Hệ thống cân điện tử (tích hợp trên giá long môn) sẽ nhanh chóng đọc thông tin xe đi qua bằng hệ thống camera và tự động đo khối lượng, phân tích vi phạm của các xe vi phạm tải trọng. Ảnh: Nam Khánh |
Mạnh dạn đổi mới
Năm 2020 là một năm đầy biến động, đại dịch Covid-19 và thiên tai đã tác động mạnh mẽ đến ngành Đường bộ.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, Covid-19 đã làm cho sản lượng vận tải giảm rất lớn, nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn. Bên cạnh đó, thiên tai diễn biến khó lường với 14 cơn bão, đặc biệt là những tháng cuối năm tại các tỉnh miền Trung đã làm thiệt hại trên 600 tỷ đồng (bảo đảm giao thông bước 1). Tuy nhiên, trong khó khăn chung đó, ngành Đường bộ đã chủ động các giải pháp ứng phó, dám nghĩ, dám làm, ứng dụng nhiều công nghệ mới, vật liệu mới, cách làm mới vào thực tế.
“Đơn cử như việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long, chúng ta loay hoay về giải pháp trong một thời gian khá dài, có lúc đi vào bế tắc khi chuyên gia Nga không sang, cộng với giá thành đối tác đưa ra rất cao… Trước tình hình đó, Tổng cục ĐBVN đã mạnh dạn sử dụng công nghệ hàn plasma gia cố đinh neo trên bản cầu mặt thép, sử dụng bê tông siêu tính năng (UHPC) gia cường độ cứng cho bản mặt cầu. Đây không phải là công nghệ mới trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng tại Việt Nam, trên cầu bản thép”, ông Huyện chia sẻ.
Tổng cục ĐBVN đã phối hợp với các nhà khoa học đầu ngành về cầu bản thép, bảo vệ giải pháp kỹ thuật... trước khi trình Bộ GTVT triển khai lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, dám đầu tư công nghệ để sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Việc sửa chữa thành công mặt cầu Thăng Long khẳng định năng lực các chuyên gia, kỹ sư, nhà thầu Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm chủ các công nghệ tiên tiến, đồng thời thể hiện sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ Tổng cục ĐBVN.
Đối với lĩnh vực ATGT, Tổng cục ĐBVN đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động tại km78, QL5 và đã đưa vào thí điểm xử phạt gián tiếp từ ngày 15/8/2020, đạt hiệu quả cao, giảm chi phí đầu tư và hoạt động, kiểm soát được 100% xe quá tải, ngăn chặn tiêu cực. Đây là tiền đề để triển khai thủ tục lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và cầu Thăng Long. Hiện nay, Tổng cục đang nghiên cứu xây dựng Đề án kiểm tra tải trọng phương tiện bằng hệ thống cân tự động để làm cơ sở phạt gián tiếp xe quá tải...
Hoàn thiện thể chế
Cũng theo ông Huyện, bên cạnh những thành tựu về ứng dụng vật liệu mới, công nghệ mới vào các công trình hạ tầng đường bộ, trong năm 2020, Tổng cục đã tích cực rà soát, hoàn thiện văn bản QPPL. Luật Giao thông đường bộ 2008 sau hơn 10 năm thực hiện đã xuất hiện nhiều điểm không phù hợp với sự gia tăng phương tiện, rồi hạ tầng giao thông, thông lệ quốc tế... Tổng cục ĐBVN được Bộ GTVT giao chủ trì soạn thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã có những quy định mới, bao quát, đầy đủ để quản lý toàn bộ lĩnh vực GTVT đường bộ, hướng tới giao thông an toàn, thuận lợi cho mọi người dân, đồng thời tạo tiền đề phát triển bền vững lĩnh vực GTVT đường bộ.
Công tác cải cách hành chính năm qua tiếp tục được triển khai quyết liệt, đẩy mạnh rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến, kết nối các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của Bộ GTVT với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, được Chính phủ, Bộ GTVT đánh giá cao. Tổng cục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch quá trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng; đổi mới bộ đề sát hạch, bộ 600 câu hỏi, phần mềm sát hạch lý thuyết để chuyển giao cho các sở GTVT, cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe trên toàn quốc.
Tổng cục đã kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thực hiện dịch vụ công mức độ 3 đổi giấy phép lái xe quốc gia, mức độ 4 cấp giấy phép lái xe quốc tế trên phạm vi toàn quốc. Đây là hai trong tám dịch vụ công đầu tiên được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ngoài ra, Chương trình thu phí điện tử không dừng theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được chỉ đạo quyết liệt để giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đến nay, đã có 91 trạm thu phí trên toàn quốc được kết nối, vận hành thông suốt, đáp ứng tiến độ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, tạo sự thuận lợi cho người sử dụng.
Sữa chữa mặt cầu Thăng Long |
Chủ động đổi mới, sáng tạo
Chia sẻ về nhiệm vụ năm 2021, ông Huyện cho biết, đây là năm đầu tiên, năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) của Ngành, của đất nước. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong năm qua, năm 2021, Tổng cục sẽ hoàn thiện Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu đóng góp của các bộ, ngành và cơ quan chức năng; chủ động về tiến độ và hiệu quả công tác kế hoạch khi thực hiện cơ chế mới trong công tác lập, giao kế hoạch bảo trì theo đúng thời hạn quy định của Luật Ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý chất lượng công tác bảo dưỡng thường xuyên thông qua tuần đường, tuần kiểm, kiểm tra của các cấp. Đồng thời, Tổng cục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ quản lý trên phần mềm (Gov.one và các phần mềm khác), ứng dụng các thiết bị trong kiểm tra cầu đường; cập nhật thông tin quản lý cầu đường và kết cấu hạ tầng đường bộ.
Bên cạnh đó, bộ phận chức năng của Tổng cục xây dựng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để chuyển giao cho các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, dự kiến thực hiện từ ngày 31/12/2021. Tiếp đó là tập huấn và triển khai thực hiện hai quy chuẩn để các cơ sở đào tạo đầu tư thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe của học viên lái xe và thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe (ca-bin tập lái xe) theo lộ trình của Bộ GTVT. Thời gian tới, Tổng cục tiếp tục rà soát, xử lý các “điểm đen” mới phát sinh, điểm tiềm ẩn TNGT trong quá trình khai thác; tiếp tục kiểm tra, xử lý các vị trí gây mất ATGT; tiếp tục chỉ đạo các cục quản lý đường bộ, sở GTVT thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát tải trọng xe; phối hợp với các báo, đài tuyên truyền nâng cao nhận thức của lái xe, chủ xe, chủ hàng; hoàn thiện Đề án kiểm soát tải trọng phương tiện bằng hệ thống cân tự động, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở phạt gián tiếp xe quá tải; chủ động, kịp thời trong công tác phòng chống lụt bão, ứng cứu khắc phục nhanh các sự cố cầu đường. Tình hình dịch bệnh hiện vẫn là mối nguy cơ đe dọa nền kinh tế toàn cầu, đất nước và ngành GTVT cũng không là ngoại lệ. Do đó, ngành Đường bộ tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.