Học viện Hàng không Việt Nam: Chuyển đổi hình thức đào tạo thích ứng với dịch bệnh

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 20/11/2021 06:04

Từ đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn từ công tác tuyển sinh cho đến giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, do sớm tiến hành kế hoạch chuyển đổi số từ năm 2020, Học viện Hàng không Việt Nam đã kịp thời chuyển hình thức đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến trên nền tảng công nghệ số được hỗ trợ bởi Tập đoàn Beowulf như: phần mềm quản lý đào tạo E-Learning, công cụ đào tạo trực tuyến Quickcom, hệ thống quản lý văn bằng chứng chỉ sử dụng công nghệ blockchain... Với sự chuẩn bị kĩ càng và kinh nghiệm triển khai, Nhà trường luôn đảm bảo giảng dạy và học tập không bị gián đoạn, đạt kết quả tốt.

 

1
Học viện Hàng không Việt Nam tổ chức buổi khai giảng online trong năm học 2021 - 2022

Nỗ lực để biến “nguy” thành “cơ”

TS. Nguyễn Thị Hải Hằng - Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam chia sẻ, đợt tuyển sinh năm 2021 của Học viện cũng gặp nhiều khó khăn, khi học sinh nhiều địa phương phải dời lịch thi hoặc thậm chí không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phía nhà trường đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bổ sung thêm các phương thức xét tuyển nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh cũng như nhanh chóng triển khai các kênh nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Nhà trường luôn đặt ra nhiệm vụ vừa phòng chống dịch, vừa hoạt động thông suốt, duy trì ổn định công tác dạy và học, luôn nỗ lực để biến “nguy” thành “cơ”, tận dụng thời gian giãn cách xã hội để thay đổi nhận thức và phương pháp làm việc của người lao động, thay đổi cung cách quản lý nhà trường, trong đó chú trọng công tác chuyển đổi số. Công tác chuyển đổi số của Học viện không chỉ nằm trên giấy mà đã và đang là các hoạt động diễn ra hàng ngày. Học viện có hệ thống điều hành bằng công nghệ thông tin dựa trên quản trị hàng trăm qui trình xử lý công việc, cho phép giao việc và đánh giá dựa trên kết quả thực hiện công việc của từng cá nhân. Đồng thời, toàn bộ hoạt động quản lý đào tạo và giảng dạy, đảm bảo chất lượng… đều được thiết kế phù hợp với Học viện. Trong thời gian tới, Học viện tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng bài giảng và giáo trình điện tử, đẩy mạnh việc giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh, hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học… Học viện phấn đấu trở thành đơn vị sự nghiệp tự chủ cấp 1 từ năm 2022, phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân năm học 2025 - 2026 khoảng 25,5 triệu đồng/người/tháng.

2.

Sinh viên trong một buổi học tại Học viện Hàng không Việt Nam

Kỳ vọng tuyển chọn được sinh viên có đam mê và khát vọng

“Ngành Hàng không đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nên trước mắt, sinh viên của Học viện tốt nghiệp năm nay và năm sau có thể sẽ gặp khó khăn trong quá trình tìm việc làm. Tuy nhiên, hàng không đã, đang và sẽ là phương tiện vận chuyển ngày một phổ biến với các tiện ích đã được chứng minh. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng, ngành Hàng không sẽ phục hồi một cách mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt tại Việt Nam”, TS. Nguyễn Thị Hải Hằng nhận định.

Chia sẻ những về công tác đào tạo nhân lực ngành Hàng không, TS. Hằng bộc bạch: “Tôi luôn kỳ vọng tuyển chọn được những sinh viên thật sự có đam mê với ngành, có khát vọng và quyết tâm lập nghiệp chứ không chỉ chọn nghề vì yếu tố dễ kiếm được việc làm. Tôi tin tưởng rằng, dù ngành học nào nếu các bạn trẻ thật sự nỗ lực, trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng sống, rèn luyện được tư duy hệ thống và thái độ có trách nhiệm thì các em sẽ thành công trong cuộc sống. Đó là giá trị mà một trường đại học phải mang lại cho người học của mình”.

