Giải pháp tăng cường kết nối đồng bộ hệ thống kết cấu HTGT khu vực duyên hải miền Trung

Tác giả: Phạm Hoài Chung

saosaosaosaosao
11/11/2015 10:33

Tăng cường kết nối kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) 9 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên là “động lực” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và tăng cường kết nối các chuỗi giá trị cung ứng trong khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung. Việc tăng cường kết nối KCHTGT trên cơ sở phát triển hành lang Đông - Tây và hành lang Bắc - Nam, đẩy mạnh phát triển vận tải đa phương thức, phát triển các trung tâm tiếp vận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy liên kết và hội nhập kinh tế của các tỉnh duyên hải miền Trung.

ThS. Phạm Hoài Chung

Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải 

Người phản biện:

TS: Trương Anh Tuấn

TS: Trần Văn Khảm

Tóm tắt: Tăng cường kết nối kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) 9 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên là “động lực” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và tăng cường kết nối các chuỗi giá trị cung ứng trong khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung. Việc tăng cường kết nối KCHTGT trên cơ sở phát triển hành lang Đông - Tây và hành lang Bắc - Nam, đẩy mạnh phát triển vận tải đa phương thức, phát triển các trung tâm tiếp vận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy liên kết và hội nhập kinh tế của các tỉnh duyên hải miền Trung.

Từ khóa: Kết cấu hạ tầng giao thông, duyên hải miền Trung.

Abstract: The enhancement of the connectivity of transport infrastructures in nine central coast provinces (i.e, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) plays a dynamic role to the socio-economic development of the Central Region as well as to the connection of supplying chains in the Central Coast Region. Along with developments of the North-South Corridor and East-West Corridor, it also strengthen the development of multi-modal transport activities and logistics centers supporting for the economic linkage and integration of the Central Coast Region of Vietnam. 

Keywords: Transport infrastructure, the Central Coast.

1. Thực trạng kinh tế - xã hội và GTVT khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung

1.1. Vị trí địa lý

Khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung bao gồm 9 tỉnh([1]), thành phố, trong đó có 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Khu vực có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung, Tây Nguyên, cả nước và quốc tế. Khu vực duyên hải miền Trung đóng vai trò trung gian trong việc giao lưu phát triển kinh tế giữa 2 miền Bắc, Nam.

1.2. Hiện trạng kết cấu hạ tầng GTVT

-Hệ thống giao thông đường bộ: Cơ bản đồng đều và phủ khắp hình thành các trục dọc, trục ngang cơ bản với hệ thống quốc lộ như: QL1, đường Hồ Chí Minh, QL8, 8B, 12A, 12C, 15, 15B, 15D, 9, 9B, 49, 14B, 14D, 14E, 14G, 24, 24B, 19, đường Trường Sơn Đông đã và đang được nâng cấp, hệ thống đường tỉnh, đường huyện và đường GTNT đã được quan tâm đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

- Hệ thống đường sắt quốc gia thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam, khổ 1.000mmm đoạn qua khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên; hệ thống các ga đã xuống cấp, nâng lực thiết bị xếp dỡ cũ, lạc hậu; hạ tầng giao thông kết nối chưa được quan tâm đầu tư.

- Hệ thống cảng biển: Có 5 cảng loại I (Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy nhơn), 7 cảng loại II: Xuân Hải, Quảng Bình, Cửa Việt, Thuận An, Quảng Nam, Sa Kỳ, Vũng Rô. Hầu hết các cảng đều có tình trạng chuẩn tắc luồng tàu chưa phù hợp với quy mô yêu cầu của cầu bến, chậm được cải tạo, nâng cấp, nạo vét duy tu không kịp thời.

- Hệ thống cảng hàng không: Có 6 cảng hàng không gồm 3 CHKQT (Đà Nẵng, Chu Lai, Phú Bài) và 3 CHKNĐ (Đồng Hới, Phù Cát, Tuy Hòa) đã được đầu tư cơ bản hiện đại, đáp ứng được nhu cầu đi lại.

- Hệ thống cảng, bến đường thủy nội địa: Có trên 40 sông suối nhỏ với tổng chiều dài khoảng 1.540km, trong đó khoảng 7 sông có khả năng khai thác vận tải; khả năng phát triển vận tải thủy nội địa thấp.

