toàn từ đường làng đến cao tốc

Dự thảo Luật Đường bộ đã bổ sung quy định các công trình đường bộ có tính chất kỹ thuật phức tạp, yêu cầu cao về an toàn trong khai thác, sử dụng phải được kiểm soát nghiêm ngặt về tải trọng, điều kiện an toàn công trình, an toàn phòng, chống cháy, nổ; trách nhiệm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đối với các tuyến đường, công trình hầm đường bộ đã đưa vào khai thác, sử dụng.

So với Luật Giao thông đường bộ 2008, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh (Điều 53). Đây là nơi thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu để kết nối, chia sẻ cho các cơ quan có liên quan phục vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động đường bộ và chỉ huy giao thông.

Đối với quy định trạm dừng nghỉ, Điều 39, khoản đ dự thảo quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện; ưu tiên bố trí hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện tại bãi đỗ xe, điểm đỗ xe, khu vực sơ cấp cứu, ứng phó sau tai nạn... Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BGTVT sửa đổi QCVN:2012/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ, trong đó trạm dừng nghỉ thật sự là nơi nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe của lái xe, hành khách, phương tiện sau một thời gian di chuyển để tiếp tục cuộc hành trình.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam cho biết, trong Chương Kết cấu hạ tầng đường bộ, Điều 8 Dự thảo Luật bổ sung đường thôn, xóm vào trong mạng lưới đường bộ nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, điều này đi kèm với việc bổ sung nguồn vốn vào đầu tư, bảo trì cho hệ thống đường giao thông nông thôn lâu nay ít được quan tâm. Trong khi đó, vấn đề ATGT tại các đường làng, ngõ xóm cũng đang "nóng" dần lên khi phương tiện gia tăng, đường tốt nhưng TNGT cũng tăng theo. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng phân loại đường theo chức năng phục vụ liên kết vùng, kết nối các khu vực, địa bàn dân cư, nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức và cơ sở sản xuất, kinh doanh làm căn cứ lập các quy hoạch có liên quan đến đường bộ, xác định mức độ ưu tiên khi cắm biển báo hiệu, tổ chức giao thông và thực hiện kết nối các tuyến đường; phân biệt rõ hệ thống đường giao thông nông thôn, đường đô thị và hệ thống đường địa phương (Điều 9) nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả, an toàn.

Tiếp đó, Điều 15 của Dự thảo Luật Đường bộ còn quy định rõ hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ ra hai bên để bảo đảm ATGT đường bộ, bảo đảm tầm nhìn xe chạy và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Việc sử dụng hành lang an toàn đường bộ phải đảm bảo an toàn cho công trình và không được che lấp báo hiệu, ảnh hưởng đến tầm nhìn, bảo đảm trật tự, ATGT. Về đường gom, dự thảo nêu rõ phải được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ, nếu làm trong hành lang thì phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể để bảo vệ an toàn cho công trình khi vận hành, khai thác.

Ngoài ra, tại Điều 49 quy định rõ trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể đối với việc ứng dụng và số hóa công tác quản lý vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu đường cao tốc. Cụ thể: "Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh phải ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý, vận hành... nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho người tham gia giao thông, cảnh báo, phát hiện sự cố; kiểm tra, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc để xử lý kịp thời sự cố trên cao tốc; trong quá trình vận hành phải thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, khắc phục kịp thời nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn".

Dự thảo Luật Đường bộ có gì mới - Kỳ 3: Nhiều quy định đột phá về quản lý  và vận hành an toàn- Ảnh 2.

Hệ thống camera giám sát cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo đảm an toàn đường bộ

Một điểm mới nữa trong Dự thảo Luật Đường bộ là việc bổ sung các quy định mang tính đặc thù trong quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc như: Ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác để cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông; phát hiện, cảnh báo và xử lý sự cố trên đường cao tốc; theo dõi phương tiện, thu thập, quản lý và khai thác dữ liệu giao thông. Dự thảo cũng bổ sung quy định về trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc được đầu tư đồng thời khi xây dựng đường cao tốc. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng hiện nay nhiều tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác nhưng chưa xây dựng được hệ thống quản lý, nhà trạm điều hành cho lực lượng đảm bảo giao thông trên tuyến.

Sau khi Luật Giao thông đường bộ 2008 được tách ra làm 2 luật, công tác đảm bảo trật tự, ATGT đường bộ được quy định cụ thể trong Luật Trật tự, ATGT đường bộ nên Dự thảo Luật Đường bộ bổ sung Điều 24 quy định về công trình ATGT đường bộ được xây dựng, lắp đặt, bố trí để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bao gồm: Đường cứu nạn, hầm cứu nạn, tường phòng vệ, rào chắn, hàng rào hộ lan, công trình chống chói, gương cầu lồi, hệ thống chiếu sáng, dải phân cách được lắp đặt để phân chia phần đường thành hai chiều riêng biệt, tường chống ồn, gồ giảm tốc và các công trình khác phục vụ ATGT đường bộ.

Ngoài ra, Dự thảo Luật Đường bộ còn bổ sung Điều 25 quy định tổ chức giao thông được thực hiện từ giai đoạn quy hoạch, đầu tư xây dựng đến giai đoạn quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả. Điều 50 bổ sung quy định thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác; thanh toán điện tử giao thông để thanh toán phí sử dụng đường bộ và các loại phí, giá, tiền dịch vụ khác liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện.

Điều 43 Dự thảo Luật Đường bộ quy định rõ việc thu phí đường bộ trên đường cao tốc phải thực hiện theo hình thức thu phí không dừng, các chủ phương tiện phải lập tài khoản giao thông với các thông tin về phương tiện, chủ phương tiện, thẻ đầu cuối gắn trên phương tiện, được kết nối với tài khoản ngân hàng. Việc thanh toán điện tử giao thông được thực hiện để thanh toán phí sử dụng đường bộ và các loại phí, giá, tiền dịch vụ khác liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện.