Xây dựng cơ chế đặc thù để địa phương làm quốc lộ, cao tốc
Quy định giao UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ, đường cao tốc là một trong những nội dung lớn được Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) nêu ra tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đường bộ, sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV. Theo UBQPAN, việc này giúp tăng năng lực vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm trật tự ATGT. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, quy định này chưa phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, thực tiễn này xuất phát từ nguyên nhân những năm qua các địa phương thu ngân sách cao, có điều kiện tốt, nên Quốc hội đã thống nhất chủ trương sử dụng phần ngân sách của các tỉnh để tham gia cùng ngân sách Trung ương thực hiện việc xây dựng một số tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, việc này chỉ là tạm thời trong hoàn cảnh trước mắt, không nên vì tình hình đó mà sửa nguyên tắc trong Luật Ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, điều quan trọng nhất là chúng ta cần phê duyệt quy hoạch về phát triển giao thông quốc gia để trong trung và dài hạn phân bổ nguồn lực, quyết tâm hoàn thành theo thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc xương sống nhằm kết nối vùng. "Một số địa phương tham gia đầu tư quốc lộ có thể xem xét như trường hợp đặc thù, chứ không phải vì có thể sử dụng ngân sách; dùng ngân sách địa phương này chi cho địa phương khác cũng hết sức hãn hữu, bởi ngân sách là thu chi của một cấp chính quyền do HĐND và UBND địa phương đó quyết định, nếu chi phải đúng thẩm quyền và quyết toán được", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu ý kiến.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thường trực UBQPAN phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ căn cứ để giao UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ, cao tốc và quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì quốc lộ; cần xây dựng Luật theo hướng ngân sách Trung ương phải tập trung đầu tư cho quốc lộ, đường cao tốc và ngân sách địa phương tập trung cho đường địa phương. Trường hợp địa phương có nguồn lực, tham gia được thì đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù để thực hiện, không sửa Luật Ngân sách nhà nước.
Một nội dung khác cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm là quy định "công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện theo quy mô quy hoạch hay phân kỳ đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc". Bởi, việc giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch sẽ làm tăng tổng mức đầu tư dự án ở giai đoạn phân kỳ, nhưng xét về tổng thể thì mang lại nhiều lợi ích cả về mặt kinh tế - xã hội và về tổ chức thực hiện dự án.
Cũng liên quan đến nội dung đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc, có ý kiến đề nghị cần cân nhắc quy định trong Dự thảo Luật Đường bộ về dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư vì chưa phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Thực tế thời gian qua, quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP gặp vướng mắc trong thực hiện một số dự án đầu tư đường cao tốc, vì nếu tính cả giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ hiện hữu vào tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án thì tỷ lệ vốn nhà nước thường cao hơn mức cho phép quy định tại Luật PPP nên rất khó thực hiện.
Về quy định phí sử dụng đường cao tốc, có ý kiến đề nghị đánh giá sự cần thiết quy định thu phí sử dụng đường cao tốc trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác; đánh giá tác động trong trường hợp thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Để bảo đảm sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến song hành, nếu sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn thì phải trả chi phí cao hơn, Thường trực UBQPAN cho rằng quy định thu phí sử dụng trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là phù hợp, không dẫn đến phí chồng phí. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị cho giữ quy định này (có chỉnh sửa cho chặt chẽ về nội dung và kỹ thuật lập pháp).
Tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất, tránh trùng lặp, mâu thuẫn
Liên quan đến quy định về hoạt động vận tải đường bộ, trong đó có các loại hình dịch vụ cung cấp phần mềm kết nối hành khách với tài xế, có ý kiến đề nghị xếp vào kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; ý kiến khác đề nghị quy định loại hình kinh doanh cung cấp ứng dụng phần mềm để kết nối hành khách với tài xế như Grab, Be hay Gojek là dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải.
