Hà Nội kiến nghị gì Thủ tướng và 4 Bộ "gỡ vướng" đường Vành đai 4 vùng Thủ đô?

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 11/03/2023 12:05

Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đang triển khai, cần được gỡ vướng nhiều bất cập, tồn tại để đẩy nhanh tiến độ.

Mô phỏng các thông số kỹ thuật đoạn đi trên cao tuyến Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội

Mô phỏng các thông số kỹ thuật đoạn đi trên cao tuyến Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội

Đáp ứng nhiều mốc tiến độ

Theo đánh giá mới đây của Bộ GTVT về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, nhìn chung các công việc thực hiện của từng dự án thành phần đối với TP. Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh cơ bản đạt được theo các mốc kế hoạch đã đề ra và kế hoạch phối hợp giữa 3 tỉnh, thành phố triển khai dự án.

Cụ thể, công tác lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cung cấp các thông số hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu. Công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần đạt tiến độ đề ra.

Cùng với đó, đã hoàn thành công tác cắm mốc GPMB, đáp ứng tiến độ đề ra. Công tác GPMB, di chuyển mồ mả của các quận, huyện được tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đáp ứng tiến độ đề ra. Công tác phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc với các sở, ngành và các địa phương đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Phối cảnh một nút giao trên tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội

Phối cảnh một nút giao trên tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội

TP. Hà Nội kiến nghị nhiều nội dung tháo gỡ vướng mắc

Liên quan tới giải pháp thúc đẩy tiến độ triển khai dự án, TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đồng ý về phương án ứng vốn từ quỹ phát triển đất của địa phương để thực hiện bồi thường, GPMB trước khi phê duyệt các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn các tỉnh, thành phố như TP. Hà Nội đang tổ chức triển khai để làm cơ sở cho tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh triển khai thực hiện.

TP. Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương chỉnh trang các nghĩa trang hiện có trong các thôn, xã, phường để quy tập mộ phục vụ GPMB dự án. Hạng mục chỉnh trang nghĩa trang được xác định nằm trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện GPMB. Chấp thuận giao các địa phương trực thuộc TP. Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh phê duyệt dự án và triển khai các dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư bằng nguồn vốn dự án và được tổng hợp vào các dự án thành phần Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn các tỉnh, thành phố theo Nghị quyết 106/2022 Chính phủ và cơ chế đã được Quốc hội thông qua tại Chủ trương đầu tư.

Về việc phê duyệt các dự án thành phần, TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đối với các dự án thành phần (chỉ sử dụng nguồn vốn đầu tư công) trong quá trình phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh dự án có phát sinh làm vượt tổng mức đầu tư dự án thành phần đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư toàn dự án và không làm tăng mức vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, giao UBND TP. Hà Nội là cơ quan đầu mối chủ trì ban hành văn bản xác nhận điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và dự phòng các dự án thành phần làm căn cứ cho cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh dự án.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm có văn bản tham gia ý kiến thẩm định dự án thành phần 2.1 đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) trên địa bàn TP. Hà Nội. Đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3.

Hướng tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ Đô Hà Nội

Hướng tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ Đô Hà Nội

Về phía Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội kiến nghị xem xét thống nhất một số nội dung liên quan đến thiết kế đối với dự án thành phần 3, như: Điều chỉnh mặt cắt ngang 3 cầu lớn qua sông Hồng, sông Đuống (Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng), thiết kế các nút giao, các nhánh lên xuống trên toàn tuyến; điều chỉnh chiều cao trụ cầu cạn; bố trí dải dừng xe khẩn cấp không liên tục.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP. Hà Nội kiến nghị Bộ có văn bản tham gia ý kiến thẩm định dự án thành phần 2.1 đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) trên địa bàn TP. Hà Nội; xem xét thỏa thuận về quy mô và giải pháp kỹ thuật dự án Vành đai 4 đoạn khu vực xã Song Phương, huyện Hoài Đức.

TP. Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản tham gia ý kiến thẩm định dự án thành phần 2.1 đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) trên địa bàn; hỗ trợ để sớm tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần 1, dự án thành phần 2.1 và dự án thành phần 3.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thực hiện GPMB theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tổng chiều dài 112,8km gồm: 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, điểm đầu tại khoảng Km3+695 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối tại khoảng Km40+500 đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, trong đó đoạn trên địa bàn TP. Hà Nội khoảng 58,2km, đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km, đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.

Dự án có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 28.193 tỷ đồng (TP. Hà Nội là 23.524 tỷ; Hưng Yên là 1.505 tỷ; Bắc Ninh là 3.164 tỷ); Vốn BOT là 29.447 tỷ đồng.

Các cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền gồm UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Bắc Ninh. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào vận hành khai thác từ năm 2027.

Dự án có thời hạn bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30/6/2023, bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31/12/2023; khởi công trước ngày 30/6/2023.