Tập trung nguồn lực, tăng quỹ đất cho giao thông
Dự thảo Luật Đường bộ xây dựng trên nguyên tắc kế thừa, tiếp tục phát triển và hoàn thiện những quy định pháp luật về GTVT đường bộ còn phù hợp với thực tế và đã có tác động tích cực đối với sự phát triển của lĩnh vực GTVT đường bộ, đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, Dự thảo Luật Đường bộ sẽ giúp hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo cơ chế để huy động tối đa mọi nguồn lực đột phá trong đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đồng bộ kết nối, làm cơ sở kết cấu lại các phương thức vận tải. Tiếp đó, nội dung Dự thảo Luật nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vận tải đường bộ, tạo nên thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và cạnh tranh; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải đường bộ, cơ cấu lại thị phần vận tải trong lĩnh vực đường bộ; coi trọng khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có, kết hợp đầu tư mới để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực; gắn phát triển GTVT với đảm bảo trật tự ATGT.
Theo Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), Dự thảo Luật Đường bộ đã có cái nhìn dài hơi hơn về quy hoạch phát triển hệ thống đường bộ so với Luật Giao thông đường bộ 2008, đó là: Đưa quy hoạch mạng lưới đường bộ từ 10 năm lên tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm (Điều 5, khoản 3). Đặc biệt, các quy hoạch này được rà soát theo định kỳ 5 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và được công bố công khai theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đồng thời sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; kết nối đồng bộ các tuyến đường bộ, các phương thức vận tải khác với vận tải đường bộ; xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, đa dạng các hình thức, phương thức đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ. Đồng thời, chính sách phát triển đường bộ sẽ ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc, các công trình, dự án đường bộ trọng điểm kết nối vùng, khu vực, đô thị lớn, trung tâm trong nước và quốc tế; phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ tại các đô thị để giảm ùn tắc giao thông (Điều 4).
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật đường bộ sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng phải đi đôi với bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính để tổ chức thực hiện có hiệu quả. "Đặc biệt, tại Điều 8 nội dung dự thảo nêu rõ việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế với môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng trong hoạt động đường bộ, từ đó tạo đà cho vận tải đường bộ phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới", ông Quyền nhấn mạnh.
Một trong những điểm mới phải kể đến trong Dự thảo Luật Đường bộ lần này là bổ sung đường thôn, xóm vào mạng lưới đường bộ nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia, đi kèm với đó là phân loại đường bộ theo cấp quản lý để phân định trách nhiệm quản lý đường bộ từ Trung ương đến địa phương vì trước đây không có trong Luật Giao thông đường bộ 2008. Đây sẽ là cơ sở để đầu tư, xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống đường và nâng cao ATGT khu vực nông thôn. Thêm nữa, tại Điều 12 bổ sung quy định về tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị đối với đô thị xây dựng mới và các đô thị tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, đô thị là di sản được UNESCO công nhận. Cụ thể: Đô thị loại đặc biệt: 18 - 26%; đô thị loại I: 16 - 24%; đô thị loại II: 15 - 22%; đô thị loại III: 13 - 19%; đô thị loại IV: 12 - 17%; đô thị loại V: 11 - 16%. Điều này sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, trong đó do một phần hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ; hệ thống đường tỉnh thiếu vốn đầu tư xây dựng, chất lượng còn hạn chế; đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, trong khi Luật Giao thông đường bộ 2008 chưa phân loại được từng loại đô thị, mà chỉ quy định cứng đất dành cho giao thông là từ 18 - 26%.
Hoàn thiện thể chế cho phát triển đường cao tốc
Để phát huy hiệu quả từ chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam, toàn ngành GTVT đã nỗ lực "vượt nắng, thắng mưa" để hoàn thành dự án phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đến nay đã đưa vào khai thác 634 km đường cao tốc, dự kiến đến năm 2025 sẽ xong toàn tuyến. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, trong Dự thảo Luật Đường bộ đã dành hẳn 1 Chương (Chương III với 16 Điều) quy định về đường cao tốc, đây là điểm mới của dự thảo lần này so với Luật Giao thông đường bộ 2008 với nhiều quy định cụ thể từ chủ trương, chính sách, nguồn lực đầu tư, quản lý vận hành, khai thác.
Theo đó, Điều 45 quy định đường cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng và được bảo đảm yếu tố khoa học kỹ thuật hiện đại, số hóa, phát triển bền vững.
Dự thảo quy định, Nhà nước đảm bảo nguồn lực phát triển đường cao tốc phù hợp với khả năng của ngân sách đối với các dự án có yêu cầu về quốc phòng - an ninh, dự án đi qua địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, dự án kết nối tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và dự án khác không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách. Ngoài ra, Nhà nước bố trí vốn tham gia đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các phương thức đầu tư khác khi cần có nguồn vốn này để khuyến khích đầu tư. Nguồn lực quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì nhằm khai thác an toàn và duy trì tình trạng kỹ thuật công trình theo yêu cầu của thiết kế trong suốt thời gian sử dụng đường cao tốc do Nhà nước quản lý, khai thác; thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước theo hợp đồng dự án để xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng, kinh doanh khai thác các dự án đường cao tốc bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng, quy hoạch, chính sách, pháp luật liên quan khi có thay đổi.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư và các hình thức khác; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, sử dụng vật liệu mới trong quản lý đầu tư, xây dựng, vận hành khai thác và bảo trì công trình.
Đặc biệt, đối với việc đầu tư các công trình cao tốc phải hoàn thiện hệ thống đường gom, trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, bãi đỗ, hệ thống dịch vụ đi kèm, hệ thống thu phí điện tử không dừng (đối với tuyến thu phí) và công trình kiểm soát tải trọng xe.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội lần này đã khắc phục được những hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, điển hình là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các thành phần kinh tế, tạo sự thông thoáng, bình đẳng trong hoạt động đường bộ.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Ngô Văn Lương cho rằng, Dự thảo Luật Đường bộ nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo một "luồng gió mới" trong việc kêu gọi nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực đường bộ, đặc biệt là các công ty công nghệ trong việc quản lý bảo trì, bảo hành, đầu tư, vận tải... khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiện hữu trong mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.