Hệ thống bán vé tàu điện tử: Công khai – Minh bạch “vì người dân phục vụ”

Ý kiến phản biện 15/03/2015 07:47

Ga Hà Nội, Ga Sài Gòn và hệ thống các nhà ga của Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa đưa và đón hàng vạn lượt hành khách trong dịp Tết Ất Mùi 2015. Cơ sở vật chất, nhân lực vật lực, máy móc trang thiết bị đều được vận hành một cách tối đa để giúp người dân làm quen với công nghệ bán vé tàu qua mạng điện tử, mang đến sự tiện ích, hơn nữa là mục tiêu công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của Tổng công ty ĐSVN. Những kết quả ban đầu tuy còn khiêm tốn nhưng đã thể hiện quyết tâm của cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt trên con đường đổi mới.


ve dien tu2

Bán vé diện tử

Thuận tiện, công khai minh bạch cho hành khách

Trong dịp Tết Ất Mùi 2015 vừa qua, theo ghi nhận, số lượng hành khách đến Ga Hà Nội mua vé tàu đã giảm hẳn, tạo sự thông thoáng và giảm áp lực đối với nhà ga. Bà Phùng Thị Lý Hà – Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Hà Nội chia sẻ: Khi hệ thống bán vé điện tử được triển khai, nhà ga giảm bớt được công đoạn làm báo cáo về số lượng vé, đồng thời cũng giảm rất nhiều sức lao động của nhân viên trong khâu này. Trước kia, hành khách có thể tìm hiểu thông tin vế số lượng vé qua bảng điện tử tại nhà ga, nhưng giờ đây, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ bằng những thao tác đơn giản với thiết bị điện tử là hành khách có thể tự mua vé với chỗ ngồi, giá cả và mác tàu theo ý muốn. Khi kết thúc mỗi đoạn hành trình, thông tin vé được cập nhật ngay trên hệ thống để hành khách ở những đoạn khác tức thời có thể mua được ngay. Như vậy, hành khách có thể tự quyết định được tất cả trong quá trình mua vé, tạo sự thuận tiện, công khai minh bạch cho hành khách.

Bước đầu khi triển khai hệ thống, nhà ga đã ghi nhận một số phản ánh của hành khách khi không mua được vé hoặc mất chỗ khi đổi phương thức thanh toán. Dần dần khi hành khách đã làm quen với hệ thống và thực hiện đúng các thao tác theo hướng dẫn thì việc đặt vé trở nên dễ dàng và thuận tiện. Tuy nhiên, so với các phương thức thanh toán khác thì thanh toán online vẫn chưa được nhiều người dân sử dụng nên chưa phát huy hết các tính năng của hệ thống bán vé điện tử.

Kiến trúc sư trẻ Phạm Việt Đức quê ở Phú Thọ, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội là người thường chọn tàu hỏa làm phương tiện đi lại. Anh cho biết, với những người trẻ thì việc mua vé tàu qua mạng điện tử rất dễ dàng và thuận tiện. Do tính chất công việc khá bận rộn nên việc đặt vé qua mạng giúp anh có nhiều thời gian để làm việc. Sắp tới, anh sẽ đăng ký làm thẻ điện tử để việc thanh toán được nhanh và tiện lợi hơn.

Một vấn đề khác đã được lãnh đạo Ga Hà Nội tiếp thu, rút kinh nghiệm là một số nhân viên của tổng đài chăm sóc khách hàng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về nghiệp vụ đường sắt nên thông tin phản hồi cho hành khách chưa được thỏa đáng và đầy đủ. Bà Hà cho biết, theo quy định, các nhân viên trực tổng đài phải nắm được nghiệp vụ đường sắt và trả lời mọi thắc mắc của hành khách theo đúng quy định của Ngành.

Để nâng cao chất lượng phục vụ cho mọi đối tượng hành khách, Bà Hà cho rằng hệ thống cần tích hợp thêm ngôn ngữ bằng tiếng Anh để khách nước ngoài có thể mua vé được thuận tiện. Đồng quan điểm với bà Hà, nhiều người dân đề nghị hệ thống không chỉ cần bổ sung ngôn ngữ bằng tiếng Anh mà còn cả một số ngôn ngữ thông dụng khác. Chị Nguyễn Thu Linh ở Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội hiện đang là giáo viên dạy tiếng Hàn Quốc bày tỏ: “Các đồng nghiệp người Hàn Quốc thường xuyên phải di chuyển và họ rất thích đi bằng tàu hỏa. Tuy nhiên, hệ thống bán vé điện tử của Việt Nam chưa tích hợp thêm ngôn ngữ nước ngoài nên họ chưa thể tự mình đặt được vé thông qua mạng internet”.

