Giao thông miền Nam khoác áo mới sau 47 năm giải phóng

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao

Sau 47 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2022), bức tranh hạ tầng giao thông phía Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ. Nhiều công trình giao thông tiêu biểu hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

Hạ tầng giao thông phía Nam không ngừng phát triển   và hoàn thiện sau 47 năm giải phóng

Hạ tầng giao thông phía Nam không ngừng phát triển và hoàn thiện sau 47 năm giải phóng

Giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế

Vượt qua nhiều giai đoạn thăng trầm, TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng khai phá và hoàn thiện nhiều tuyến đường, mở rộng hệ thống giao thông, tạo diện mạo mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.

Những công trình giao thông hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần rút ngắn khoảng cách đi lại, thông thương hàng hóa, cụ thể như: Nút giao thông ngã 3 Cát Lái (TP. Thủ Đức) nằm ở điểm đầu Đại lộ Đông - Tây kết nối với Xa lộ Hà Nội; Đại lộ Mai Chí Thọ (từ Xa lộ Hà Nội về đến hầm vượt sông Sài Gòn, phía Quận 2) dài 9 km, mặt đường rộng 140 m; hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng Đại lộ Đông - Tây của TP. Hồ Chí Minh; toàn tuyến Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với tổng kinh phí hơn 16.000 tỷ đồng, là một trong những con đường hiện đại bậc nhất TP. Hồ Chí Minh và cả nước; Đại lộ Nguyễn Văn Linh thuộc đường Vành đai 2 với chiều dài toàn tuyến là 17,8 km, gồm 10 làn xe, trong đó 6 làn xe nhanh, 4 làn xe hỗn hợp; cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng lớn nhất TP. Hồ Chí Minh bắc qua sông Sài Gòn nối TP. Thủ Đức và Quận 7 (thuộc đường Vành đai 2) có tổng mức đầu tư 2.076 tỷ đồng, dài hơn 2.000 m, được xem là biểu tượng của thành phố.

Hai công trình nổi bật, có vai trò quan trọng trong việc kết nối khu vực Đông - Tây với thành phố là tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Trong đó, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây ở cửa ngõ phía Đông dài hơn 55 km, được thông xe đầu năm 2015 với tổng mức đầu tư 20.600 tỷ đồng giai đoạn 1. Tuyến cao tốc giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian từ TP. Hồ Chí Minh tới Vũng Tàu và các tỉnh phía Bắc. Còn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương dài 62 km được xem là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP. Hồ Chí Minh với khu vực Tây Nam Bộ. Công trình được thi công năm 2004 và đưa vào sử dụng năm 2010, đây là dự án cao tốc đầu tiên ở khu vực phía Nam.

Ngoài các tuyến giao thông huyết mạch trên, Đại lộ Phạm Văn Đồng được đánh giá là một trong những tuyến đường đẹp nhất của TP. Hồ Chí Minh với chiều dài khoảng 13,6 km, rộng từ 30 - 65 m, thuộc tuyến đường Vành đai số 1 kéo dài từ sân bay Tân Sơn Nhất đến ngã tư Linh Xuân, TP. Thủ Đức...

Bên cạnh những công trình hiện hữu, đang được vận hành, nhiều công trình trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh cũng đang dần về đích. Đầu tiên là tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km, có lộ trình đi qua Quận 1, quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức và TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.

Tiếp đó, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp làm giảm áp lực giao thông trên QL1 và rút ngắn thời gian đi từ Long An đến TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần kết nối giao thông liên vùng miền Tây và Đông Nam Bộ, không cần đi qua TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cầu Thủ Thiêm 2 với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào dịp lễ 30/4 sẽ kết nối giao thông trung tâm thành phố với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn và đường hầm vượt sông Sài Gòn...

 Hơn 533.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Nhu cầu vốn để xây dựng hạ tầng giao thông của TP. Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2025 cần hơn 533.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là hơn 218.239 tỷ đồng và vốn khác (ODA, PPP...) là 315.290 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, TP. Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực khép kín 3 đường Vành đai 2, 3 và 4.

Bên cạnh đó, các tuyến quốc lộ kết nối với thành phố như QL22 (nối Tây Ninh), QL13 (nối Bình Dương), QL50 (nối Long An) và QL1 cũng sẽ được đầu tư, mở rộng trong thời gian tới. Riêng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài cũng sẽ phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, song song với đó là mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đây là các trục giao thông chính không chỉ giải quyết việc phân luồng xe tải nặng không vào nội thành mà còn rút ngắn thời gian đi lại giữa thành phố và các tỉnh lân cận.

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương và Ban QLDA Mỹ Thuận có ý kiến về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án, đồng thời kiến nghị về việc phân chia dự án thành phần, giao thành phố thực hiện dự án đầu tư đường Vành đai 3”.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh đánh giá: “Thời gian qua, thành phố được đầu tư hạ tầng mạnh nhất so với các khu vực khác. Hàng loạt dự án hạ tầng lớn đã và đang được hình thành. Các công trình hạ tầng giao thông đã đưa thành phố lên tầm cao mới, có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tầm chiến lược. Có thể nói, với định hướng quy hoạch và sự hoàn thiện về hạ tầng, giao thông đô thị sẽ tạo một lực đẩy mạnh mẽ làm thay đổi bộ mặt thành phố mang tên Bác, trở thành đô thị hiện đại, xứng tầm thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Theo ông Phúc, trong năm 2022, 4 dự án hạ tầng giao thông lớn tại phía Nam có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng sẽ được khởi công như: Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 200 km, được chia thành 3 đoạn đầu tư; tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có quy mô 4 làn xe và chiều dài 66,3 km, trong đó có 11 km đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai với tổng mức đầu tư dự án khoảng 16.220 tỷ đồng; dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73,5 km sẽ được đầu tư với 4 làn xe, chiều rộng 17 m ở giai đoạn 1, giai đoạn hoàn thiện nền đường tuyến cao tốc sẽ tăng lên 24,7 m với tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ hơn 11.300 tỷ đồng, theo phương thức PPP; dự án cầu Rạch Miễu 2 bao gồm cầu vượt luồng chính sông Tiền và cầu vượt sông Mỹ Tho, bề rộng cầu thiết kế 4 làn xe cơ giới, phần đường thiết kế tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng.

Ngoài ra, các dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và mở rộng QL50 là những dự án sẽ được đẩy nhanh triển khai trong những năm tới với kỳ vọng sẽ kết nối hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận