Việc cấm xe máy không được xem là giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh minh họa |
Việc cấm xe máy không được xem là giải pháp hiệu quả
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 (VBF 2019), Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đã đề nghị xem xét lại việc cấm xe máy tại các thành phố lớn đến hết 2030.
Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam khẳng định việc cấm xe máy không được xem là giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tai nạn giao thông ở các thành phố lớn. “Việc cấm xe máy cũng có thể tạo ra thách thức lớn cho ngành sản xuất xe máy, vốn đã đầu tư dài hạn vào Việt Nam nhằm phát triển thị trường trong nước và quốc tế”, ông Tomaso Andreatta khẳng định.
Theo quan điểm của EuroCham, cơ quan quản lý địa phương nên xem xét thêm các giải pháp hiệu quả hơn, nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông trong các thành phố lớn. Đồng thời xét đến nhu cầu của người dân nhằm đề xuất quy hoạch tổng thể khả thi, giảm thiểu tối đa tác động đến đời sống hàng ngày và công việc của người dân và tránh hệ quả tiêu cực về kinh tế.
“Một trong những biện pháp có thể được thực hiện ngay lập tức để cải thiện tình hình là tập trung quản lý hoặc cấm xe máy cũ, vốn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Ngoài ra, các chương trình đào tạo, nâng cao ý thức của người dân về chấp hành quy định và an toàn giao thông cũng cần được triển khai”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đưa ra kiến nghị.
Trong dài hạn, EuroCham cũng đề xuất cơ quan quản lý thực hiện nghiên cứu, tham khảo và áp dụng thông lệ tốt nhất từ các quốc gia khác, nơi mà hệ thống giao thông công cộng và hạ tầng giao thông tiên tiến được sử dụng kết hợp hiệu quả với xe máy bằng cách áp dụng biện pháp khu vực hạn chế giao thông.
Cần đưa ra mức thuế nhập khẩu đối với xe điện nhập khẩu nguyên chiếc
Cũng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019, ông Tomaso Andreatta chia sẻ, tầng lớp trung lưu Việt Nam đang gia tăng, đô thị hóa ngày càng phát triển và người dân dần chuyển từ xe máy sang ô tô. Với hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành nội địa, xe điện đã trở thành một giải pháp chiến lược nhằm phát triển khả năng di chuyển trong các thành phố thân thiện với môi trường.
“Xe điện bao gồm một chuỗi hoàn chỉnh của các đơn vị cung cấp và các dịch vụ liên kết từ việc cung cấp và phân phối động cơ; trạm sạc và giao diện sạc; bộ pin bao gồm sạc, tái chế và tiêu hủy. Về bản chất, sản xuất xe điện đắt hơn nhiều so với sản xuất xe chạy bằng xăng hoặc bằng dầu diesel. Do đó, ưu đãi thuế quyết định khả năng tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp đó”, đại diện EuroCham phân tích.
Theo EuroCham, chuẩn bị và lập kế hoạch trước rất quan trọng trong việc xây dựng hiệu quả cơ sở hạ tầng sạc điện công cộng tại Việt Nam nhằm mang lại khả năng tiếp cận di động ngang tầm với các công nghệ truyền thống.
EuroCham kiến nghị Bộ Tài chính làm rõ định nghĩa tài chính và Mã HS cho từng định nghĩa ô tô - Xe điện chạy bằng pin (BEV), Xe điện lai sạc điện (PHEV), Xe điện có thể kéo dài quãng đường di chuyển (EREV) và Xe chạy bằng pin nhiên liệu (FCV) – định nghĩa áp dụng chính xác từng loại xe.
“Nhằm giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi sang xe điện ở các thành phố lớn tại Việt Nam, Bộ Tài chính cần đưa ra mức thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt hấp dẫn đối với xe điện nhập khẩu nguyên chiếc và xe điện lắp ráp nội địa”, EuroCham kiến nghị.
Liên quan đến xe máy, EuroCham một lần nữa khiếu nại về việc các sản phẩm xe máy cao cấp của các công ty xe máy (thuộc EuroCham) đang bị làm nhái.
Thông tin từ EuroCham cho biết, một số công ty đang kinh doanh các sản phẩm với hình thức giống các sản phẩm của các thương hiệu tên tuổi, khiến người dân nhầm lẫn với hàng chính hãng. Nhiều trường hợp, nhà sản xuất sản phẩm nhái không sao chép hoàn toàn mà thay đổi một số chi tiết trong trang trí sản phẩm khiến chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ gặp khó khăn trong vấn đề bảo hộ.
Do đó, EuroCham đề nghị Chính phủ Việt Nam cần thành lập thêm các trung tâm độc lập để thẩm định, xác định dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ trong các vụ việc tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ… Ngoài ra, cần có cơ chế cho phép chủ sở hữu trí tuệ phản biện các đánh giá của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng như lập các tòa án chuyên trách để xử lý các vấn đề này…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.