Về vấn đề này, Thường trực UBQPAN nêu quan điểm: Tại Dự thảo Luật Đường bộ Chính phủ trình quy định về loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô căn cứ vào vai trò của chủ thể tổ chức hoạt động vận tải thông qua hai yếu tố chính là "điều hành phương tiện và lái xe" hoặc "quyết định giá cước vận tải". Trường hợp tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp ứng dụng kết nối cho bên thứ ba mà không trực tiếp tham gia điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước thì đã được quy định là dịch vụ hỗ trợ vận tải. Nội dung này được xây dựng trên cơ sở quy định của Nghị định 10/2020. Như vậy, nếu các tổ chức quản lý ứng dụng Grab, Be hay Gojek không tham gia hoạt động điều hành phương tiện và lái xe hoặc không tham gia quyết định giá cước vận tải thì không xác định là đơn vị kinh doanh vận tải. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị giữ quy định này như Dự thảo Luật (tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô cho các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại điện tử, giao dịch điện tử, pháp luật khác có liên quan).
Trước kỳ họp thứ 7 sắp tới, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát các quy định cụ thể của Dự thảo Luật Đường bộ để bảo đảm thống nhất với các luật như: Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Viễn thông; Luật Quảng cáo; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Đất đai và đặc biệt là Dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ.
Quan điểm của cơ quan thẩm tra là những nội dung đã được quy định đầy đủ, cụ thể trong pháp luật chuyên ngành thì không quy định lại trong Luật Đường bộ hoặc chỉ quy định theo hướng viện dẫn; những nội dung chưa được quy định hoặc pháp luật chuyên ngành chưa quy định cụ thể thì quy định cụ thể trong Luật Đường bộ nhưng không trùng lặp, mâu thuẫn với pháp luật chuyên ngành, để bảo đảm tính khả thi.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thì cần phải làm rõ: Luật Đường bộ điều chỉnh các vấn đề về quy hoạch đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, tổ chức vận tải giao thông đường bộ, hay nói gọn hơn là điều chỉnh về giao thông tĩnh. Luật Trật tự, ATGT đường bộ điều chỉnh về giao thông trên đường bộ, tức là giao thông động cơ bản.
Đối với quy định về hệ thống giao thông thông minh (điểm mới của Dự thảo Luật Đường bộ), có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về hệ thống giao thông thông minh thể hiện đầy đủ nội hàm, bao gồm các bộ phận cấu thành, chức năng, cơ chế quản lý, vận hành, khai thác... Tuy nhiên, theo Thường trực UBQPAN, hệ thống giao thông thông minh là nội dung mới trong thực tiễn quản lý giao thông ở Việt Nam và cả trên thế giới, quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh. Vì vậy, trong Dự thảo Luật chỉ quy định các nội dung mang tính nguyên tắc chung, các nội dung chi tiết được giao cho Chính phủ hướng dẫn để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, có ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông đối với đô thị loại 3, loại 4, loại 5 phải trên 20% để bảo đảm việc phát triển đô thị trong tương lai. Có ý kiến đề nghị tính cả phần công trình giao thông đi dưới mặt đất, xây dựng trên sông, hồ vì hiện nay cần mặt bằng và diện tích đó để xây dựng công trình giao thông.
Trong khi đó, đối với quy định về trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến, Thường trực UBQPAN cơ bản thống nhất với mục tiêu nhiệm vụ đã được xác định tại Quyết định số 165/QĐ-TTg nhằm tăng cường quản lý về an ninh trật tự, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Quyết định số 165/QĐ-TTg chưa xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện dự án. Nếu quy định đây là nội dung bắt buộc trong đầu tư xây dựng đường cao tốc sẽ tác động không nhỏ đến khả năng thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống đường cao tốc. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và đề nghị Chính phủ đánh giá tác động bổ sung đối với chính sách này.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã có 105 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu (trong đó có 80 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ; 24 ý kiến phát biểu và 1 ý kiến tranh luận tại Hội trường) về Dự án Luật Đường bộ. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật, cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.
Dự thảo Luật Đường bộ sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 6 Chương, 86 Điều, giảm 6 Điều so với dự thảo trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.