Một địa điểm xây dựng ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ẢNH: REUTERS |
Theo The New York Times, Đại lục đã vay rất nhiều tiền để xây dựng các thành phố, tạo ra những nhà máy sản xuất khổng lồ và nuôi dưỡng các thị trường tài chính với mục đích đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chính việc nợ nần này lại đang phản ứng ngược và đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cùng với sự trưởng thành của nền kinh tế, Trung Quốc đã phải dồn hết nợ để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, một tốc độ nhanh đến độ có thể là minh chứng cho sự không bền vững. Song số tiền mượn nợ ngày càng chảy vào các kênh hoạt động không rõ ràng bên ngoài hệ thống ngân hàng và tạo ra những tình huống khiến nước này dễ bị tổn thương nếu rủi ro tiềm ẩn bùng phát. Và đó là một trong những lý do mà Moody’s Investors Service, cơ quan xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới, đã phải phát đi tín hiệu báo động hôm 24.5 bằng cách hạ xếp hạng tín dụng của Đại lục lần đầu tiên trong gần 30 năm qua.
Theo các chuyên gia, vấn đề nợ của Trung Quốc đang được so sánh với tình trạng khó khăn của Nhật Bản vào đầu những năm 1990. Sau một thời gian dài được bơm hơi căng phồng, bong bóng tín dụng cuối cùng cũng đã nổ tung, và kể từ đó gây nên hàng thập niên tăng trưởng chậm chạp tại xứ sở mặt trời mọc. Được biết việc vay mượn nợ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu lên cao kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi sự tăng trưởng của thế giới suy yếu, Đại lục đã chống đỡ bằng cách phát động một làn sóng chi tiêu để xây dựng đường cao tốc, sân bay và đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, ngay cả sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất đã qua đi, đất nước đã chứng kiến được tốc độ phát triển nhanh chóng, Trung Quốc vẫn tiếp tục dựa vào nợ để tăng trưởng.
Các khoản vay xấu trong hệ thống tài chính Trung Quốc có thể lớn hơn gấp 10 lần so với mức mà giới chức nước này công bố. Đây là ý kiến của hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings.
Tại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo hàng đầu vào tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng ''sức khỏe'' của hệ thống tài chính là vấn đề an ninh quốc gia. “Tài chính là cốt lõi của nền kinh tế hiện đại. Chúng ta phải làm tốt công việc trong lĩnh vực tài chính để đảm bảo phát triển kinh tế ổn định và lành mạnh”, ông Tập Cận Bình nói. Nhưng trên thực tế, vấn đề nợ nần vẫn là bài toán khó giải cho Bắc Kinh khi các nhà chức trách đang phải loay hoay tìm cách để vừa kìm hãm nợ, vừa không làm giảm tốc độ tăng trưởng cũng như gây lo lắng cho các nhà đầu tư. Đặc biệt khi những nỗ lực mới nhất của chính phủ nhằm giảm rủi ro nợ nần đã gây ra sự bất ổn ở thị trường trong nước. Chi phí đi vay cao và sự méo mó bất thường trong việc cho vay cũng cho thấy “tính khí bất thường” của các nhà đầu tư về tăng trưởng.
Sau khởi đầu khá mạnh mẽ hồi đầu năm nay, nền kinh tế Đại lục đang có dấu hiệu hạ nhiệt. “Đường cong tăng trưởng kinh tế gần đây của Trung Quốc đi cùng với sự sụt giảm từ sự mất cân bằng. Điều này có thể gây ra rủi ro cho sự ổn định kinh tế và tài chính cơ bản”, Andrew Fennell, giám đốc xếp hạng nợ ở châu Á của Fitch Ratings, cho biết.
Theo The New York Times, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu công khai cảnh báo về các khoản cho vay đầu tư, điều tiết lỏng lẻo. Chiếm hơn một nửa hoạt động cho vay tổng thể của cả nước là các công ty tài chính phi ngân hàng, các ngân hàng nhỏ ở địa phương và các doanh nghiệp chưa hoặc không được kiểm soát cũng đều đang cố gắng để vượt qua thị trường tín dụng ngày càng mở rộng với mục đích thu lợi nhanh chóng của nước này.
“Tỷ lệ đòn bẩy từ vay nợ đang tăng lên không tốt cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế và một số rủi ro đã được tích tụ. Mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy quá cao, cần được kiểm soát”, Yi Gang, một trong các phó thống đốc cấp cao của ngân hàng trung ương Trung Quốc, nói vào tháng 3.2017.
Tóm lại, dựa vào nợ nần để đạt mục tiêu tăng trưởng đang là thách thức hơn là lợi thế của Trung Quốc. Nếu không có những biện pháp mạnh để kiểm soát thì mức nợ sẽ còn tiếp tục tăng, theo những cách không bền vững.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.