Tại Học viện Hàng không Việt Nam, ngành học nhận được sự quan tâm lớn nhất là ngành Quản lý hoạt động bay. Đây cũng là ngành đào tạo mũi nhọn của Học viện, tỉ lệ sinh viên ra trường và có việc làm đều trên 95% trong hai năm gần đây. Đa số sinh viên ra trường đều công tác đúng chuyên ngành và giữ các vị trí chủ chốt tại các các đơn vị của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không... Song song đó, ngành Quản trị kinh doanh cũng đang chiếm ưu thế cao với số lượng sinh viên đông đảo nhất của Học viện cùng sự đa dạng các chuyên ngành như: Quản trị Cảng hàng không, Quản trị Vận tải hàng không, Quản trị Du lịch, Quản trị Logistics, Quản trị Nhân lực, Quản trị Kinh doanh tổng hợp. Hai ngành đào tạo mới mở trong năm học này là Ngôn ngữ Anh và Công nghệ thông tin cũng đang thu hút nhiều sự chú ý và quan tâm của thí sinh.

Thời gian qua, khi Học viện là thành viên của Tổ chức đào tạo TRAINAIR PLUS và ALICANTO - tổ chức hàng không quốc tế với mạng lưới các trường thành viên rộng khắp trên toàn thế giới thì mọi hoạt động của Nhà trường sẽ mang tính quốc tế hóa cao, việc đào tạo nhân viên hàng không cũng được tiêu chuẩn hóa. Các thành viên luôn tạo ra các diễn đàn để các trường trong hệ thống được cập nhật tình hình, định hướng công tác đào tạo để đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của ngành Hàng không thế giới.

Đối với những ngành học có tính chất chung cho xã hội hơn như: Tự động hóa, Điện điện tử, Quản trị kinh doanh tổng hợp, Ngôn ngữ Anh..., Học viện dựa trên nhu cầu phát triển nhân lực của ngành Hàng không và các ngành liên quan, lấy đó làm cốt lõi phát triển chương trình đào tạo, đồng thời hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp thành công trong từng lĩnh vực để đảm bảo sinh viên được học những kiến thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của các doanh nghiệp, đúng với định hướng đào tạo theo định hướng ứng dụng của Học viện.

Bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2021 - 2022, sinh viên Học viện đã có thể thực hiện trao đổi tại các trường đại học đối tác tại các nước châu Á và châu Âu. Đồng thời, từ học kỳ 1 năm học tới, Học viện sẽ tiếp nhận sinh viên từ các trường đại học nước bạn đến tham gia học tập theo chương trình chính khóa. Bên cạnh đó, Học viện và các trường đối tác đang xúc tiến các chương trình hợp tác toàn diện trong đào tạo và nghiên cứu với nhiều hoạt động sôi nổi chia sẻ tài nguyên giữa các trường. Cách làm này sẽ góp phần từng bước nâng cao chất lượng mọi mặt hoạt động của Học viện, giúp Học viện sớm trở thành một cơ sở đào tạo đẳng cấp quốc tế về hàng không trong khu vực.

Trả lời câu hỏi: Các tiêu chí nào sẽ áp dụng vào việc đánh giá năng lực và trình độ của sinh viên về sau?”, TS. Nguyễn Thị Hải Hằng cho rằng đó là một vấn đề không phải dễ dàng mặc dù khi xây dựng chương trình đào tạo, chúng ta đã có một hệ thống chuẩn đầu ra. Từ hướng đích này, từng học phần của chương trình đào tạo sẽ xây dựng chuẩn đầu ra của mình. Theo đó, hệ thống khảo thí được xây dựng nhằm đo lường đúng và đủ khả năng của sinh viên đáp ứng hệ thống chuẩn đầu ra ở hai khía cạnh căn bản: kiến thức và kỹ năng. Tuy nhiên, như vậy đã đủ cho thế hệ tương lai của chúng ta hay chưa là câu hỏi còn bỏ ngõ?

TS. Nguyễn Thị Hải Hằng chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng nhiều điều cho thế hệ sinh viên của Nhà trường. Để thích ứng với một thế giới thay đổi, sinh viên phải có một nền tảng giá trị vững vàng về mặt đạo đức, phải được trang bị tư duy tiếp cận hệ thống khi giải quyết các vấn đề đặt ra, phải có thái độ tích cực trước những khó khăn có thể gặp phải và trên hết phải có tinh thần trách nhiệm đối với việc mình làm, đối với xã hội và đất nước. Sinh viên khi học phải được truyền cảm hứng về nghề nghiệp từ các thầy cô giáo, đồng thời phải biết xác định kế hoạch cho tương lai bằng hành động thực tế... Chúng tôi đã và đang là nơi ươm mầm, chắp cánh cho những giấc mơ bay cao, bay xa của các thế hệ sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam".

Với phương châm: “Chất lượng - Sáng tạo - Hội nhập” và sứ mệnh “Cung cấp dịch vụ đào tạo chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cho ngành Hàng không và cho xã hội...”, Học viện Hàng không Việt Nam sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Hàng không Việt Nam, khu vực và quốc tế.

Ý kiến của bạn

Bình luận