Giám sát về bảo đảm TTATGT: Vi phạm nồng độ cồn và quy tắc giao thông chiếm tỷ lệ lớn

Tác giả: L.Chi

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 23/04/2024 15:22

Báo cáo kết quả bước đầu giám sát cho thấy, từ năm 2009 đến hết năm 2023, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý 68.798.988 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm về nồng độ cồn và không chấp hành quy tắc giao thông chiếm tỷ lệ lớn.

Mạng lưới giao thông đường bộ ngày càng phát triển, TTATGT chuyển biến tích cực

Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023" về lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Đoàn giám sát đã thành lập 3 Đoàn công tác trực tiếp tiến hành giám sát tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Giám sát về bảo đảm TTATGT: Vi phạm nồng độ cồn và quy tắc giao thông chiếm tỷ lệ lớn- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Về lĩnh vực giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Đảng đã kịp thời ban hành các chủ trương, các văn bản chỉ đạo, Quốc hội đã ban hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Chính phủ, các bộ chức năng đã ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Qua hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, mức sống của người dân được cải thiện từng bước, đồng thời là sự tăng mạnh về số lượng phương tiện tham gia giao thông và nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt là tại các khu đô thị lớn, mật độ dân số quá cao ở khu vực trung tâm, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đảm bảo trong khi các loại hình vận tải công cộng còn hạn chế, dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải còn thiếu gây khó khăn trong việc tổ chức giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, một số vấn đề tồn tại, phát sinh chưa được giải quyết triệt để. Những đặc điểm, tình hình trên đã tác động đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong thời gian qua.

Qua xem xét báo cáo của Chính phủ, các bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đoàn giám sát thấy rằng, sau khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được ban hành và có hiệu lực, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đã đạt được một số kết quả nổi bật. Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông đường bộ đã cơ bản được triển khai thực hiện tốt, cơ bản duy trì thường xuyên liên tục, đa dạng về hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng khác nhau; đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay, tạo sự lan tỏa tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông trong cộng đồng. Công tác bảo đảm TTATGT đường bộ tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; công tác kiểm tra đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật gắn với công tác thi đua khen thưởng trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Mạng lưới giao thông đường bộ trên phạm vi cả nước ngày càng được phát triển, thông suốt, nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp... trong đó đã tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Giám sát về bảo đảm TTATGT: Vi phạm nồng độ cồn và quy tắc giao thông chiếm tỷ lệ lớn- Ảnh 2.

Từ năm 2009 đến hết năm 2023, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý 68.798.988 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm về nồng độ cồn và không chấp hành quy tắc giao thông chiếm tỷ lệ lớn

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm "nồng độ cồn", quá tải trọng, xe "cơi nới" thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.

Tình hình TTATGT đường bộ có những chuyển biến tích cực, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao, số vi phạm có xu hướng giảm, nhất là vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện.

Qua đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm, đặc biệt là số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế.

Theo báo cáo, Đoàn giám sát đánh giá cao Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo đối với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ; điều tra, giải quyết TNGT, xử lý "điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT" đường bộ; khắc phục ùn tắc giao thông đường bộ; tổ chức cứu nạn, cứu hộ giao thông đường bộ.

Từ năm 2009 đến hết năm 2023, Lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý 68.798.988 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước 42.170 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 5.300.856 trường hợp, tạm giữ 9.086.184 phương tiện; Thanh tra giao thông các cấp đã thực hiện 1.058.206 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 1.524.752 trường hợp vi phạm với số tiền trên 3.426 tỷ đồng; tạm giữ 7.505 ô tô.

Trong đó vi phạm về nồng độ cồn và không chấp hành quy tắc giao thông chiếm tỷ lệ lớn. Bộ Giao thông vận tải đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; kiểm tra việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại các địa phương, qua đó đã chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải.

Đề nghị đưa giảng dạy về TTATGT vào trường học từ sớm

Giám sát về bảo đảm TTATGT: Vi phạm nồng độ cồn và quy tắc giao thông chiếm tỷ lệ lớn- Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận

Tại phiên họp, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Đoàn Giám sát đánh giá thêm 2 nội dung, trong đó nhấn mạnh về vấn đề ý thức của người tham gia giao thông. Theo bà Lê Thị Nga, ý thức của người tham gia giao thông cơ bản tốt nhưng vẫn có một bộ phận có ý thức rất kém, sẵn sàng vượt đèn đỏ, vi phạm.

"Không có gì ngạc nhiên khi vẫn là con người đó, nếu ra nước ngoài thì chấp hành rất tốt quy định TTATGT ở nước ngoài, còn trong nước thì cứ vi phạm. Điều đó chứng tỏ hệ thống xử lý của chúng ta là không nghiêm", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói và đề nghị đưa giảng dạy về TTATGT vào trường học từ sớm để rèn luyện ý thức của người tham gia giao thông cho các em học sinh ngay từ nhỏ.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Đoàn giám sát đánh giá về tiêu cực trong lĩnh vực TTATGT đường bộ hiện nay. "Lâu nay, người dân rất phàn nàn về tiêu cực của CSGT, TTGT và đăng kiểm. Chúng tôi đề nghị trong lần giám sát này cũng đánh giá liệu hiện nay còn tiêu cực trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT nữa không. Đề nghị làm rõ để có giải pháp khắc phục", bà Lê Thị Nga nói.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, tuy là báo cáo bước đầu kết quả giám sát nhưng đã có chất lượng tốt, kể cả về tư liệu, cách tiếp cận, cách viết, cách thể hiện các báo cáo đầy đủ, báo cáo tóm tắt và dự thảo nghị quyết chuyên đề giám sát.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc tập trung hoàn thiện một bước Báo cáo kết quả giám sát kết hợp với trình Quốc hội xem xét thông qua 2 dự án Luật Đường bộ và dự án Luật TTATGT đường bộ tại Kỳ họp thứ 7 tới sẽ có ý nghĩa rất lớn.

Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn Giám sát làm rõ thêm về việc sản xuất, nhập khẩu, quản lý, đăng kiểm các phương tiện giao thông nói chung; các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đối với kết cấu hạ tầng giao thông; đánh giá phân kỳ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục củng cố các căn cứ, cơ sở khoa học thực tiễn để đưa ra những kiến nghị, đề xuất hợp lý trong quản lý và tổ chức vận hành giao thông thông minh…

Trong đó, về phân kỳ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Chủ tịch Quốc hội phân tích, do nguồn lực không đủ để chúng ta đầu tư một lần nên phải phân kỳ đầu tư nhưng như vậy vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu về vận hành, khai thác và bào đảm ATGT.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ động triển khai hoạt động giám sát, tổ chức các đoàn công tác giám sát trực tiếp tại 12 tỉnh, thành phố để tổng hợp thông tin. Báo cáo kết quả bước đầu đã tương đối đầy đủ, đạt chất lượng tốt.

Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan chưa có báo cáo kịp thời bổ sung để hoàn thiện báo cáo đầy đủ cả 4 lĩnh vực đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an để hoàn thiện các nội dung như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần đánh giá quá trình tổng kết đề xuất xây dựng các luật liên quan đã phù hợp chưa; làm rõ nội dung sản xuất, nhập khẩu, quản lý, đăng kiểm phương tiện giao thông gắn với kiểm định khí thải; đầu tư mạng lưới giao thông, giải quyết mối quan hệ giữa phân kỳ đầu tư và bảo đảm giao thông thông suốt, kết nối các loại hình giao thông, đầu tư đồng bộ công trình phụ trợ…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu các ý kiến đã nêu, hoàn thiện báo cáo bước đầu với những kiến nghị cụ thể để gửi các đại biểu Quốc hội, cung cấp thêm thông tin cho việc thảo luận, xem xét dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Ngoài những mặt tích cực, báo cáo giám sát cũng chỉ ra, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch giao thông đường bộ, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn còn nhiều hạn chế; nhiều quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vận tải, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ có tính ổn định chưa cao do chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của thị trường vận tải thực tế chậm được sửa đổi, bổ sung; công tác xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch chưa sát với yêu cầu thực tiễn, áp dụng trong thời gian ngắn đã phải điều chỉnh hoặc thay thế.


Ý kiến của bạn

Bình luận