"Bảo kê" xe ôm sân bay
Theo phản ánh của báo Dân Trí, hai bên đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng… dẫn vào sân bay luôn hiện diện một "lực lượng" xe ôm, taxi đậu thoải mái để đợi vào bắt khách.
Những tài xế nào được “bảo kê” thì có đất sống, tha hồ lộng hành “cắt cổ” khách và sẵn sàng tấn công những tài xế khác không thuộc “mạng lưới”.
Các nhóm xe hoạt động khá tinh vi tại khu vực đối diện phía đầu đường Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình) và một trạm xăng gần đó. Hai điểm nóng này luôn có “tay chân” của lực lượng xe ôm ngồi quan sát tình hình, nếu có “biến” thì sẽ chủ động báo cho tốp xe ôm trước cổng thu phí rút ngay.
Không chỉ khu vực ngoài cửa sân bay, một số xe ôm còn đứng phục sẵn trong khu vực sân bay. Cánh xe ôm này hoạt động xoay tua nhau để đảm bảo “đất sống” cho từng thành viên. Trước cửa thu phí giữ xe luôn có ít nhất một tài xế xe ôm đứng sẵn để canh gác.
Lực lượng xe ôm bám theo khách "dai như đỉa" |
Tìm hiểu về quy trình nhập nhóm xe ôm tại sân bay, tài xế tên L.V.T (55 tuổi) cho biết, để làm xe ôm ở sân bay không phải là chuyện đơn giản.
“Nếu anh không có quan hệ hoặc người bảo lãnh, mà nếu có đi chăng nữa thì khi đủ số lượng rồi cũng không được vào nhóm, bởi tài xế xe ôm hạn chế ở số lượng nhất định”, ông T. khẳng định.
Ông T. bật mí thêm, để có chân xếp tài hoạt động tại khu vực sân bay, ông phải nhờ người quen dẫn đi nhậu với mấy “đại ca” và “quản lý” cánh xe ôm ở sân bay để xin được gia nhập. Nếu có quan hệ, có sự bảo lãnh của người làm xe ôm lâu năm thì mới được nhận vào.
Bên cạnh đó, ông T. cho biết, với mỗi “cuốc” xe ôm đưa khách đi, về đến sân bay, tài xế phải nộp lại từ 10.000 – 20.00 nghìn đồng cho “ban điều hành”, gọi là phí “bảo kê” bến bãi. Trung bình mỗi ngày, một tài có thể kiếm được trên dưới 400.000 đồng, đồng nghĩa mỗi tháng thu nhập không dưới 10 triệu đồng, chưa kể tiền “chung chi” cho mấy đại ca.
Hiện nay, quanh khu vực sân bay có 100 tài xế xe ôm hoạt động chia làm 2 ca/ngày, 50 ban ngày và 50 ban đêm. Trong quá trình hoạt động cũng có thể chủ động đổi ca cho nhau và hoạt động đều đặn hàng ngày.
Kêu cứu vì taxi bát nháo, xe biển xanh gây ùn tắc
Mặc dù, Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất đã dự trù được tình huống ùn tắc nên đã xây một khu vực riêng phía trước cho hành khách đón taxi.
Thế nhưng nhiều người cứ thấy xe đến là vẫy. Có khi chiếc taxi này đã được nhân viên của hãng sắp xếp cho hành khách khác nhưng vì xe đến dừng gần vị trí của họ nên cứ thế mở cửa nhảy lên xe theo kiểu “mạnh ai người ấy đi”. Nhiều người nước ngoài thấy vậy chỉ biết tròn mắt nhìn.
Đặc biệt, theo quy định, khu vực trước sảnh nhà ga quốc nội các xe chỉ được dừng không quá ba phút, sau đó phải di chuyển để tránh ùn tắc.
Xe biển xanh đỗ dừng vô kỷ luật trước cửa sân bay |
Thế nhưng, không ít xe biển số xanh, biển số đỏ đậu cả tiếng đồng hồ. Đường chỉ có ba làn xe nhưng có khi các xe này đậu chiếm hết cả hai làn. Những xe đi sau muốn qua phải đi chậm lại gây nên cảnh ùn tắc. Lực lượng an ninh sân bay nhiều lần nhắc nhở tài xế nhưng họ đều làm ngơ.
Dù cảng đã bố trí khu vực dành riêng cho các xe ưu tiên đậu không tính phí nhưng rất ít xe vào đó mà ngang nhiên xí chỗ trước nhà ga.
Sau đó, vì bất lực trước tình trạng ôtô công cố tình chây ỳ, đậu xe nhiều giờ trước khu vực nhà ga gây ùn tắc giao thông, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã gửi đơn kêu cứu, nhờ Công an TP can thiệp.
Ngày 18/11/2015, lực lượng liên ngành gồm hàng chục Cảnh sát giao thông, quân đội... túc trực trước khu vực ga quốc nội Tân Sơn Nhất để nhắc nhở, xử lý những trường hợp ôtô vi phạm quy định đậu chờ khi đón trả khách.
Từ khi có CSGT, cảnh sát cơ động, kiểm soát quân sự giúp đỡ, ùn tắc giao thông trong sân bay đã giảm đi nhiều.
Nhưng sau dẹp được nạn taxi bát nháo, xe biển xanh lấn chiếm làn xe trước cửa nhà ga, thì lại xuất hiện thêm tình trạng xe ôm "bảo kê".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.