Vì sao phải giám sát biến đổi khí hậu?
Trong Luật Khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu là một vấn đề thời sự. Sở dĩ phải đặt vấn đề giám sát biến đổi khí hậu bởi Việt Nam đã đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của thách thức này.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nếu nước biển dâng 01m, thì khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập; gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp; trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, những ảnh hưởng từ hạn hán, mưa lũ không theo quy luật tự nhiên sẽ khiến mùa màng thất bát, hệ thống công trình phải thay đổi kết cấu thiết kế, người dân sẽ phải tìm cách thay đổi sinh kế của mình…
Thực tế, trong khoảng 2 thập kỷ qua, biến đổi khí hậu mà biểu hiện cụ thể là những thiên tai bất thường đã ảnh hưởng đến Việt Nam. Đó là mưa lũ trái mùa, nắng nóng, rét kỷ lục, bão bất thường về cả cường độ, đường đi…
Giám sát biến đổi khí hậu để biết cách đối phó. Song từ việc giám sát, dự báo sớm, chúng ta có thể hoạch định các chính sách thích ứng, “sống chung với biến đổi khí hậu” và tìm ra các cơ hội từ thách thức này. Đó là cơ hội thay đổi công nghệ, thay đổi nền kinh tế. Tuy nhiên, để đề ra lộ trình cụ thể, việc giám sát, dự báo những thay đổi khí hậu phải rất kịp thời.
Giám sát biến đổi khí hậu như thế nào?
Theo Luật Khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu gồm 7 nội dung, đó là: Xây dựng, quản lý, khai thác trạm giám sát biến đổi khí hậu và cơ sở dữ liệu về giám sát biến đổi khí hậu; thu thập thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn quan trắc tại mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng và các thông tin, dữ liệu có liên quan; xây dựng bộ chuẩn khí hậu quốc gia; phân tích, đánh giá, theo dõi những biểu hiện của biến đổi khí hậu; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến thiên tai, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống, hoạt động kinh tế - xã hội và các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực; đánh giá các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá khí hậu quốc gia; xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu.
Theo đó, trên cơ sở thiết lập được hệ thống dữ liệu về biến đổi khí hậu, các nhà khoa học, nhà quản lý sẽ định kỳ xây dựng, công bố kịch bản biến đổi khí hậu, đánh giá khí hậu quốc gia.
Kịch bản biến đổi khí hậu cung cấp các thông tin: Công bố của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và đánh giá của Việt Nam về biểu hiện của biến đổi khí hậu trong khu vực, trên thế giới; biểu hiện của biến đổi khí hậu tại Việt Nam; kết quả đánh giá các kịch bản biến đổi khí hậu kỳ trước; thay đổi về nhiệt độ, mưa, độ ẩm, nước biển dâng và các yếu tố khí tượng thủy văn khác tại Việt Nam trong tương lai theo các giả định…
Theo Luật, kỳ đánh giá khí hậu quốc gia là 10 năm và có thể được điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết.
Đánh giá khí hậu quốc gia phải đánh giá được hiện trạng khí hậu Việt Nam đến năm cuối của kỳ đánh giá; dao động khí hậu và biến đổi của khí hậu Việt Nam so với lịch sử, kỳ đánh giá trước đó và so với bộ chuẩn khí hậu quốc gia và quốc tế. Báo cáo này còn ghi nhận tác động của khí hậu và biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, báo cáo còn công bố kết quả của hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và đánh giá được mức độ phù hợp của kịch bản biến đổi khí hậu, việc sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu
Để giám sát biến đổi khí hậu hiệu quả, quan trọng là xây dựng hệ thống quan trắc giám sát và bộ cơ sở dữ liệu.
Để thực hiện giám sát, mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường đóng vai trò nòng cốt. Trong tương lai, hệ thống này cần được tăng dày mật độ. Theo quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, số trạm quan trắc sẽ tăng hơn 2 lần so với hiện nay. Cụ thể, hiện nay cả nước có 3.283 trạm quan trắc, điểm quan trắc và công trình quan trắc thì đền 2020 sẽ tăng lên 7.132 trạm.
Đến năm 2025, số trạm quan trắc sẽ tăng lên 8.716 trạm, tăng 22% so với giai đoạn trước. Đến năm 2030, mạng lưới quan trắc cả nước có 9.449 trạm. Ngoài ra, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 10 phòng thí nghiệm phục vụ công tác quan trắc tài nguyên và môi trường.
Ngoài tăng số trạm, ngành Tài nguyên và Môi trường còn tập trung tăng cường năng lực truyền tin giữa các trạm quan trắc, các trung tâm xử lý và quản lý dữ liệu tài nguyên và môi trường; tạo lập, quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường; nâng cấp, hiện đại hóa các trung tâm xử lý và quản lý dữ liệu tài nguyên và môi trường, các phòng phân tích thí nghiệm phục vụ hệ thống mạng quan trắc.
Khi có hệ thống quan trắc dày đặc, thu thập được một hệ dữ liệu đầy đủ, cùng với việc phát triển các công nghệ quan trắc hiện đại, các mô hình xử lý dữ liệu mạnh, việc giám sát khí hậu sẽ hỗ trợ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.