Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa bão gây ra, VNR yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổ chức theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên ngành về tình hình diễn biến thời tiết và các văn bản chỉ đạo điều hành của VNR để chủ động công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, thiết bị máy móc và vật tư dự phòng để kịp thời cứu chữa, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt do mưa bão gây ra, đảm bảo an toàn chạy tàu và giao thông vận tải đường sắt thông suốt.
Đồng thời, VNR cũng yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai khu vực phía Bắc tăng cường công tác kiểm tra các vị trí xung yếu; đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ trực, chốt gác các vị trí xung yếu tiềm ẩn nguy cơ chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu.
Ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt và Phân ban quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực 1 theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động tổ chức kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị tập trung nhân lực, vật tư để chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Các Công ty cổ phần đường sắt, cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt và các Chi nhánh khai thác đường sắt: Kiểm tra các vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn, gia cố đảm bảo an toàn; thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác tại các vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm; Tổ chức thường trực 24/24h để kịp thời chỉ đạo công tác khắc phục sự cố; lập phương án sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra khi có mưa lớn bão để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện, thiết bị, nhà xưởng và ATGT đường sắt; Trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động khi thực hiện nhiệm vụ ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Trung tâm điều hành vận tải theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để chủ động điều tiết hành trình chạy tàu tại ga xuất phát. Phối hợp với các Chi nhánh khai thác đường sắt rà soát các ga trên tuyến có đủ điều kiện phục vụ để có thể bố trí dừng tàu tránh mưa, bão hợp lý nhất; tuyệt đối không bố trí tàu chạy xuyên tâm bão. Chủ trì phối hợp với các Công ty cổ phần vận tải lập kế hoạch bố trí toa xe tại các khu vực có mỏ đá để kịp thời bốc xếp vật tư phục vụ công tác cứu chữa.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đến 7h ngày 7/9, vị trí tâm bão YAGI nằm trên khu vực vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16.
Từ ngày 7 - 8/9, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to kèm gió giật mạnh. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa bão có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách
VNR yêu cầu các đơn vị vận tải đường sắt có phương án ứng cứu, phương án chuyển tải hành khách, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, thuốc chữa bệnh đối với tàu khách, bảo quản hàng hóa ở những khu vực dễ xảy ra gián đoạn giao thông vận tải đường sắt do ảnh hưởng của mưa bão. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách, hàng hoá và phương tiện.
Chuẩn bị tốt hệ thống thông tin tại các ga và trên các đoàn tàu để kịp thời thông báo cho hành khách ở ga, trên các đoàn tàu được biết về diễn biến của mưa, bão và kế hoạch phải dừng tàu để tránh mưa, bão (nếu có) tạo sự yên tâm tuyệt đối cho hành khách. Phối hợp với Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt bố trí toa xe dự trữ phòng chống thiên tai.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.