Hoa khôi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết và nghị lực tỏa sáng như cổ tích

Tác giả: Công Thành

saosaosaosaosao
29/11/2020 07:46

Tất bật các hoạt động trong tháng tưởng niệm nạn nhân TNGT, lịch làm việc của Bế Thị Băng - Hoa khôi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” dày đặc hoạt động thiện nguyện, truyền cảm hứng, công tác xã hội..., đặc biệt là hỗ trợ, giúp đỡ những nạn nhân TNGT bị thương tật giống như hoàn cảnh của chị.

 

1.
Chị Bế Thị Băng hướng dẫn nạn nhân sử dụng chân giả từ kinh nghiệm của bản thân

 Nỗ lực đẩy lùi nỗi đau TNGT

Cô gái xinh đẹp chỉ còn một chân Bế Thị Băng hiện đang là Đại sứ của Quỹ trẻ em nghèo là nạn nhân của TNGT Mottainai, từng ngày góp sức mình cho nỗ lực chung của toàn xã hội để xoa dịu nỗi đau TNGT. Băng cho biết, cô đang đấu giá tranh vẽ để góp quỹ thiện nguyện cho nạn nhân TNGT. Công việc của cô cũng bộn bề với việc đồng hành lắp chân giả và hướng dẫn cho nạn nhân TNGT có hoàn cảnh khó khăn.

“Tôi cũng là một nạn nhân TNGT, tôi thấu hiểu sự mất mát ấy. Tôi chưa bao giờ hối tiếc những gì đã mất, bởi tôi đã và đang cố gắng để sống có ích mỗi ngày. Còn được sống là còn được hạnh phúc. Bố mẹ cho mình sự sống nên trong hoàn cảnh nào mình phải luôn trân trọng sự sống. Tôi muốn những người có cùng hoàn cảnh giống như tôi vượt qua nỗi đau và luôn được hạnh phúc”, Băng chia sẻ.

Vượt qua “hố sâu” cực cảnh do TNGT gây nên, Băng có một thông điệp: “Khuyết tật là vũ khí để giúp mình mạnh mẽ hơn”. Đây cũng chỉ là “kim chỉ nam” để cô gái chỉ còn 29 kg sau tai nạn thoát khỏi “địa ngục trên giường bệnh”, bền bỉ từng ngày xuyên suốt 8 năm qua cố gắng đạt được những ước mơ, hoài bão tuổi trẻ vốn tưởng chừng đã vĩnh viễn bị dập tắt bởi TNGT.

“Xin hãy cứu em”

Năm 2012, Băng tốt nghiệp Đại học Y khoa Thái Nguyên. Cô bác sỹ trẻ “ôm” trong mình nhiều ước mơ, hoài bão với khát vọng thoát khỏi cái nghèo của cuộc sống miền núi tỉnh Cao Bằng, giúp đỡ gia đình có một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng, TNGT đã cướp đi tất cả khi cô gái 24 tuổi ấy đang lưu thông thì bị một xe container đâm vào đuôi xe máy và kéo lê khoảng 3 m trên đường.

Về thời khắc kinh hoàng nhất trong cuộc đời mình, Băng kể: “Lúc ấy, mắt nhìn rất mờ. Tôi thấy một chiếc xe rất dài phía sau mình và một bóng người đứng gần. Tôi túm lấy gấu quần anh ta và nói: ‘Xin anh hãy cứu em’. Lời khẩn cầu ấy đã thức tỉnh cơn hoảng loạn của người tài xế và tâm trí tôi bao trùm toàn những điều tồi tệ nhất, tôi sợ mình sẽ bị bỏ mặc ở đây. Sau đó, cảnh sát đã tới hiện trường cùng anh lái xe và đưa tôi đi cấp cứu”.Tại Bệnh viện Việt Đức - nơi tuyến cuối điều trị những trường hợp TNGT nghiêm trọng, người cảnh sát cứu Băng hôm đó gọi điện cho bố chị thông báo về vụ TNGT. Bố Băng ở trên Cao Bằng xa xôi không thể tới ngay nên cũng chỉ có thể nghẹn lời cầu xin: “Anh ơi, hãy cứu con tôi”.

“Khua khua nắm được cánh tay của một bác sỹ, tôi nói: ‘Anh ơi, anh cứu em với’. Bác sỹ trả lời: ‘Yên tâm, anh sẽ cứu em’. Ngay lúc đó, tôi thiếp đi và khi tỉnh lại thấy toàn thân không thể cử động, y tá nói với tôi rằng tôi đã hôn mê 4 ngày, chân phải đã bị cắt bỏ rồi”, Băng hồi tưởng.

“Nó còn trẻ, nó không chết được”

TNGT làm Băng mất tới 85% sức khỏe. Những ngày đầu tại bệnh viện, bác sỹ nhận định thương tật của Băng rất xấu, chân và bụng bị nhiễm trùng, đa chấn thương... có thể sẽ phải tháo nốt chân còn lại vì có dấu hiệu hoại tử. Bác sỹ tiên lượng chỉ còn 5% sự sống nên gia đình chuẩn bị tinh thần lo hậu sự.

“Tôi không dám gặp bố mẹ nhưng muốn gặp em gái trong 1 phút chỉ để nói: ‘Chị như thế này rồi sao không để chị chết đi, cứu chị làm gì nữa...’. Những ngày trong bệnh viện, tôi không đủ dũng cảm để tự nhìn vào thân thể thương tật của mình và chỉ thầm hy vọng ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay”, Băng chia sẻ.

Ít ai nghĩ rằng, hành trình vượt lên nỗi đau TNGT của Băng khởi nguồn từ chính những ngày u ám bao trùm trong bệnh viện. Băng kể: “Tôi nghe thấy một người nhà bệnh nhân nói với bố tôi ngoài cửa phòng rằng: ‘Nó không sống được đâu’. Bố tôi nghẹn ngào đáp lại: ‘Không! Nó còn trẻ, nó không chết được’. Nghe câu nói đó, tôi đã tự dặn lòng phải nín nhịn mọi đau đớn âm ỉ, không được khóc và phải mạnh mẽ. Chẳng biết mình sống được bao lâu nữa nhưng tôi phải cố gắng để vơi bớt phần nào sự thất vọng với chính bản thân mình và sự hối hận của tôi đối với gia đình”.

Bế Thị Băng tâm niệm, khuyết tật là một thứ vũ khí
Bế Thị Băng tâm niệm, khuyết tật là một thứ vũ khí giúp mình mạnh mẽ hơn

 Thoát khỏi “địa ngục” trên giường bệnh

Sau 21 ngày nằm viện, bác sỹ cho chuyển viện nhưng Băng không đồng ý, cũng không về quê mà chỉ xin gia đình thuê cho 1 phòng trọ nhỏ ở Hà Nội để sống một mình. Băng lý giải, khi ấy cô chỉ muốn ở một mình, không muốn phải đối diện với gia đình, không muốn bố mẹ ngày ngày nhìn cô con gái đau đớn.

“Vì bản thân vốn là bác sỹ, tôi biết cách tự chăm sóc cho bản thân. Mỗi ngày tôi tự khoét lên những vết thương bị hoại tử, tự thay hậu môn nhân tạo... Tôi nghĩ về những điều bố tôi nói. Bố tôi có hy vọng là tôi không chết nên tôi không muốn bố thất vọng về tôi”, Băng giãi bày.

Hành trình tạo dựng cuộc sống hoàn toàn khác của Băng bắt đầu như vậy. “Tôi tự nhủ, mình phải đối mặt với xã hội, khẳng định giá trị của tôi khi chỉ còn 1 chân”, Băng tâm niệm.

Nhà Băng vốn rất nghèo, ngôi nhà trên núi cao cách 800 m từ đường liên thôn và chỉ có thể đi bộ, khi chống nạng phải đi hơn 1 tiếng mới đến nhà. Để chi trả viện phí, gia đình phải bán hết tất cả những gì có giá trị, gồm cả gia súc, gia cầm, thóc giống... Sau lần gục ngã vì TNGT, Băng tiếp tục ngã thêm hàng nghìn lần trong nỗ lực tập luyện để chiến thắng cực cảnh.

Sau khi tự đứng vững trên chiếc chân còn lại cũng như cuộc sống của mình, Băng xin việc khắp nơi nhưng đều thất bại vì bị đánh giá là sức khỏe không đảm bảo. May mắn đến với cô khi có một phòng khám nhận cô vào làm không lương. Băng đã nỗ lực nhiều hơn mọi người, được ghi nhận thành quả lao động và được trả lương ngay trong tháng đầu tiên. Lao động chăm chỉ với nỗ lực phi thường, Băng chẳng những tự trang trải cuộc sống của mình mà còn dành dụm số tiền đủ làm con đường để ô tô có thể vào tận nhà, giúp gia đình vượt cảnh khốn khó. Băng cũng khởi nghiệp kinh doanh với bạn và hiện đang sở hữu một Homestay, kinh doanh mỹ phẩm.

Chuyện tình của Băng cũng như cổ tích cho thấy sức mạnh vĩ đại của tình yêu. Bốn năm trước, Oturak Be - chàng trai người Đức đã gặp Băng ở sân bay và nhờ cô chỉ đường. Hai ngày sau, họ tình cờ gặp lại và gắn bó với nhau trong thời gian Oturak ở Việt Nam. Sau một khoảng thời gian dài duy trì mối nhân duyên đặc biệt, từ nước Đức cách nửa vòng trái đất, Oturak bất ngờ cầu hôn Băng. Khi đó, Băng tự ti rằng cô không xứng đáng với Oturak, nhưng chàng trai người Đức ngưỡng mộ nghị lực của cô đã phủ nhận và đáp lại rằng, Băng hoàn toàn xứng đáng.

“Lúc đó tôi mới biết, Oturak không chỉ là một thầy giáo mà còn là một giáo sư Toán học. Anh đồng cảm với hoàn cảnh của người khuyết tật, chân thành yêu tôi nên chúng tôi đã kết hôn vào năm 2017 và có một mái ấm hạnh phúc”, Băng chia sẻ.

Nhìn vào nét vui tươi, rạng rỡ và hạnh phúc trong cuộc sống của Băng, “cơn ác mộng” đeo đẳng mang tên TNGT dường như đã bị dẹp bỏ. Nhưng hơn hết, ngoài “nội lực” của bản thân, các nạn nhân và thân nhân của họ cũng rất cần sự chung tay hỗ trợ từ xã hội. Vì vậy, các hoạt động chung tay xoa dịu nỗi đau TNGT chắc chắn sẽ cần được đẩy mạnh hơn.

Theo bà Trịnh Thu Hà - Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, nhiều năm qua, Ủy ban ATGT Quốc gia luôn coi trọng và hỗ trợ tích cực, giúp đỡ các nạn nhân TNGT cũng như thân nhân của họ vươn lên sau mất mát. Trong tháng 10 và tháng 11, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tiến hành hàng loạt hoạt động đồng bộ, thống nhất trên cả nước nhằm hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và đi sâu vào thực chất. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau TNGT, giảm thiểu những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân và gia đình nạn nhân TNGT.

“Chúng tôi luôn mong muốn các nạn nhân TNGT vượt qua nỗi đau và tiếp tục cuộc sống tốt đẹp hơn, đồng thời lan tỏa những thông điệp ngăn chặn TNGT nhằm cảnh tỉnh những người có thái độ coi thường pháp luật trật tự ATGT, coi thường sự sống, tính mạng con người”, bà Hà chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận