Dân Hà Nội khổ sở vì khói bụi |
Hiện nay, thời điểm giao mùa ở Hà Nội, thời tiết xấu xảy ra thường xuyên. Gần như hiện tượng sương mù vào buổi sáng xảy ra liên tục. Đi kèm với thời tiết xấu, tình trạng ô nhiễm do bụi mịn có chiều hướng tăng lên. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, nhất là đối với người già và trẻ em, đặc biệt là những người nhạy cảm với thay đổi của thời tiết.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được sự ô nhiễm của bụi mịn và cách phòng tránh. Bụi mịn, hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người). Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Khi nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Những tình trạng này tương tự như khi độ ẩm cao hoặc sương mù. Loại bụi này có khả năng xâm nhập vào tĩnh mạch phổi, túi phổi thông qua hoạt động hít thở từ đó gây ra các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, tim mạch, đột quỵ, thậm chí còn làm tăng nguy cơ ung thư.
Mức an toàn mà tổ chức y thế giới WHO khuyến cáo là 0-12 μg/m3. Với nồng độ bụi mịn 40,8 μg/m3 thành phố Hà Nội đang bị xếp hạng mức cảnh báo màu vàng, được cho là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của nhóm người đề kháng kém như người già và trẻ nhỏ. Điều đáng lo ngại, những hạt bụi mịn này có kích thước rất nhỏ nên không thể phòng tránh bằng cách bình thường. Khẩu trang y tế được bán ở các hiệu thuốc dường như vô dụng trước bụi mịn 2.5 PM.
Nguyên nhân sinh ra bụi mịn là do các khí thải từ phương tiện xe cơ giới như ô tô, xe máy, các nhà máy sản xuất đốt nhiên liệu, nhiên liệu hóa thạch. Khi nồng độ bụi trong không khí càng lớn, đường kính hạt bụi càng nhỏ (PM5, PM2.5) thì bụi càng thâm nhập vào sâu trong phổi và gây tác hại càng nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Ở Hà Nội, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm cũng được xác định phát sinh từ hoạt động giao thông, với 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng hợp chất hữu cơ dạng hơi mà mắt thường khó nhìn thấy được. Cũng từ nguyên nhân ô nhiễm là do số lượng dân nhập cư đông đổ về Thủ đô, cùng việc khởi công nhiều siêu dự án lớn trong một vài năm gần đây như hệ thống đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc tỏa về Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ đã và đang tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân ở thủ đô. Chính những vấn đề này mức ô nhiễm của thủ đô ngày càng tăng lên.
Phát biểu trên truyền hình, tiến sĩ Trần Thị Tuyết Hạnh, giảng viên Sức khỏe môi trường, Đại học Y tế cộng đồng cho rằng: Bụi mịn không chỉ được sinh ra từ nhiều hoạt động như giao thông, xây dựng mà ngay cả đun nấu bếp than, khói thuốc lá...cũng sinh ra bụi mịn.
Theo bà Hạnh, người ta thống kê mỗi năm có khoảng 7 triệu người trên thế giới chết vì ô nhiễm không khí, ở Hà Nội tình trạng ô nhiễm bụi mịn rất đáng lo ngại, nó cũng như một số thành phố phát triển khác trên thế giới. Vì thế, để biết được khi nào chỉ số bụi mịn cao thì theo tôi các trạm quan trắc để đánh giá chất lượng không khí là rất quan trọng. Ngoài ra, để người dân tự theo dõi thì điện thoại hay các trang Web của môi trường thủ đô cũng giúp ích nhiều để theo dõi các chỉ số bụi, ô nhiễm nhằm phòng tránh. Tuy nhiên, vì trạm quan trắc đặt ở nhiều nơi tại TP. Hà Nội nên khi ta xem thì nên xem trạm quan trắc gần với nơi mình sống nhất để có được kết quả chính xác.
Với một số liệu theo dõi của bà Hạnh trong 2 tháng đầu năm thì biết được rằng chỉ số bụi mịn ở thủ đô là đáng lo ngại. Bà Hạnh cho rằng, hai tháng đầu năm 2019, số liệu ở trạm quan trắc số 8 Láng Hạ cho thấy, tháng 1 có 19/31 ngày có chỉ số bụi mịn vượt quá, tháng hai thì có 1/3 số ngày chỉ số bụi mịn vượt ngưỡng.
Có thể thấy, với những số liệu và tình trạng ô nhiễm không khí thực tế ở Hà Nội đang là mối lo ngại của nhiều người dân. Để phòng tránh nó, người dân vẫn hàng ngày mua khẩu trang, bịt mũi...để tránh bụi. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài vẫn là giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, đưa các nhà máy xí nghiệp ra khỏi nội đô, dãn mật độ dân số...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.