3 nguyên nhân gây chậm tiến độ
Theo Quyết định số 1503/QĐ-UBND ngày 29/3/2019 của UBND TP.Hà Nội, dự án có tổng mức đầu tư 247 tỷ đồng nhằm mở rộng mặt cắt ngang đoạn đường này từ 11m lên mặt cắt ngang 20,5m và 13m (xây dựng 1/2 mặt cắt ngang đường theo quy hoạch đường sắt). Công trình dự kiến hoàn thành trong quý I/2021, song bị chậm trễ nên không đạt mục tiêu, tiến độ đề ra.
Ghi nhận những ngày gần đây tại dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A cũ đoạn từ Km189-Km194 thuộc địa phận huyện Thường Tín (tuyến cửa ngõ phía Nam Hà Nội, UBND huyện Thường Tín là chủ đầu tư) cho thấy, trên đoạn 5km đường thuộc phạm vi dự án này đang thi công dở dang, có đoạn bị rào chắn kéo dài và thường xảy ra ngập úng khiến phương tiện đi lại khó khăn và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.
Sau phản ánh của Tạp chí GTVT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Tín (đại diện chủ đầu tư) có thông tin phản hồi, cho biết dự án đã được TP. Hà Nội gia hạn thời gian hoàn thành trong năm 2022.
Về tiến độ thi công, đến hết tháng 7/2022, dự án đã thi công xong cầu Quán Gánh, cầu Thường Tín đạt 95% khối lượng; triển khai thi công các phần tuyến đường đã bàn giao mặt bằng. Đáng chú ý, khối lượng chưa thi công gồm: toàn bộ rãnh thoát nước, hàng rào tôn hộ lan, mở rộng mặt đường phần giáp đường sắt Bắc - Nam; toàn bộ tuyến đoạn Km189+581(349m, thuộc địa phận xã Nhị Khê) và Km190+810-Km191+273 (463m, địa phận xã Văn Bình) chưa thi công do vướng mặt bằng.
“Dự án được triển khai trong điều kiện vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng. Quá trình triển khai thi công gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên vừa thi công vừa chờ mặt bằng; một số vị trí tiếp giáp với đường sắt quốc gia (phía bên phải đường) có sự chồng lấn chỉ giới đỏ với đường sắt (vị trí rào hộ lan) nên cần xin ý kiến chấp thuận thi công của Cục Đường sắt VN.
Bên cạnh đó, giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động thi công bị ngưng trệ gây ảnh hưởng đến tiến độ”, ông Từ Ngọc Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Tín cho biết.
Về tình trạng có đoạn đường đang thi công thường xuyên bị ngập, gây ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống người dân, ông Thành xác nhận việc này xảy ra do ảnh hưởng của việc bơm nước cưỡng bức để thi công. Đơn vị này cũng đã chỉ đạo nhà thầu có giải pháp phù hợp, hạn chế tối đa gây ngập nước trên đoạn đường dành cho giao thông.
Phụ thuộc giải phóng mặt bằng
Với mốc thời gian được gia hạn hoàn thành trong năm 2022, dự án mở rộng 5km quốc lộ qua huyện Thường Tín chỉ còn 5 tháng nữa để hoàn thành và liệu có kịp về đích đúng hạn?
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Tín Từ Ngọc Thành cho biết, đơn vị đang nỗ lực phối hợp với Sở GTVT và các sở, ngành chức năng của TP. Hà Nội, Cục Đường sắt VN (Bộ GTVT) để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên để thúc đẩy tiến độ dự án.
Theo đơn vị quản lý dự án, khó khăn lớn nhất đối với dự án hiện nay là hoàn thành giải phóng mặt bằng trên đoạn hơn 800m đối với phần đất, công trình nhà dân; thỏa thuận với Cục Đường sắt VN đối với đoạn 500m chồng lần chỉ giới đỏ giữa đường bộ và đường sắt trước khi thi công.
Nhằm giải quyết vấn đề trên, UBND huyện Thường Tín (chủ đầu tư) đề xuất giải pháp điều chỉnh thiết kế và thi công. Theo đó, đối với đoạn còn vướng mặt bằng (bên trái tuyến), thi công theo hiện trạng mặt đường và cắt giảm một số hạng mục công trình hỗ trợ kỹ thuật (hè, rãnh thoát nước), điều chỉnh tuyến điện chiếu sáng xuống lòng đường hiện trạng ... Các hạng mục này chuyển sang giai đoạn mở rộng đường theo quy hoạch.
Đối với đoạn bên phải tuyến chống lần vào hàng rào hộ lan đường sắt dài khoảng 500m, chủ đầu tư lập hồ sơ điều chỉnh theo ý kiến của Cục Đường sắt VN để kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án theo quy định.
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, trước thực trạng trên của dự án, đầu tháng 8/2022, Sở GTVT Hà Nội có văn bản đề xuất UBND TP.Hà Nội cho phép chủ đầu tư giải quyết vướng mắc về chồng lấn với đường sắt theo phương án trên. Đối với đoạn khoảng 4,5km không bị chồng lấn chỉ giới, chủ đầu tư cần khẩn trương xin ý kiến thỏa thuận với Cục Đường sắt VN và triển khai thi công theo quy định.
Đối với điều chỉnh thiết kế đoạn chưa giải phóng xong mặt bằng bên trái tuyến, Sở GTVT Hà Nội đề xuất tiếp tục triển khai theo thiết kế dự án để bảo đảm ATGT khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng.
“UBND huyện Thường Tín có trách nhiệm tiếp tục giải thích, tuyên truyền, vận động để người dân đồng tình và ủng hộ việc GPMB để thực hiện dự án theo đúng quy mô đầu tư được phê duyệt;
Đồng thời, rà soát lại toàn bộ khối lượng chưa GPMB, phương án GPMB để tính toán khối lượng, kinh phí đảm bảo triển khai thực hiện dự án theo quy mô được phê duyệt theo nguyên tắc thực hiện GPMB một lần đối với các thửa đất cần thu hồi với các trường hợp yêu cầu, cần thiết, tránh tình trạng thu hồi 2 lần khi thực hiện GPMB tuyến để xây dựng hoàn chỉnh mặt cắt tuyến đường theo quy hoạch”, Sở GTVT Hà Nội đề xuất.
Quy hoạch mở rộng mặt đường Quốc lộ 1A cũ 30-46m
Quốc lộ 1A cũ đoạn qua địa phận huyện Thường Tín, Hà Nội dài hơn 17 km (từ Km189+100 đến Km206+040). Tuyến đường này có đông phương tiện tham gia giao thông, nhưng đường khá hẹp nên ảnh hưởng đến lưu thông.
Theo người dân địa phương, quy hoạch mở rộng tuyến quốc lộ này được xây dựng đã 25 năm, với mặt cắt ngang đường rộng 30-46m, nên nhà dân hai bên tuyến quốc lộ 1A cũ không được phép xây dựng nhà kiên cố trong phạm vi quy hoạch.
Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri huyện Thường Tín sau kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hà Nội khóa XV ngày 18/5/2021, UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã cho phép đầu tư một số đoạn tuyến QL1A qua địa bàn các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên.
UBND thành phố giao Sở GTVT, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất bồ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 để triển khai.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.