Dư luận đang rất quan tâm đến thông tin Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện vừa đề xuất UBND TP một số giải pháp hạn chế xe cá nhân. Theo đó, để giảm tình trạng ùn tắc giao thông, cần hạn chế giao thông cá nhân, nhất là xe máy tại một số khu vực trung tâm và một số tuyến đường đã tổ chức tốt phương tiện giao thông công cộng.
Phóng viên báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Chưa phải thời điểm
Đánh giá tổng thể về tình hình chống ùn tắc giao thông thời gian vừa qua, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước đã đề ra nhiều biện pháp từ cấm xe ngày chẵn, ngày lẻ, xén vỉa hè, hạn chế phương tiện công cộng để triển khai nhưng hiệu quả đạt được không cao. Thậm chí nhiều phương án còn vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng xã hội.
Với đề xuất hạn chế xe cá nhân, nhất là xe máy lưu thông trên đường của Sở GTVT Hà Nội, ông Liên cho rằng yêu cầu này là hết sức vô lý.
Ông phân tích: “Người dân chủ yếu dùng xe máy để di chuyển, giờ hạn chế khác gì đánh đố người dân. Tắc đường thông thường chỉ xảy ra vào giờ cao điểm. Trong khi đó đây lại là phương tiện rất linh động, dễ lưu thông trên đường và không chiếm quá nhiều diện tích”.
Chủ tịch hiệp hội vận tải HN cho rằng đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân, nhất là xe máy vào thời điểm này là chưa phù hợp. Ảnh: VNN |
Theo ông Liên, sẽ rất khó tìm một phương tiện nào thay thế được xe máy trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế như hiện nay. “Cá nhân tôi cũng dùng xe máy để di chuyển trên đường. Giờ nếu đề xuất này được triển khai thì không biết đi làm bằng cách nào nữa. Tôi thấy taxi thì tốn kém hơn, không phải đi đâu, lúc nào mình cũng có thể sử dụng được.
Còn phương tiện công cộng như xe bus thì Hà Nội cũng mới đề xuất hạn chế vào giờ cao điểm. Việc chỉ nêu kiến nghị còn không tính biện pháp khắc phục thì chẳng khác gì đem con bỏ chợ cả”, ông Liên nêu quan điểm.
Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hà Nội thẳng thắn cho rằng việc triển khai nhiều biện pháp mà vấn đề ùn tắc vẫn không giảm thì các cơ quan nhà nước cần phải chấn chỉnh, xem xét lại một cách nghiêm túc các phương án đã đề ra.
“Làm việc gì cũng phải tính toán đến hiệu quả lâu dài và tính khả thi. Không thể lấy suy nghĩ của một nhóm người hoặc lãnh đạo các cơ quan để áp đặt rồi bắt người dân phải tuân theo được. Như vậy là thiếu tính thực tế”, ông Liên nhấn mạnh.
Không nên nóng vội
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng biện pháp hạn chế xe cá nhân, xe máy để giảm tình trạng ách tắc giao thông. Lấy ví dụ thực tế từ Trung Quốc, ông Liên đã chỉ ra hàng loạt vấn đề còn tồn tại ở Hà Nội.
Ông phân tích: “Tại Bắc Kinh và Quảng Châu, các cơ quan quản lý nhà nước đã áp dụng biện pháp cấm xe máy từ nhiều năm nay và đạt được hiệu quả tích cực. Người dân đã dần chuyển sang dùng các phương tiện công cộng thay thế xe cá nhân. Để làm được điều này, họ đã có một giải pháp tổng thể, lâu dài, xây dựng hệ thông giao thông kết nối, tàu điện ngầm, xe bus nối liền khu trung tâm, các khu công nghiệp với nhau.
Trong khi đó các cơ sở giao thông của chúng ta lại hết sức yếu kém, xây dựng không có hệ thống nên dẫn đến tình trạng thường xuyên dỡ bỏ để sửa chữa lại. Đường đã vốn nhỏ mà bị rào chắn, bịt các lối thì làm sao chả ùn tắc giao thông”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.