Giải ngân vốn giao thông cao hơn 6% trung bình cả nước

Tác giả: Hạ liên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 22/05/2020 06:54

Đến hết tháng 4/2020, Bộ GTVT đã giải ngân được 9.208 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 24,6% kế hoạch giải ngân cả năm. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt khoảng 18,1% kế hoạch năm.

Screen Shot 2020-05-10 at 8.57.42 AM
Máy móc hối hả thi công tạo khuôn đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Hoàn Anh

Giải ngân cao giữa mùa dịch covid-19

Theo Bộ GTVT, trong năm 2020, kế hoạch giải ngân của Bộ khoảng 37.438 tỷ đồng và đến nay Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch được 31.689 tỷ đồng, đạt 94,2% kế hoạch 2020 được giao. Đến hết tháng 4/2020, Bộ GTVT giải ngân được 9.208 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 24,6% kế hoạch giải ngân cả năm. Dự kiến trong tháng 5, Bộ sẽ giao tiếp 606,5 tỷ đồng của kế hoạch 2020 cho các nhóm dự án ODA, vốn trái phiếu chính phủ, vốn dự phòng chung kế hoạch 2016 - 2020.

Đánh giá về kết quả giải ngân, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ, kết quả giải ngân đã có chuyển biến tích cực, công tác kế hoạch dần đi vào nền nếp. Đặc biệt, nhóm các dự án đường sắt cấp bách cơ bản sẽ khởi công trong tháng 5 và tháng 6/2020.

Kết quả giải ngân kế hoạch lũy kế 4 tháng đầu năm cơ bản đang bám sát kế hoạch giải ngân chi tiết do các chủ đầu tư/ban QLDA lập, đạt khoảng 99,5% kế hoạch giải ngân chi tiết (9.208/9.250 tỷ đồng). Bên cạnh các chủ đầu tư/ban QLDA có kết quả giải ngân vượt kế hoạch đề ra như Tổng cục ĐBVN, Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 85, Ban QLDA Đường sắt thì cũng còn một số chủ đầu tư có kết quả giải ngân đạt thấp như Sở GTVT tỉnh Kon Tum và Sở GTVT tỉnh Hòa Bình. Các địa phương này hầu như chưa giải ngân kế hoạch 2020.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, mặc dù kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm đạt khá cao so với bình quân chung của cả nước song phần nhiều vẫn nằm ở hoàn ứng trước kế hoạch (khoảng 5.000 tỷ đồng), hoàn trả quỹ tích lũy trả nợ của 02 dự án BT (khoảng 1.334 tỷ đồng). Phần giải ngân cho giải phóng mặt bằng và các hợp đồng xây lắp chiếm tỷ trọng không lớn trong kết quả giải ngân.

Riêng tháng 5, công tác giải ngân của Bộ cần tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó tập trung ở nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Các đơn vị có dự án chiếm tỷ trọng giải ngân lớn trong tháng 5 gồm: Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Ban QLDA 7, Ban QLDA 85...

Trao đổi về vấn này, ông Lâm Văn Hoàng - Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 4, Ban đã giải ngân đạt 34% kế hoạch cả năm (1.310 tỷ đồng) và trong tháng 5 Ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giải ngân, nâng tỷ lệ giải ngân của đơn vị lên khoảng 43%. Đến tháng 6, Ban dự kiến sẽ giải ngân xấp xỉ 1.900 tỷ đồng, đạt gần 50% kế hoạch cả năm.

Được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của Bộ, năm 2020, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh được giao tổng số vốn lên tới 3.818 tỷ đồng. Số vốn này tập trung chủ yếu ở hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn và Nha Trang - Cam Lâm. Hiện nay, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị triển khai thi công đồng loạt. Còn dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sau khi có Công điện của Thủ tướng và sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GTVT, công tác giải phóng mặt bằng dự án có nhiều chuyển biến tích cực nhất là dự án tại địa phận tỉnh Khánh Hòa.

Tiếp tục tập trung giải ngân, đảm bảo tiến độ dự án trọng điểm

Để tiếp tục thúc đẩy giải ngân trong các tháng tiếp theo, Vụ trưởng Nguyễn Danh Huy cho rằng, chủ đầu tư/ban QLDA cần kiện toàn, tăng cường năng lực các phòng kế hoạch để thực hiện tốt công tác tham mưu xây dựng, điều hành kế hoạch được giao và phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT phải thường xuyên đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ những thủ tục đầu tư.

“Việc đánh giá kết quả hoàn thành kế hoạch cần dựa trên cơ sở tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư, tiến độ thi công, tiến độ thực hiện công tác giải ngân, thể hiện cụ thể qua kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng của từng dự án”, ông Huy cho biết.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, các cơ quan liên quan cần sớm có phần mềm quản lý các dự án, các đơn vị. Các ban QLDA trực tiếp báo cáo tiến độ thực hiện, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án thông qua phần mềm để lãnh đạo kịp thời nắm bắt và chỉ đạo. Triển khai được phần mềm này sẽ tạo được dây truyền chỉ đạo tập trung, hiệu quả cao.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết vừa ký phê duyệt Đề án Đổi mới công tác quản lý đầu tư, xây dựng trong lĩnh vực GTVT, có hiệu lực từ ngày 01/6. Bộ trưởng yêu cầu các ban QLDA tập trung nghiên cứu đề án chính thức, nghiên cứu những chức năng, nhiệm vụ để thực hiện tốt đề án nhằm nâng cao công tác quản lý đầu tư xây dựng. Các đơn vị phải quyết liệt, triển khai hiệu quả các dự án, đặc biệt là lãnh đạo các ban QLDA cần rà soát lại, xem xét kế hoạch giải ngân, giải quyết những vướng mắc mặt bằng để giải quyết được tiến độ triển khai.

“Hiện nay, chúng ta tập trung thúc đẩy triển khai đầu tư công nhưng các đơn vị phải chú ý thực hiện đúng trình tự, thủ tục và phải đảm bảo chất lượng công trình, phải đặt chất lượng công trình lên hàng đầu”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao như hoàn thành kế hoạch thu phí không dừng; đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm; công tác giải ngân phải được tiếp tục tập trung. “Từng cá nhân, tập thể, đơn vị phải tập trung làm tốt hơn nữa, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận