Grab tăng cước "tát nước theo giá xăng" là trục lợi hành khách, tài xế?

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 18/03/2022 15:37

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Grab lợi dụng xăng dầu tăng giá để tăng cước là đang trục lợi từ hành khách và tài xế.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Grab áp dụng tăng giá cước là đang trục lợi từ hành khách và tài xế

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Grab áp dụng tăng giá cước là đang trục lợi từ hành khách và tài xế

Sau khi Tạp chí GTVT ngày 17/3 đăng bài: “Tài xế Grab tắt app đình tài đòi giảm chiết khấu”, PV đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của đội ngũ tài xế, dư luận và chuyên gia kinh tế.

Trong nhóm tài xế xe công nghệ, tài khoản Trần Phát Đạt bình luận dưới bài viết: “Grab tăng giá cước, khách chuyển sang đi các hãng xe khác hoặc taxi truyền thống, chỉ anh, em tài xế “đói” giảm thu nhập. Miếng bánh người ta ăn quen rồi, ai muốn ăn ít lại bao giờ. Câu chuyện buồn, thật rầu. Chưa kể giá cước lên thì tài xế lại bị đánh thuế thu nhập cá nhân. Chạy càng nhiều thì thuế càng cao, bóc lột tận cùng người lao động”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích: “Việc Grab tăng giá cước thì khách hàng là người gánh chịu, Grab cần làm rõ phần tăng thêm được dùng để bù đắp giá xăng hay để làm gì. Nếu Grab lấy lý do xăng tăng giá để tăng giá cước thì hãng xe phải chia lại phần chi phí tăng thêm này cho tài xế thông qua việc giảm chiết khấu, như thế mới phù hợp theo tỷ lệ ăn chia".

Ông Hiển cho rằng, giá xăng tăng, Grab không bị ảnh hưởng gì, đã không chia sẻ với khách hàng và tài xế mà ngược lại còn được hưởng lợi, trong khi tài xế là người trực tiếp gánh chi phí giá xăng tăng mà không được hưởng gì. 

Theo ông Hiển, hành động tài xế tắt app là phản ứng tự nhiên tạo dư luận để hành khách thấy được sự tăng giá không hợp lý của Grab và nếu Grab không có tỉ lệ ăn chia hài hòa với tài xế thì sẽ mất hình ảnh, thương hiệu.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thị trường khó khăn, việc Grab tăng giá cước cần có sự tính toán để hài hòa lợi ích giữa hãng xe, tài xế xe và khách hàng sử dụng dịch vụ. Nếu hãng xe công nghệ tăng giá cước cao quá thì các cơ quan chức năng có thể vào cuộc xem xét, có ý kiến để bảo vệ người tiêu dùng.

Trước những bức xúc của tài xế và hành khách, PV Tạp chí GTVT đã liên hệ, đặt nhiều câu hỏi đối với Grab về việc tăng giá cước, mức giảm chiết khấu cho tài xế. Tuy nhiên, ngày 18/3, đại diện truyền thông Grab chỉ trả lời ngắn gọn: “Grab sẽ tiếp tục theo dõi các biến động của thị trường để có thể thực hiện những chương trình phù hợp trên cơ sở cân bằng lợi ích cho các đối tác tài xế và người dùng”.

Trước đó, ngày 10/3, hãng xe công nghệ Grab áp dụng tăng giá cước mới. Theo đó, đối với 2km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP. HCM tăng từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng; xe 7 chỗ từ 32.000 đồng lên 34.000 đồng (tăng 2.000 đồng). Mỗi km tiếp theo của hai dịch vụ này là 10.000 đồng (tăng thêm 500 đồng). Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000 - 2.500 đồng cho 2 km đầu tiên và tăng khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.

Với dịch vụ GrabBike tại Hà Nội, giá 2 km đầu tiên tăng lên 13.500 đồng (tăng 1.500 đồng), mỗi km sau đó là 4.300 đồng (tăng 300 đồng). Mức cước dịch vụ này tại TP. HCM cũng tăng lên 12.500 cho 2 km đầu tiên và 4.300 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Ý kiến của bạn

Bình luận