Tại Ga Sài Gòn nơi thường tập trung số lượng lớn hành khách, qua dịp Tết Ất Mùi vừa qua, áp lực đã giảm đáng kể khi nhiều người chọn phương thức mua vé qua mạng điện tử thay vì trực tiếp đến ga. Ông Đinh Văn Sang – Phó Tổng giám đốc Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết: Do hệ thống lần đầu được thử nghiệm nên nhiều hành khách còn bỡ ngỡ với hình thức mua vé mới này. Không ít khách hãng đã gặp phải những sự cố ngoài mong muốn, chẳng hạn như: Không nhận được đầy đủ số vé mong muốn, thanh toán tiền vé nhưng lại không được hệ thống ghi nhận, hoặc thời gian không đủ cho việc thao tác… Những sự cố như vậy đã được đơn vị kỹ thuật hỗ trợ giải quyết dứt điểm trong ngày. Đối với Ga Sài Gòn, đơn vị đã bố trí nhân viên để giúp hành khách sửa lại thông tin đã đăng ký để nhận vé đi tàu. Đặc biệt, khi triển khai chương trình bán vé tàu qua mạng điện tử, đối tượng “cò” vé đã giảm từ 70 – 80% do người mua phải xuất trình thông tin chính xác về bản thân.

Thành công lớn nhất của dự án là sự thay đổi tư duy của ngành Đường sắt

Chia sẻ tại cuộc Tọa đàm “Đưa ứng dụng CNTT – viễn thông vào đời sống” do Câu lạc bộ Nhà báo ICT tổ chức mới đây, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin (FPT IS, thuộc Tập đoàn FPT) nhận định: “Về mặt công nghệ, hệ thống bán vé tàu điện tử không có gì quá đặc biệt so với hệ thống bán vé máy bay, nhưng việc thay đổi tư duy của ngành Đường sắt mới là thành công lớn nhất của dự án”.

Là người từng thực hiện nhiều dự án về lĩnh vực GTVT, ông Tuấn hiểu rất rõ sự trì trệ, lạc hậu của ngành Đường sắt trong suốt thời gian dài, từ cơ chế đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều kho vé và cách bán vé vẫn nặng cơ chế “xin cho”, phát sinh “cò” vé trong các dịp cao điểm như lễ, Tết. Khi ứng dụng công nghệ bán vé tàu qua mạng điện tử thì ngành Đường sắt chỉ còn một kho vé duy nhất và thông tin được công khai để người dân được biết và lựa chọn. Đó là một thành công lớn thể hiện sự quyết tâm của ngành GTVT nói chung và Tổng công ty ĐSVN nói riêng.

Quả thực, sự quyết tâm của ngành Đường sắt đang mang lại những kết quả tích cực, hay nói một cách chính xác đó chính là thành quả ban đầu trong quá trình kiện toàn, cải tổ toàn diện của ĐSVN. Để xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới ắt phải có sự hy sinh nhưng đó là sự hy sinh chính đ. Ông Trần Ngọc Thành – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN từng nói: “Nhiều cán bộ, nhân viên ngành Đường sắt đã hy sinh quyền lợi, vị trí công việc của mình để Tổng công ty thực hiện nhiệm vụ đã được cấp trên giao phó”.

Trước những thành quả ban đầu từ công nghệ bán vé tàu điện tử, ông Đoàn Duy Hoạch – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN phấn khởi: “Kể từ khi đưa vào vận hành hệ thống bán vé điện tử đã tạo thuận tiện cho hành khách rất nhiều, đồng thời đã chấm dứt cảnh xếp hàng, chen lấn, nằm chờ tại các ga đường sắt để mua vé tàu tết. Đối với những hành khách không thông thạo sử dụng máy tính thì tại các ga, các bưu cục và điểm giao dịch Ngân hàng VIB đều có bố trí nhân viên giúp đỡ thực hiện các thao tác đặt mua vé theo nhu cầu của hành khách. Người dân ở miền núi, người có thu nhập thấp có nhiều điều kiện để tiếp cận mua vé tàu hơn. Rõ ràng, hiệu quả thu được xét về mặt xã hội của việc triển khai hệ thống bán vé điện tử là rất rõ”.

Hệ thống bán vé tàu qua mạng điện tử đang và sẽ tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp. Sự mong mỏi, trông chờ của người dân vào sự đổi mới của ngành Đường sắt đã quá lâu và cũng đã đến lúc ĐSVN phải đổi mới – đổi mới để sống còn, đổi mới để phát triển và đổi mới để lấy lại niềm tin yêu của người dân đối với ĐSVN như tâm sự của bà Hoàng Thanh Bằng (Nghi Tàm, Hà Nội): “Tôi đã ngoài 60 tuổi, tháng nào cũng đi tàu về quê thăm mẹ. Tính tôi cẩn thận, cứ phải đến ga trước giờ tàu chạy khoảng 2 tiếng thì mới yên tâm vì còn lo phải mua vé. Nay vé được bán thông qua mạng điện tử, tôi nhờ con đặt mua giúp, thấy thuận tiện lắm. Tôi cũng đang tập vào mạng internet để có thể tự mình đặt vé, phòng khi con cháu bận công tác – đúng là đất nước đang đổi mới, người dân chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc và tự hào!

Cẩm Phú

Ý kiến của bạn

Bình luận