Ngày 8/1 tại TP. HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ (SBIC) và các công ty thành viên về triển khai thực hiện Nghị quyết số 220/NQ-CP.
Tại Nghị quyết số 220, Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước trong quý I/2025.
Cùng với việc phổ biến, triển khai Nghị quyết 220, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện và phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 220 nhằm xác định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT nhằm thực hiện đúng lộ trình mà Nghị quyết số 220 đề ra, đảm bảo thu hồi tối đa vốn và tài sản, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước, trường hợp phải sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện đúng quy định của pháp luật; giảm thiểu tổn thất tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan cũng như đối với ngành đóng, sửa chữa tàu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh: "Việc thực hiện phá sản, thực chất là bán doanh nghiệp cho một chủ sở hữu mới. Hiện nay, ngành hàng hải đang thay thế dần tàu cũ bằng thế hệ tàu mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Việc thực hiện xong phá sản sẽ là cơ hội cho các công ty đóng tàu bước sang một giai đoạn mới, nắm bắt cơ hội này để phát triển. Chúng ta có 2 nhiệm vụ rất quan trọng, đó là đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường và xúc tiến việc triển khai các quy trình thủ tục để nộp đơn mở thủ tục phá sản ra toà án có thẩm quyền".
Cụ thể, về đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, SBIC cần sớm kiện toàn bộ máy nhân sự và rà soát lại các khó khăn vướng mắc để phối hợp với Vụ Quản lý Doanh nghiệp (Bộ GTVT) tháo gỡ, tạo điều kiện tối đa cho các công ty thành viên. Trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục phá sản, các công ty thành viên SBIC phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật, nguyên tắc của thị trường, giảm thiếu tổn thất tiền và tài sản tiền của nhà nước, đảm bảo công khai minh bạch tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, quan tâm đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động, cơ chế kiểm tra giám sát phải đảm bảo chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện…
"Tôi mong muốn toàn thể cán bộ, Đảng viên, người lao động SBIC tiếp tục phát huy truyền thống, đồng lòng, quyết tâm vượt qua giai đoạn khó khăn, đáp ứng ngày càng cao của ngành công nghiệp tàu thuỷ trong thời gian tới", Thứ trưởng Sang nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, ông Trần Tấn Châm, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ Sài Gòn băn khoan đặt câu hỏi, hiện nay có nhiều khách hàng, đối tác nước ngoài rất quan tâm, lo lắng về hoạt động của công ty khi triển khai làm thủ tục phá sản. Vì vậy rất muốn nắm bắt chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT về tình hình hoạt động trong thời gian sắp tới?
Trước tâm tư của doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết: "Trong Nghị quyết, chúng tôi cũng đã dự liệu phải có đợt truyền thông để không chỉ cán bộ, nhân viên, người lao động nắm bắt mà còn các khách hàng đang ký kết hợp đồng. Làm sao để chúng ta phải đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường cho đến khi toà nhận hồ sơ thụ lý và tuyên bố phá sản".
Giải thích về thủ tục pháp lý, bà Nguyễn Thị Thuỳ Dung, Phó Chánh án TAND TP. HCM cho biết: "Các doanh nghiệp phải tuân thủ theo luật phá sản, phải thuê công ty luật hoặc luật sư để tư vấn về các thủ tục phá sản hiện nay. Nếu các bên đã ký hợp đồng rồi mà đang trong quá trình triển khai thực hiện thì cứ tiếp tục thực hiện hợp đồng một cách bình thường. Nếu như đưa tàu vào tài sản đảm bảo cho ngân hàng thì theo luật phá sản chiếc tàu đó là khoản nợ có tài sản đảm bảo và khi toà tuyên bố phá sản sẽ được ưu tiên thanh toán trước. Luật vẫn đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động một cách bình thường còn câu chuyện tổ chức và thực hiện như thế nào thì phụ thuộc vào các doanh nghiệp".
Ông Đỗ Văn Khoa, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin) cho biết, công ty hoạt động với 2 lĩnh vực chính là đóng mới và sửa chữa tàu biển. Năm 2023, Công ty đóng mới bàn giao 25 sản phẩm (tăng 4 sản phẩm so với kế hoạch) với doanh thu đạt 105%. Sửa chữa bàn giao 65 sản phẩm (tăng 10 sản phẩm so với kế hoạch), doanh thu đạt 143%. Năm 2023, Công ty đã và đang triển khai các công tác bán, thanh lý các tài sản theo các Nghị quyết được SBIC phê duyệt. Những nỗ lực để có doanh thu cao và đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định và khá cho người lao động, luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh là dấu hiệu cho thấy Saigon Shipmarin đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng, ngày càng khẳng định uy tín trong thị trường đóng tàu về độ tin cậy, thái độ, trách nhiệm trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa tàu biển.
Ngay sau khi có chủ trương về phá sản, Ban lãnh đạo Công ty đã tổ chức họp với các cán bộ chủ chốt của công ty và đi gặp gỡ với các chủ tàu để trao đổi, lắng nghe và giải thích khách hàng về chủ trương phá sản. Sau khi lắng nghe giải thích, người lao động và các chủ tàu đã hiểu và sẵn sàng tiếp tục làm việc, hợp tác bình thường với công ty.
"Về tái cơ cấu, mong muốn Bộ GTVT, SBIC hỗ trợ Công ty trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 220/NQ-CP về kế hoạch tổ chức thực hiện Thông báo số 23-TB/TW ngày 28/12/2023 của Văn phòng Trung ương Đảng", ông Khoa kiến nghị.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, ông Ngô Tùng Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, phụ trách Đảng bộ và Hội đồng thành viên SBIC cho biết, sẽ chỉ đạo các công ty đơn vị thành viên rà soát, hoàn thiện tất cả hồ sơ và liên hệ với toà án địa phương để nhận được sự hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ sớm nhất theo quy định pháp luật; Tiếp tục quán triệt chỉ đạo các đơn vị tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo thu nhập, việc làm, chế độ chính sách cho người lao động trong thời gian quá trình thực hiện Nghị quyết 220 của Chính phủ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.