Một sân vận động Olympic bị bỏ hoang ở Athens, Hy Lạp - Ảnh: Getty/CNN. |
Trước đây, các thành phố lớn trên thế giới thường cạnh tranh quyết liệt để giành quyền đăng cai Olympic. Trở thành chủ nhà của Thế vận hội đồng nghĩa với vinh quang và danh tiếng.
Nhưng theo trang CNN Money, đó chỉ còn là chuyện của dĩ vãng.
Thủ đô Rome của Italy đã trở thành thành phố mới nhất từ bỏ chạy đua đăng cai Thế vận hội mùa hè 2024. Thành phố này ngày 11/10 đã rút lui khỏi cuộc đua vì những lo ngại về chi phí khổng lồ cho sự kiện.
Nỗi lo ngân sách đã khiến hàng loạt thành phố trên thế giới từ bỏ giấc mơ Olympic trong những năm gần đây. Trước Rome, thành phố Hamburg của Đức đã quyết định thôi đua tranh để trở thành chủ nhà của Olympic mùa hè 2024.
Stockholm của Thụy Điển và Krakow của Ba Lan ngừng chạy đua giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông 2022, mở đường cho thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc trở thành chủ nhà của sự kiện này.
Để đăng cai Olympic, một thành phố cần phải lên kế hoạch, trang trải các chi phí và xây dựng những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ. Riêng chi phí bảo đảm an ninh đã có thể lên tới hàng tỷ USD. Hàng nghìn phòng khách sạn cần phải được xây dựng để có chỗ ở cho các vận động viên và du khách.
Phần lớn các khoản chi phí này đều do tiền thuế của dân gánh vác, trong khi lợi ích kinh tế mà Olympic mang lại hầu như không đáng kể.
Các nhà lãnh đạo lập luận rằng tiền thu về từ bán vé, công ăn việc làm trong ngành xây dựng, và lượng du khách gia tăng đủ bù đắp lại chi phí cho Thế vận hội. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nói rằng lợi ích kinh tế thực sự mà Olympic mang lại cho thành phố chủ nhà không hề tươi đẹp.
Thành phố Montreal của Canada, chủ nhà Thế vận hội mùa hè 1976, có lẽ là ví dụ tốt nhất về những chi phí dài hạn cho việc đăng cai Olympic.
Trước khi diễn ra Thế vận hội mùa hè 1976, Thị trưởng Montreal tuyên bố: “Olympic không hề gây thua lỗ, cũng giống như việc một người đàn ông có thể sinh con vậy”. Nhưng ông đã sai.
Sai lầm trong quản lý và chi phí phụ trội đã khiến thành phố này mắc nợ 1,5 tỷ USD sau khi Olympic kết thúc. Số nợ này phải đến năm 2006 mới được trả xong.
Cũng đến năm 2006, sân vận động Olympic của Montreal với tên gọi Big O đã bị biến thành một sân chơi bóng chày, rồi sau đó bị bỏ hoang. Người dân Montreal thậm chí gọi sân vận động này là Big Owe (tạm dịch: cục nợ lớn).
Các nhà nghiên cứu từ Trường Kinh doanh Said thuộc Đại học Oxford cho rằng chi phí đội thêm là điều mà bất kỳ thành phố đăng cai Thế vận hội nào cũng phải đối mặt. “100% các dự án Olympic bị đội thêm chi phí”, các nhà nghiên cứu này viết trong một báo cáo học thuật hồi năm 2013.
Do quá “hãi” với những gì mà Montreal phải gánh chịu với Thế vận hội, không một thành phố nào chạy đua đăng cai Olympic mùa hè năm 1984, ngoại trừ thành phố Los Angeles của Mỹ. Vì lý do như vậy, Los Angeles đã đưa ra hàng loạt yêu cầu đối với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).
Thành phố này đã sử dụng một mô hình mới dựa trên nguồn tài chính từ khu vực tư nhân, sử dụng các sân vận động và khu vực thi đấu sẵn có, nhờ đó cắt giảm được những khoản chi phí lớn nhất cho việc đăng cai sự kiện. Và kết quả là kỳ Olympic đó đã mang lại lợi nhuận cho Los Angeles.
Tuy nhiên, thời mà ngân sách công chỉ phải chi tối thiểu cho Olympic như trường hợp trên đã lùi xa.
Nga bị cho là đã chi tới 50 tỷ USD để tổ chức Thế vận hội mùa đông Sochi năm 2014. Trung Quốc không thừa một đồng nào trong ngân sách dành cho Olympic mùa hè Bắc Kinh 2008. Một loạt sân vận động xây dựng ở Rio, Brazil cho Thế vận hội mùa hè 2016 được sử dụng rất hạn chế sau khi sự kiện kết thúc.
Năm tới, IOC sẽ họp để chọn ra thành phố đăng cai Olympic mùa hè 2024. Hiện chỉ có thủ đô Budapest của Hungary, Paris của Pháp, và thành phố Los Angeles còn chạy đua giành tấm vé tổ chức sự kiện này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.