Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tổng nguồn cấp nước trên địa bàn Hà Nội khoảng 900.000m3/ngày đêm và sẽ tăng thêm được 60.000m3/ngày đêm sau khi hoàn thành một số dự án cải tạo, nâng công suất nhà máy.
Tuy nhiên, khi vào thời gian cao điểm của mùa hè, nhu cầu dùng nước tăng mạnh thêm 12% so với bình thường, tương ứng với nhu cầu khoảng 1.020.000 m3/ngày đêm. Vì vậy, lượng nước sẽ có nguy cơ thiếu khoảng 60.000m3/ngày đêm trong thời gian cao điểm mùa hè. Nguy cơ thiếu hụt nước sạch mùa hè năm nay càng “căng” hơn khi tỷ lệ nước thất thoát chung trên hệ thống khoảng trên 21%, trong khi nguồn cung đang chờ đợi các dự án mới nhưng đều trong giai đoạn đang triển khai.
Cảnh người dân Hà Nội huy động xô chậu xếp hàng chờ nước "phân phối" vào mùa hè bao giờ mới kết thúc? |
Không chỉ lo thiếu hụt về nguồn nước mà mạng lưới đường ống cấp nước hiện nay đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Riêng đối với tuyến cấp nước từ nhà máy nước sông Đà về Hà Nội hiện tại chiếm khoảng 27% tổng sản lượng nước của toàn thành phố, nhưng tuyến ống này vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố vỡ ống gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấp nước cho nhân dân, đặc biệt là người dân khu vực phía Tây Nam thành phố gồm: Toàn bộ khách hàng quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, 30% khách hàng thuộc Công ty Nước sạch Hà Đông và 5% khách hàng các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình thuộc Cty Nước sạch Hà Nội quản lý.
Hiện, nguồn nước mặt từ Nhà máy nước sạch sông Đà về Hà Nội, công suất giai đoạn I là 300.000 m3/ngày đêm. Thế nhưng trên thực tế lưu lượng cấp cho Hà Nội mới đạt khoảng 233.000 m3/ngày đêm. Đặc biệt, sau sự cố 17 lần vỡ đường ống số 1 dù công suất nhà máy đang dư thừa nhưng nước lại được bơm theo kiểu cầm chừng, vì lo sợ vỡ đường ống tiếp.
Được biết, Thành phố Hà Nội cũng đã đưa ra phương án tự làm đường ống khẩn cấp (21km trong vòng 90 ngày), nếu như Vinaconex không đáp ứng được yêu cầu nước sạch cho thành phố.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.