Cần nhiều giải pháp tổng thể, đồng bộ
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, TP. Hà Nội phối hợp với Bộ GTVT quyết liệt triển khai hàng loạt giải pháp gỡ “nút thắt” trước thực trạng UTGT ở Thủ đô. Nhiều giải pháp đã phát huy hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng trên. Tuy nhiên, trước vấn nạn thiếu HTGT, tình trạng UTGT trên địa bàn Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp. Để giải quyết triệt các vấn đề trên, Thành phố cần có giải pháp đồng bộ, mang tính tổng thể với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và sự đồng thuận của người dân.
Theo chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy, hiện chúng ta đang thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau đó mới quy hoạch giao thông, điều này là chưa hợp lý trong khi các nước phát triển thực hiện quy hoạch tích hợp, giao thông gắn liền với sử dụng đất. Bên cạnh đó, nhiều dự án của Thủ đô đầu tư không theo quy hoạch trong khi tầm nhìn quy hoạch không dài, lại không tuân thủ nghiêm túc trong quản lý quy hoạch.
Ông Bùi Danh Liên - chuyên gia về ngành vận tải cho rằng, để giải bài toán quá tải HTGT, UTGT của Hà Nội không thể một sớm một chiều. Bài toán này cần có sự tham gia đồng bộ của nhiều bộ, ngành và của cả người tham gia giao thông. Tất cả các giải pháp cần lấy ý kiến phản biện của nhân dân, giải quyết thấu đáo các phản biện trước khi thực hiện, tránh tình trạng dự án được đầu tư kinh phí lớn, thời gian kéo dài song hoạt động lại chưa hiệu quả.
ThS. Phan Trường Thành - người từng có nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Xây dựng nêu quan điểm, muốn giải quyết cơ bản, triệt để vấn đề quá tải HTGT, UTGT, Hà Nội cần kết hợp cả hai nhóm giải pháp “cứng” và “mềm”. Theo ông Thành, giải pháp “mềm” là sử dụng cả chế tài hành chính lẫn kinh tế nhằm kiềm chế sự gia tăng, dần dần tiến tới giảm bớt tần suất lưu thông của phương tiện cá nhân; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Đối với nhóm giải pháp “cứng”, cần phải có những giải pháp quy hoạch lại cấu trúc tổng thể, mở rộng không gian giao thông thông qua việc kéo giãn mật độ đô thị.
Xung quanh vấn đề này, ông Thành chỉ ra rằng hiện Hà Nội có thể khai thác quỹ đất đô thị dành cho giao thông theo hai hướng. Một là, với khu vực nội đô nên tập trung khai thác không gian ngầm với việc đầu tư, xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, bãi đỗ xe ngầm… Không gian trên cao cũng có thể hướng tới khai thác nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn tại khu vực lõi đô thị.
Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội cần nhanh chóng hoàn tất việc di chuyển một số trụ sở của cơ quan, ban, ngành, trường học, bệnh viện ra khỏi lõi đô thị; đưa các điểm thu hút đông người dân đi - đến ra các vùng còn quỹ đất rộng, giảm mật độ giao thông ở vùng “nóng” trung tâm, phân bổ đều áp lực trên toàn địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, Thành phố cần nhanh chóng hình thành các đô thị vệ tinh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, HTGT hoàn chỉnh, đủ năng lực đáp ứng giao thương, kết nối nội bộ và liên vùng. Các đô thị vệ tinh này vừa có ý nghĩa quan trọng đối với việc phân bố đều mật độ dân cư, giảm tải về giao thông; vừa kích thích sự phát triển đồng bộ, song hành giữa nội và ngoại thành Hà Nội.
Nỗ lực thực hiện
Ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội xác định giải quyết áp lực cho HTGT, UTGT là nhiệm vụ quan trọng. Từ đầu tháng 12/2015, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua kế hoạch điều chỉnh một số bất cập trong việc cải thiện HTGT, giảm ùn tắc và TNGT cho Hà Nội với kinh phí 2.167 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020.
Mục tiêu của giai đoạn này là triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tai nạn, UTGT trong khu vực và trên tất cả các trục hướng tâm chính ra vào nội đô, các đường Vành đai 1, 2 và 3, các khu vực đầu mối giao thông. Theo đó, phấn đấu giảm tối thiểu 40 điểm UTGT và không để xảy ra tình trạng UTGT kéo dài trên địa bàn; mỗi năm sẽ giảm TNGT từ 5 - 15% trên cả 3 tiêu chí.
Năm 2017, Hà Nội đã tích cực triển khai Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”. Với đề án này, Thành phố cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, kêu gọi người dân hiến kế giải quyết vấn đề quá tải HTGT, UTGT cho Thủ đô, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng, mà cụ thể là phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT, hệ thống đường sắt đô thị… Giải pháp “mềm” chuyển đổi dần nhu cầu, ý thức của người dân từ việc chuyển đổi xe máy, xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng. Phát triển đô thị theo hình thức TOD, tức là phát triển các điểm khớp nối giao thông, phát triển theo định hướng ưu tiên giao thông công cộng. Lộ trình để thực hiện những chiến lược trên theo thứ tự các chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Sở GTVT TP. Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan đang tham vấn ý kiến chuyên gia để sớm áp dụng ý tưởng này vào thực tiễn.
Cũng theo ông Tuấn, trong năm 2018, Thành phố sẽ thực hiện hàng loạt giải pháp phấn đấu không để xảy ra UTGT quá 30 phút, xóa bỏ thêm 10 điểm UTGT, hạn chế và giải quyết kịp thời điểm ùn tắc mới phát sinh; giảm 5 - 10% TNGT trên cả 3 tiêu chí so với năm 2017. Sở GTVT chủ động phối hợp, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách, trong đó sẽ hoàn thành đường Vành đai 3 dưới thấp (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long); đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; cầu vượt qua nút giao An Dương - Thanh Niên; tăng cường công tác quản lý, khai thác kết cấu HTGT, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý giao thông, điều hành giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, không để xảy ra UTGT kéo dài quá 30 phút; tiếp tục triển khai dịch vụ đỗ xe thông minh (IPARKING) trên địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa.
Thành phố kiến nghị Bộ GTVT và các bộ, ngành hỗ trợ thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030” để giảm UTGT một cách bền vững trên địa bàn Thành phố.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.