1.3. Hiện trạng kết cấu hạ tầng phục vụ kết nối

- Kết nối với các tỉnh trong khu vực

Việc kết nối các trung tâm đô thị trong khu vực cơ bản được đảm bảo chủ yếu qua QL1, đường Hồ Chí Minh và các trục ngang. Khả năng kết nối còn hạn chế do các tuyến đường bộ đang trong quá trình cải tạo, nâng cấp và trục đường ven biển chưa khép kín, chưa có đường cao tốc trong khu vực nên khả năng kết nối giữa các trục dọc rất hạn chế.

- Kết nối với các vùng khác (vùng phía Bắc, Nam Bộ, Tây Nguyên)

Kết nối chủ yếu thông qua các phương thức: Đường bộ, hàng không, đường sắt, đường biển. Thị phần vận tải đường bộ giữ vai trò chủ đạo (93,31% hành khách; 82,32% hàng hóa), còn lại là các phương thức khác chỉ đảm nhận thị phần nhỏ (hàng không 2,2% hành khách), đường sắt (4,49% hành khách; 1,21% hàng hóa).

- Kết nối với quốc tế (các nước Lào, Campuchia, Thái Lan…)

Khả năng kết nối quốc tế chủ yếu bằng đường bộ, đường biển, đường hàng không chủ yếu phục vụ vận tải hành khách, thông qua 3 cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai và các cửa khẩu, cảng biển để đón khách du lịch.

- Kết nối với các đầu mối vận tải

Kết nối giữa hệ thống đường bộ, đường sắt tới các cảng biển, sân bay, ga đường sắt, các khu kinh tế, khu công nghiệp thực sự còn rất nhiều hạn chế làm cản trở khả năng khai thác của các cảng, nhà ga, khu kinh tế.

1.4. Hiện trạng về vận tải

Giai đoạn 2008 - 2013 có tốc độ tăng trưởng vận tải cao, trong đó đường bộ vẫn chiếm thị phần chủ yếu (hàng hóa tăng 15,56%/năm và 11,22%/năm với hành khách), do đó, cần có các cơ chế chính sách điều tiết, tăng cường đầu tư kết nối hạ tầng nhằm hỗ trợ chuyển đổi phương thức vận tải biển, đường sắt nhằm hỗ trợ vận tải đường bộ.

2. Định hướng kết nối hạ tầng GTVT khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung

2.1. Những thuận lợi và khó khăn trong kết nối GTVT

2.2.1. Thuận lợi

- Hệ thống KCHT giao thông cơ bản hoàn thiện: Mạng lưới đường bộ phân bố đều gồm các trục dọc, trục ngang, đường cao tốc, đường vành đai và một số đoạn thuộc cao tốc Bắc - Nam: Thừa Thiên - Huế - Nha Trang, Quy Nhơn - Pleiku; 5 cảng biển lớn; 6 cảng hàng không.

- Hệ thống KCHT giao thông cơ bản hội nhập với các nước trong khu vực: Đã có cam kết tiêu chuẩn kỹ thuật các tuyến đường xuyên Á; các tuyến đường kết nối với khu vực các nước ASEAN có hệ thống báo hiệu bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

- Các cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư được rà soát, điều chỉnh kịp thời nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư, đặc biệt là cơ chế, chính sách thông thoáng để khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng giao thông.

2.2.2. Khó khăn

- Tính kết nối giữa các phương thức vận tải còn nhiều hạn chế, chưa được chú trọng đầu tư;

- Vốn đầu tư phát triển KCHT giao thông còn thiếu, khả năng huy động vốn còn thấp, đặc biệt là vốn đầu tư phát triển hệ thống GTVT địa phương;

- Thiếu cân bằng trong cơ cấu thị phần giữa các phương thức vận tải, vận tải đường bộ đảm nhận trên 80%;

- Năng lực của hệ thống cảng biển chưa được khai thác hết tiềm năng; thủ tục hành chính còn rườm rà (thủ tục thông quan, giao nhận, xếp dỡ…);

- Đường sắt kết nối với vận tải đường bộ kém; mặt bằng tại các nhà ga còn hạn chế, không có thiết bị xếp dỡ, thiếu dịch vụ hỗ trợ vận tải;

- Vận tải hàng không chủ yếu khai thác vận tải hành khách, vận tải hàng hóa không đáng kể.

