Ngày 23/6, tại Hội thảo“Tiêu thoát nước Hà Nội-Thực trạng và giải pháp”, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội thiếu quy hoạch cốt xây dựng thống nhất trên toàn thành phố, vì vậy sự phát triển đô thị tuỳ tiện dẫn đến các khu vực dễ bị ngập lụt cục bộ. Trong khi hệ thống tiêu thoát nước của khu vực không phù hợp và không đáp ứng được sự thay đổi của sự phát triển đô thị.
Nhóm nghiên cứu độc lập của Phó GS.TS Bùi Công Quang - ĐH Thủy lợi cho rằng, quy hoạch hệ thống thoát nước là vấn đề kỹ thuật quan trọng cho một đô thị. Trước đây Hà Nội có nhiều mặt nước (hồ, ao, sông kết nối với nhau) nhưng hiện nay đã bị san lấp khá nhiều (thậm chí Hồ Tây - lá phổi của thành phố cũng bị ảnh hưởng).
Hiện do đô thị hóa, lấn chiếm đất đai nên số lượng ao hồ trên địa bàn Hà Nội đã giảm đi đáng kể. Sau 10 năm, tổng diện tích mặt nước tại Hà Nội (không kể Hồ Tây) đã giảm đi hơn 64%. Theo ông Quang, việc ngập úng nặng thời gian qua của Hà Nội, ngoài nguyên nhân thời tiết thì việc quy hoạch xây dựng đô thị manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể dẫn đến mâu thuẫn trong tiêu thoát nước giữa các tiểu khu.
“Phát triển quy hoạch tùy tiện dẫn đến các khu vực dễ bị ngập lụt cục bộ, trong khi hệ thống tiêu thoát nước của khu vực không phù hợp và không đáp ứng được sự thay đổi ở các đô thị mới”, ông Quang chỉ rõ.
Ngoài ra, nghiên cứu của nhóm này, dự án cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước Hà Nội mới chỉ chú ý đến hệ thống tiêu thoát chính và cống đầu mối, chưa chú ý đến cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước cấp 2, cấp 3 và cấp thấp hơn. Hà Nội cũng chưa chú ý đến việc xây dựng quy trình vận hành hệ thống tiêu thoát nước một cách hợp lý và khoa học. Chưa tận dụng được khả năng điều tiết của các hồ chứa trong khu vực.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Mai Đăng - ĐH Thủy lợi cho rằng, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống tiêu thoát nước đã cũ tại các đô thị. Thực trạng đang diễn ra tại các đô thị lớn là dân số ngày càng đông, dẫn đến quỹ đất tự nhiên ngày càng hẹp, thay vào đó là diện tích đất đã bị bê tông hóa, thay đổi kết cấu đất.
PGS Đăng cũng nhận thấy hệ thống thoát nước nội thành Hà Nội đã cũ, không được thiết kế theo kịp quy hoạch sử dụng đất mới của thành phố, thêm vào đó các công trình xây dựng trên địa bàn góp phần không nhỏ vào tình trạng xuống cấp của hệ thống thoát nước do vật liệu xây dựng không được quản lý đúng tiêu chuẩn, rơi xuống đường, lấp hố ga thu nước: “Chính vì thế, những năm gần đây, Hà Nội liên tiếp đối mặt những trận ngập trên diện rộng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế xã hội, nhất là khu vực nội đô. Đây là hậu quả của lấp ao hồ xây cao ốc”, ông Đăng nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đinh Gia Khánh cho rằng, nếu Hà Nội vẫn đô thị hóa theo hướng phát triển bất động sản là gốc, kết hợp với phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông bằng bất cứ giá nào trong khi coi nhẹ phát triển các hạ tầng khác (trong đó có cơ sở tiêu thoát nước), thì đã đến lúc không còn đủ lực để giải quyết những yêu cầu đồng bộ một cách cơ bản.
Ông Khánh nhận định có thể đã nhìn thấy viễn cảnh thoát nước chống ngập của vùng trung tâm Hà Nội ngày càng xa vời: “Đã đến lúc Hà Nội phải kiên quyết tập trung đầu tư xây dựng và quản lý các công trình về hạ tầng thoát nước, vì nước chảy chỗ trũng không một mệnh lệnh hành chính nào có thể đảo ngược được quy luật tự nhiên này”, ông Khánh nói.
Quận mới Nam Từ Liêm mênh mông nước. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Việc vô cùng cấp thiết
Theo các chuyên gia, ngập lụt ở Hà Nội là thiên tai nhưng những tác động của nó có thể được giảm thiểu nếu chúng ta có những biện pháp phòng chống tích cực và hiệu quả. PGS.TS Bùi Công Quang cho rằng, ngoài việc nâng cao năng lực tiêu thoát nước của các công trình đầu mối và năng lực tiêu thoát của các trục tiêu thoát chính (nằm trong dự án tiêu thoát nước giai đoạn 2), cần thiết phải điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng tiêu thoát nước của các hệ thống tiêu thoát cấp thấp hơn.
“Trận ngập úng nặng ngày 24/5 vừa qua cho thấy, nhiều điểm ngõ hẻm bị ngập cục bộ. Vì vậy công tác khảo sát, thiết kế hệ thống tiêu thoát nước cấp cơ sở cần có những phản biện độc lập và có sự tham gia của cộng đồng. Việc này vô cùng cấp thiết, không nên chỉ chú trọng cải tạo nâng cấp công trình đầu mối”, ông Quang phân tích.
Ông Quang cũng cho rằng, cần xây dựng các cống điều tiết nước ở các hồ lớn trong khu vực, nhằm khai thác khả năng điều tiết của các hồ lớn này, kết hợp với vận hành hợp lý của trạm bơm Yên Sở. Cùng với đó, Hà Nội phải bảo vệ, duy trì số lượng và diện tích mặt hồ hiện tại, nhằm tận dụng khả năng điều tiết tiêu thoát nước của các hồ này. Chống lấn chiếm hồ ao bằng cách kè lát và nâng cao công tác quản lý đất đai ở cơ sở.
TS Trần Nhơn, Viện Khoa học Thủy lợi đề xuất ý tưởng thay đổi hình dạng mặt cắt sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ để thoát nước tốt hơn.
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận những yếu kém của hệ thống tiêu thoát nước của Hà Nội như những phân tích, mổ xẻ của các chuyên gia tại Hội thảo: “Tôi thay mặt ngành xây dựng Thủ đô và ngành thoát nước, xin tiếp thu ý kiến chuyên gia rất tâm đắc và rất đúng.
Có bác ở đây còn “moi” ra tôi đã từng làm Giám đốc Ban dự án ở Yên Sở”, ông Dục nói. Theo ông Dục, mới sáu tháng trên cương vị lãnh đạo thành phố nhưng từ Bí thư Thành ủy đến Chủ tịch thành phố Hà Nội đã có 6 cuộc họp quan trọng bàn về cấp thoát nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.