2.2. Quan điểm kết nối hạ tầng giao thông vận tải

- Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của khu vực để phát triển hợp lý, bền vững hệ thống GTVT nhằm tạo đột phá, tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung, củng cố quốc phòng - an ninh, phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước và hội nhập quốc tế;

- Tăng cường năng lực xếp dỡ, tổ chức trung chuyển hợp lý, chú trọng kết nối hạ tầng tại các đầu mối vận tải lớn (nhà ga, cảng hàng không, cảng biển); đặc biệt chú trọng đến việc kết nối với hệ thống các cảng biển lớn trong khu vực;

- Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA, FDI đồng thời tập trung huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước theo hình thức BOT, BT, PPP để phát triển KCHT giao thông;

- Tăng cường kết nối KCHGT, tập trung giải quyết các “nút thắt” kết nối hạ tầng giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không, đường thủy nội địa) nhằm hình thành mạng lưới vận tải thông suốt;

- Dành quỹ đất hợp lý (15 - 26%) để phát triển KCHTGT cho giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, đồng thời có những giải pháp, chính sách đặc thù để huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển GTVT.

2.3. Mục tiêu kết nối

- Tăng cường khả năng kết nối KCHT tại các đầu mối vận tải lớn của khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung (cảng biển, nhà ga, điểm trung chuyển lớn);

- Điều chỉnh cơ cấu đảm nhận các phương thức vận tải trong khu vực theo cơ cấu hợp lý: Vận tải hành khách (đường bộ: 83 - 85%, đường sắt: 5,8 - 6,2%, hàng không: 8,8 - 9,2%); vận tải hàng hóa (đường bộ: 76 - 79%, đường sắt: 6 - 8%, đường biển: 14 - 16%, hàng không: 0,12 - 0,16%).

- Vận tải hành khách công cộng đô thị tại các đô thị trong khu vực như: TP. Huế, Đà Nẵng đến năm 2020 đạt 5% - 10%; các đô thị còn lại đạt 3 - 5%.

3. Nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm

3.1. Kết nối hạ tầng giao thông

3.1.1. Đường bộ: Phát triển8 hành lang vận tải

- Hành lang xương sống quốc gia: Hành lang ven biển Bắc - Nam (gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam, QL1A, đường bộ ven biển, đường sắt Bắc - Nam và đường ven biển); hành lang Bắc - Nam phía Tây (đường Hồ Chí Minh);

- Hành lang cửa ngõ quốc tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Nâng cấp, cải tạo KCHTGT 6 hành lang: Cầu Treo - QL8 - cảng Cửa Lò; cửa khẩu Chalo - QL12A - cảng Vũng Áng; Đà Nẵng - QL1A - QL9 - biên giới Việt - Lào; Đà Nẵng - QL14B - 14D - đường Hồ Chí Minh - Tây Nguyên; Dung Quất - QL24 - Tây Nguyên; Quy Nhơn - QL19 - Tây Nguyên.

3.1.2. Đường biển

- Tập trung nâng cấp hệ thống luồng vào cảng đối với hệ thống các cảng biển trong khu vực;

- Đầu tư, nâng cấp cải tạo các tuyến đường kết nối đến các cảng biển của khu vực (đặc biệt là tại nút, điểm giao cắt với đường chuyên dùng vào cảng với QL) như: Cảng Vũng Áng, cảng Đà Nẵng, cảng Chân Mây, cảng Quy Nhơn, đảm bảo các loại phương tiện đường bộ kết nối thuận lợi. Đầu tư hệ thống ICD hỗ trợ vận tải hàng hóa đường biển;

- Tiến hành nghiên cứu thí điểm tuyến vận tải ven biển từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh (với các điểm chuyển hướng Hòn Dấu - Hải Phòng, Cửa Lạch Trưởng - Ninh Bình, Mũi Bàng - Nghi Sơn - Thanh Hóa, Vũng Áng - Hà Tĩnh; sau đó rút kinh nghiệm phát triển các tuyến ven biển miền Trung tới phía Bắc và phía Nam.

3.1.3. Đường sắt

- Tập trung hiện đại hóa tuyến Bắc - Nam nhằm tăng cường khả năng vận tải hàng hóa, hành khách;

- Hiện đại hóa công tác xếp dỡ hàng hóa tại các ga đường sắt đầu mối (ga Đà Nẵng, ga Hà Tĩnh, ga Đông Hà, ga Huế, ga Diêu Trì, ga Quy Nhơn);

- Nghiên cứu xây dựng đường sắt điện khí hóa; đường sắt kết nối đến các cảng biển: Cảng Vũng Áng, cảng Đà Nẵng, cảng Dung Quất.

3.1.4. Hàng không

- Tăng cường năng lực kết nối giữa đường bộ với hàng không (bố trí các điểm đầu cuối các cảng hàng không;

- Bố trí thêm các tuyến xe buýt kết nối với các cảng hàng không (CHKQT Đà Nẵng, CHK Chu Lai, CHK Đồng Hới, CHK Phù Cát, CHK Tuy Hòa, CHK Phú Bài);

- Đầu tư hệ thống các cảng ICD và trung tâm logicstic: 5 cảng cạn gồm cảng ICD trên hành lang kinh tế đường 8, đường 12A; ICD trên hành lang kinh tế đường 9; ICD trên khu vực kinh tế Đà Nẵng - Huế, hành lang đường 14B; ICD trên Hành lang kinh tế đường 19 và trung tâm logistic tại khu vực tuyến đường Nam hầm Hải Vân.

3.2. Giải pháp trọng tâm để kết nối hạ tầng giao thông

3.2.1. Giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển KCHTGT

- Tích cực huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ các thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như BOT, BT, PPP; ưu tiên đầu tư một số công trình quan trọng cấp bách; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xúc tiến vận động nguồn vốn ODA, đẩy mạnh vận động các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp ODA để phát triển KCHTGT, nhất là các công trình lớn, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn;

- Phối hợp với địa phương nhằm tăng cường huy động nguồn lực đất đai để phát triển KCHTGT thông qua khai thác quỹ đất; cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ;

- Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn đối ứng các dự án ODA; bố trí đủ nguồn ngân sách để đầu tư một số công trình cấp bách, đặc biệt hệ thống cầu yếu và các công trình gia cố bền vững chống sạt lở;

- Thu hút các nhà đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức BOT, BT, PPP nhằm huy động tối đa nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước.

3.2.2. Giải pháp phát triển kết nối hạ tầng giao thông

- Xây dựng danh mục các dự án ưu tiên đầu tư cho từng phương thức vận tải theo tiêu chí ưu tiên cho danh mục các dự án đầu tư KCHT kết nối;

- Đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án giao thông kết nối KCHT của cảng biển, nhà ga, điểm trung chuyển và dự án nâng cấp cải tạo các nút giao thông giao cắt giữa đường chuyên dụng vào các cảng biển, nhà ga với hệ thống QL; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã có nguồn vốn để sớm đưa vào khai thác sử dụng, nhất là các dự án trọng điểm;

- Tăng cường liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong phát triển KCHT giao thông kết nối.

3.2.3. Giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ

- Tiếp tục nghiên cứu áp dụng công nghệ mới trong xây dựng công trình ngầm, xử lý nền đất yếu, công trình cầu vượt sông lớn, mặt đường cấp cao; nghiên cứu sử dụng vật liệu mới trong xây dựng đường giao thông phù hợp với điều kiện Việt Nam;

- Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, chuyển đổi quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, các định mức trong xây dựng cơ bản ngành GTVT phục vụ công tác quản lý nhà nước. 

Tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực xây dựng, khai thác, quản lý và  cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi.

3.2.4. Giải pháp nguồn nhân lực

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ theo dõi đầu tư xây dựng, cán bộ theo dõi hoạt động vận tải của các sở GTVT.

- Ban hành chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài làm việc cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận tải.

- Thành lập các trung tâm điều hành vận tải hàng hóa, hành khách nhằm phát huy tối đa khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải.

4. Kết luận

Phát triển, liên kết phát triển KCHGT, đặc biệt là giao thông hệ thống KCHTGT kết nối các phương thức vận tải tại khu vực 9 tỉnh duyên hải miền Trung là việc làm cấp thiết, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, đáp ứng nhu cầu vận tải cả ở hiện tại và trong tương lai lâu dài.

Việc phát triển KCHTGT sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, mở rộng giao lưu giữa khu vực với các vùng miền trong cả nước và với các nước ASEAN, GMS, góp phần hội nhập sâu rộng vào Tổ chức Thương mại thế giới trong thời gian tới. Đồng thời, việc phát triển KCHTGT không những là yêu cầu khách quan mà còn là công việc không thể bỏ qua trong giai đoạn hiện nay đối với các tỉnh thành trong khu vực. Hy vọng những ý kiến tham gia trên đây sẽ được nghiên cứu, trao đổi, xem xét, đưa một phần vào áp dụng trong thực tế.

Tài liệu tham khảo

[1]. Thủ tướng Chính phủ, số 1210/QĐ-TTg, Quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020.

[2]. Các Đề án tái cơ cấu vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường sắt, đường hàng không trên phạm vi cả nước đến năm 2020.

[3]. Các Quy hoạch phát triển GTVT chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không trên phạm vi cả nước.

[4]. Các Quy hoạch phát triển GTVT các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa - Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

[5]. Đề án tăng cường kết nối GTVT trong ASEAN.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận